Hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực và kỹ năng để tham gia hội nhập tốt

14/09/2020
Hội thảo tham vấn dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030 (Nghị quyết của BCH TW Hội LHPN Việt Nam) do TW Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại Hà Nội chiều 14/9/2020 đã thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ cơ quan Văn phòng TW Đảng, Ban Đối ngoại TW, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc; Các bộ, ngành liên quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương...
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương (trái ảnh bàn trên) chủ trì hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương khẳng định, công tác đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế đã được Hội LHPN Việt Nam quan tâm, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xác định trong Văn kiện Đại hội Phụ nữ từ nhiều nhiệm kỳ nay. 

Công tác đối ngoại nhân dân và hội nhập quốc tế đã được các cấp Hội chỉ đạo, triển khai trong thời gian qua bám sát với định hướng, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, dựa trên yêu cầu của phong trào phụ nữ và đạt được nhiều kết quả, với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, với nhiều sáng kiến thực tiễn từ cơ sở (24/25 Hội LHPN tỉnh, thành ký kết thỏa thuận hợp tác với đối tác cùng cấp, một số mô hình giao tiếp thân thiện với người nước ngoài ở các khu du lịch trong nước...).

Phó Chủ tịch Trần Thị Hương đánh giá, trong bối cảnh hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội đang được triển khai theo hướng ngày một chủ động, linh hoạt, tích cực thì việc có văn bản định hướng, hướng dẫn hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế là một việc làm cần thiết. Vì vậy, Hội đã xây dựng dự thảo Nghị quyết Hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế và lấy ý kiến nhiều vòng thông qua gửi xin ý kiến bằng văn bản, tham vấn chuyên gia, các bộ ngành liên quan, một số địa phương...

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Hội chia sẻ, là một trong những đoàn thể đầu tiên xây dựng văn bản có tính định hướng với nhiều nội dung mới, khó nên quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết, Hội gặp không ít khó khăn, bỡ ngỡ. Chính vì vậy, Phó Chủ tịch Hội mong muốn qua hội thảo tham vấn này sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu nhằm bổ sung, làm rõ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến các vấn đề đề cập trong dự thảo Nghị quyết.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu đều đồng tình, khẳng định việc ban hành Nghị quyết chuyên đề của BCH TW Hội về công tác hỗ trợ phụ nữ hội nhập là cần thiết, đúng thời điểm, đáp ứng chiến lược hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và thực tiễn có nhiều vấn đề mới; là cơ sở quan trọng để nâng cao nhận thức của toàn xã hội, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương vào phát huy vai trò của phụ nữ trong quá trình hội nhập.

Nhiều ý kiến góp ý được các đại biểu phát biểu sâu, trách nhiệm, gợi ý cụ thể cho Hội về các vấn đề nêu trong dự thảo Nghị quyết như:

Bối cảnh Nghị quyết cần làm rõ những chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về hội nhập, xác định điểm mới so với giai đoạn trước như tính bền vững, toàn diện, đảm bảo các mục tiêu phát triển bao trùm, xu thế hòa bình hợp tác và phát triển trên mọi lĩnh vực kinh tế, an ninh quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh Covid. Cần làm rõ thêm vai trò của Hội, của phụ nữ trong tham gia hội nhập thời gian qua; những khó khăn thách thức đặt ra; xu thế của thế giới, khu vực với các yêu cầu mới để phụ nữ có thể tham gia tích cực, chủ động hơn.

Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến

Xác định đối tượng trong Nghị quyết là phụ nữ nói chung, trong đó bao hàm cả phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài và phụ nữ Việt Nam ở trong nước.

Xác định rõ mục tiêu của Nghị quyết không chỉ là hỗ trợ phụ nữ hội nhập mà cần nhìn rộng ra, cả quá trình hội nhập, phụ nữ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, vì vậy Nghị quyết nên hỗ trợ phụ nữ trong quá trình hội nhập. Tránh lẫn mục tiêu và quan điểm, phân rõ mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể trong đó xác định rõ các tiêu chí, thời gian thực hiện, kết quả cụ thể đạt được; Cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu, chỉ số rõ ràng để có thể đánh giá, đo lường việc thực hiện, làm rõ được những kết quả phụ nữ tham gia đóng góp quá trình hội nhập, ví dụ những chỉ tiêu về nữ đại sứ, đại diện phụ nữ Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, số lượng doanh nhân nữ, nữ trí thức...

Các đại biểu tham gia hội thảo

Cần bổ sung mục tiêu nâng cao năng lực cho phụ nữ tham gia vào hội nhập trên cả 3 trụ cột Kinh tế- Văn hóa- Quốc phòng- An ninh gắn với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ nữ cũng như lộ trình thực hiện phù hợp, hiệu quả.

Có ý kiến đề xuất Nghị quyết cần làm rõ vai trò của tổ chức Hội LHPN Việt Nam, tăng cường sự hiện diện của Hội trong các diễn đàn về chính sách để nói lên tiếng nói, nguyện vọng của phụ nữ; đồng thời cần có những quy định rõ về vai trò, trách nhiệm tham gia của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự phối hợp chặt chẽ của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ vào thực hiện Nghị quyết.

Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết cần lựa chọn để xác định các nhiệm vụ chính, ưu tiên, từ dễ tới khó tương ứng với lộ trình thực hiện phù hợp gắn với nhiệm vụ của tổ chức Hội, đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ; đồng thời có giải pháp bảo đảm đưa việc thực hiện Nghị quyết vào chương trình hành động hàng năm, chú trọng xây dựng mô hình, biểu dương điển hình.

Đại biểu tham gia góp ý kiến

Đa số các đại biểu đều cho rằng, việc xác định nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng lực, kỹ năng cho phụ nữ trong Nghị quyết là rất quan trọng, tập trung vào nâng cao:

- Đổi mới tư duy, thích ứng năng động, sáng tạo, kỹ năng hội nhập;

- Kỹ năng bắt kịp công nghệ: ngoại giao số, kinh tế số, thương mại điện tử, các diễn đàn trực tuyến...

- Kỹ năng mềm (giao tiếp, làm việc nhóm, ngoại ngữ...);

- Nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ, giỏi tay nghề;

- Kỹ năng tư duy toàn cầu.

Trang bị cho phụ nữ đầy đủ năng lực, thu hẹp khoảng cách giới trong tiếp cận với công nghệ số, kinh tế số trong quá trình hội nhập, đặc biệt là đối với phụ nữ nông thôn, vùng sâu, xa; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tham gia thương mại điện tử; xác định những đối tượng ưu tiên, lĩnh vực ưu tiên để các địa phương có thể xây dựng các kế hoạch hành động sát hợp như cán bộ Hội, phụ nữ nông dân, công nhân, nữ trí thức, nữ doanh nhân, học sinh, sinh viên...

Các ý kiến đóng góp tại hội thảo được Hội LHPN Việt Nam cầu thị tiếp thu để tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nhằm có thể ban hành được Nghị quyết và đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn một cách thiết thực, hiệu quả.

VH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video