Hòa Bình: Phụ nữ Mường nhọc nhằn mưu sinh trên đèo đá trắng

26/06/2022
Mùa nối mùa qua đi, bao phụ nữ người Mường ở xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (tỉnh Hòa Bình) dắt díu nhau lên đèo Đá Trắng dựng lều kiếm sống. Họ mang từ mớ rau, con gà, quả trứng đến những ống cơm lam, phong lan lên đỉnh đèo bán cho du khách. Bao phận người, chìm nổi với đỉnh đèo đầy khắc nghiệt của xứ Mường.
Phụ nữ mưu sinh trên đèo đá trắng

Đèo Đá Trắng nằm trên độ cao gần 1.000m là nơi giáp ranh giữa huyện Tân Lạc và Mai Châu tỉnh Hòa Bình. Từ khi quốc lộ 6 mới hoàn thành (2006), nơi này trở thành điểm dừng chân cho du khách. Bà con người Mường sống quanh đèo cũng đã biến nơi đỉnh đèo thành chợ để buôn bán.

Muôn nẻo mưu sinh

Gà gáy báo sáng, chị Bùi Thị Thảo (SN 1987) ở bản Bưởi, xã Phú Cường đã í ới gọi con dậy. Mấy đứa trẻ chuẩn bị sọt, bao tải, chai, lọ, còn chị Thảo nhanh tay xếp gọn đồ lên xe máy. Hôm nay, chị Thảo cho Nam - cậu con trai lớn lên núi bán hàng cùng mẹ.

Sau 15 phút chạy xe máy, chị đã lên tới cái lán của gia đình và nhanh chóng bày biện hàng hóa lên bàn. Từ sọt tỏi, mớ rau, mấy ống cơm lam, ổ trứng gà được chị sắp xếp gọn gàng lên kệ. Sau 2 giờ đồng hồ, luôn tay, luôn chân, chị mới ngồi nghỉ ăn sáng và đợi khách tới mua hàng.

Mẹ con chị Thảo chuẩn bị hàng cho quán nhỏ của gia đình

Người mua hàng là những hành khách đi xe ô tô qua đèo Đá Trắng dừng lại nghỉ ngơi. "Bán hàng cũng là cái duyên, bữa có khách, bữa không. Có những hôm, mẹ con em bán cả ngày chỉ thu được trăm bạc", chị Thảo vừa nhanh tay đóng đám ớt thóc muối vào chai vừa nói.

Tranh thủ thời gian nghỉ hè, Nam lên núi phụ giúp mẹ khuân hàng và bán hàng. Từ ngày gia đình chị dựng lán bán hàng, cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn. Tiền ăn, tiền học của 3 đứa con của chị đều trông vào sạp hàng nhỏ. Chị Thảo bảo "do nhà em neo người, nên chưa có người ngủ lại trông lán. Từ sáng đến tối, hai mẹ con mải miết tối ngày mới xong việc".

Bản Bưởi của bà con người Mường nằm lọt thỏm trong thung lũng. Mấy năm trước, chị em phụ nữ nơi đây thường kéo nhau về xuôi kiếm việc làm. Thân cò sống ở nơi đất khách, họ cũng gặp bao chuyện trắc trở. Ai may mắn kiếm được việc, gia chủ tốt còn cầm được tiền về. Nhiều chị em đi làm phu hồ thuê, khi xong việc, chủ lại bùng mất, không kiếm được đồng nào. Do lạ nước lạ cái, nơi quê người, họ chẳng biết kêu ai để đòi lại quyền lợi cho mình. Vì cuộc sống mà nhiều chị em vẫn chấp nhận sự rủi ro đó để hy vọng, con cái ở nhà có thêm tấm áo, manh quần, quyển sách mới khi vào năm học mới.

Chị Bùi Thị Son, Chi Hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Bưởi, hiểu được bao mảnh đời cơ cực đó. Giữa thời buổi này, thứ gì cũng cần phải dùng đến tiền, mong muốn kiếm được việc làm, có thu nhập là rất cần thiết. Từ ngày quốc lộ 6, chạy qua đèo Đá Trắng hoàn thành. Chị em đã mạnh dạn mang hàng hóa lên đó bán. Buôn thúng, bán mẹt, cả ngày biết bao vất vả, nhưng ai cũng thấy vui vì họ được ở nhà mà vẫn có việc, kiếm được tiền.

