Hỗ trợ phụ nữ trong lãnh đạo và nâng cao tiếng nói của phụ nữ khuyết tật

27/03/2019
Đây là chương trình hỗ trợ công bằng giới trong lãnh đạo thông qua việc tăng thêm cơ hội, sự tự tin của phụ nữ cũng như huy động sự hỗ trợ từ đồng nghiệp để giúp phụ nữ tạo ảnh hưởng trong tổ chức cũng như trong lĩnh vực chuyên môn.

Ngày 22/3, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị chuyên đề và Lễ tốt nghiệp Khóa học ngắn hạn Học bổng Chính phủ Australia - Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo. Đây là khóa học do Đại học Flinders (Australia) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giới và lãnh đạo nữ, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm giúp các lãnh đạo nữ tiềm năng của Việt Nam thấu hiểu về vai trò lãnh đạo, cất lên tiếng nói của phụ nữ khuyết tật.

Khóa học nhằm thúc đẩy công bằng giới trong lãnh đạo. Khóa học này kéo dài 10 tháng nhằm giúp các lãnh đạo nữ tiềm năng trở nên tự tin hơn, có các kiến thức và kỹ năng tham gia tích cực vào việc ra quyết định trong tổ chức của họ. Ngoài cơ hội học tập kinh nghiệm của chính Australia về thúc đẩy công bằng giới trong lãnh đạo, 6 tuần trải nghiệm tại đây còn là thời gian các nữ học viên học hỏi về khả năng lãnh đạo từ chính các học viên. Họ đã hoàn thành xuất sắc khóa học 10 tháng với những trải nghiệm học tập, đào tạo chuyên sâu cùng sự hỗ trợ kèm cặp và hướng dẫn của các chuyên gia tại Việt Nam và Australia.

Hai khóa học “Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo” thứ nhất và thứ hai (từ tháng 9/2017 tới tháng 3/2019) đã cung cấp trải nghiệm học tập chuyên sâu cho 39 nhà quản lý và giảng viên nữ từ các trường đại học ở miền núi phía Bắc Việt Nam, một số cơ quan đối tác và tổ chức xã hội dân sự. Với sự hỗ trợ của tổ chức chịu trách nhiệm đào tạo - Trường đại học Flinders (Australia), các học viên đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động áp dụng kiến thức sau khóa học với nhiều phản hồi tích cực từ lãnh đạo các cơ quan.

Nhằm tăng cường các cán bộ hiểu được các cách thức hỗ trợ công bằng giới trong lãnh đạo và nhân rộng hiệu quả của chương trình, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã phê duyệt việc triển khai “Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo” thứ ba cho 20 nhà quản lý đến từ 7 Bộ và Cơ quan ngang Bộ của nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Hành trình này sẽ được trường đại học Flinders cùng với các đối tác thực hiện từ tháng 3/2019 đến tháng 1/2020.


 Ảnh minh họa

 Chị Lưu Thị Ánh Loan (Trung tâm Khuyết tật và Phát triển) chia sẻ việc xây dựng video clip nhận diện các hình thức bạo lực gia đình


Mỗi học viên của Hành trình đã xây dựng và triển khai dự án áp dụng các kiến thức, kỹ năng từ khóa học ngắn hạn này nhằm thúc đẩy công bằng giới trong lãnh đạo và tạo ra những thay đổi tích cực tại nơi làm việc và cộng đồng. Các học viên đã trình bày kết quả dự án của mình trong phần Hội nghị chuyên đề với 5 nhóm vấn đề: Nâng cao năng lực vì sự lãnh đạo có công bằng giới trong khu vực đại học; Xóa bỏ rào cản trong lãnh đạo nữ: Tăng cường kỹ năng và kiến thức trong ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; Sự lãnh đạo vì an toàn của phụ nữ ở trường đại học và bảo vệ sự an toàn của trẻ em trong trường nội trú; Sự lãnh đạo vì bình đẳng giới và tạo cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số; Nâng cao năng lực vì sự lãnh đạo có công bằng giới và hòa nhập trong chính trị, khu vực tư và cộng đồng.

Sau phần Hội nghị chuyên đề, 20 học viên của Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo lần thứ hai tham gia phần Lễ tốt nghiệp. Các học viên của Hành trình Hỗ trợ Phụ nữ trong Lãnh đạo lần thứ hai (2019-2020) cùng tham gia phần sự kiện “tiếp bước hành trình” với 20 học viên của khóa trước.

Đại sứ Australia tại Việt Nam - Ngài Craig Chittick cho biết: “Thúc đẩy bình đẳng giới là mục tiêu toàn cầu của chính phủ Australia. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Bình đẳng giới là động lực của tăng trưởng kinh tế - xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam. Thông qua Chương trình Aus4Skills, chúng tôi đang hỗ trợ tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo chính trị và trong quá trình ra quyết định ở mọi cấp bậc, quản lý hành chính công cũng như khu vực tư nhân. Cần hỗ trợ phụ nữ vượt qua mọi rào cản để phát huy mọi tiềm năng của mình, cần khơi gợi ở các chị niềm đam mê, hoài bão vươn lên ở các chị, đặc biệt ở các phụ nữ khuyết tật”.

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video