Chợ của chị em người Mường trên đỉnh đèo Đá Trắng

Chợ của chị em người Mường hiện lên giữa bốn bề mây núi. Mỗi nhà một lán, không cần hàng rào, ngăn cách. Hàng của ai, người nấy bán, nhưng họ rất đoàn kết. Khách dừng chân có thể ngồi quán này, mua hàng ở quán khác đều ổn cả. Nhà nào neo người, tối chỉ cần đóng cửa quán, những người ngủ ở lại bảo vệ giúp. Ai mới lên dựng lán, mỗi người giúp một tay là có "trụ sở" kinh doanh tươm tất.

Hôm chúng tôi đi ngang qua quán, chị Bùi Thị Lan cũng ở xóm Bưởi đang bận rộn cưa ống tre để làm cơm lam. Chị chỉnh cái cưa và đưa những đường cưa ngọt sớt. Ống tre được cắt như ý. Tiếp đó, chị cẩn thận sắp các ống tre vào thúng. Chị vo gạo, rồi nhồi gạo vào ống lam. Vốn quen tay, chị làm mọi thứ thoăn thoắt, chẳng mấy chốc, mấy chục chiếc ống lam đã được đóng đầy đặn. "Khách qua đây thích cơm lam do chúng tôi làm lắm. Gạo nương vừa dẻo, vừa thơm, quan trọng là nghề làm cơm lam của chúng tôi được các mế truyền lại. Ai ăn một lần cũng nhớ mãi", chị Lan chia sẻ.

Cuộc đời những người phụ nữ Mường nơi đây cũng trải qua bao khó nhọc. Những năm trước đây, họ làm nông nghiệp, rồi ngày ngày bên khung cửi dệt thổ cẩm. Nhưng cuộc sống vốn xoay vần, ngày nay, gia đình nào cũng phải lo cái ăn, cái mặc cho con cái, nên ai cũng phải cố gắng làm việc gì đó để có thu nhập. Chị Lan cũng từng lang bạt khắp nơi kiếm việc, nhưng mỗi lần đi làm là một lần rơi nước mắt vì phải xa con. Từ ngày dựng lán, bán hàng chị được ở gần chồng, gần con. Cuộc sống chưa khá giả, nhưng chị cũng thấy hài lòng.

Kiếm cơm qua ngày

Đèo Đá Trắng nằm trên quốc lộ 6. Từ trên đỉnh đèo Đá Trắng nhìn xuống, mấy bản của bà con người Mường nom thật thơ mộng. Thửa ruộng bậc thang vàng ruộm nối nhau dài tít tầm mắt. Những ngôi nhà sàn đã được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố hơn. Nhưng phía sau sự bình yên đó là bao nỗi lo toan, cơm, áo gạo tiền.

Ông Bùi Văn Ứa, Trưởng bản Bưởi, xã Phú Cường, cũng là một trong số hộ làm lán trên dốc Đá Trắng để kiếm sống. Hôm chúng tôi đến thăm, ông Ứa đang tất bật cùng đám thợ, dựng lại cái lán cho chắc chắn hơn. Vị trưởng bản mới ngoài ngũ tuần, tác phong còn nhanh nhẹn, nhưng trên khuôn mặt đầy vẻ lo toan. "Tôi dựng cái lán này cũng mất cả trăm triệu rồi. Bán trâu, bán bò, rồi cả vay mượn khắp xóm mới dựng xong. Giờ tôi cũng đã có tuổi, chẳng biết đi đâu, làm cái quán này buôn thúng bán mẹt, kiếm cơm qua ngày vậy. Vợ con cũng có thêm công ăn việc làm", ông Ứa chia sẻ.

Bản Bưởi có 128 hộ gia đình, trong đó có 38 gia đình đã cất công đầu tư dựng lán trên đèo Đá Trắng để kiếm sống. 2 năm trước xảy ra dịch COVID-19, bà con phải đóng cửa, chẳng buôn bán được gì, nhiều lán đã xuống cấp và cần sửa sang.

So với việc làm nông nghiệp tại bản, bà con có lán vẫn có chút hy vọng kiếm được khoản tiền khá hơn. Ông Ứa chia sẻ thêm, những năm trước đây mớ rau, con cá, con gà, bà con tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày có chợ tạm, chị em phụ nữ có nơi bán sản phẩm nông nghiệp do mình làm ra được giá và dễ bán hơn. Phụ nữ có thêm công việc để làm, không phải tha phương cầu thực như trước.

PVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video