Hòa Bình: Trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị để giảm nghèo bền vững

01/04/2020
HTX Nông nghiệp bản Dao (xã Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) là mô hình trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người nghèo, hội viên phụ nữ.
Đóng gói và dán tem truy xuất sản phẩm tinh dầu sả chanh của HTX Nông nghiệp bản Dao

Nhờ chính sách ưu đãi của Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 - 2025, HTX Nông nghiệp bản Dao (xã Thống Nhất, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã phát triển mô hình trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị, giúp tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều người nghèo, hội viên phụ nữ.

HTX được thành lập từ năm 2005 với khoảng 20 thành viên ban đầu. Chỉ cần 300.000 đồng/người góp vốn sẽ là thành viên của HTX. Khi đó, các thành viên được sử dụng nhiều dịch vụ ưu đãi, phù hợp trong sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đối với các hộ kinh tế còn khó khăn ở bản Đồng Chụa, HTX nông nghiệp bản Dao đã và đang là “điểm tựa” để người dân vươn lên xóa đói nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Mở ra cơ hội làm giàu

Ý tưởng "trồng và chế biến tinh dầu sả theo chuỗi giá trị nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường” của bà Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX là một trong 3 ý tưởng của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đạt giải tại cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo "Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

Sau khi đoạt giải và tham dự ngày hội khởi nghiệp toàn quốc, ý tưởng của bà Bình đã được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức trao tiền hỗ trợ 153,4 triệu đồng. Từ hỗ trợ, HTX đã đầu tư mua trang thiết bị, nồi chiết xuất tinh dầu hiện đại, xây dựng nhà xưởng, đầu tư phân bón, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây sả, in nhãn, làm bao bì sản phẩm… Hiện, các thành viên thực hiện dự án đã sản xuất các sản phẩm từ cây sả có mức thu nhập thêm từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Các thành viên đặt ra mục tiêu sản xuất tinh dầu với quy mô 60 - 80 lít/tháng (vào mùa khô); 150-170 lít/tháng và mùa chính vụ (tháng 5 - 10) với 3 dòng sản phẩm chính: tinh dầu sả (dùng thắp đèn xông, đóng lọ xịt, lọ lăn, lọ treo xe), nước lau sàn và nước rửa bát. Sản phẩm của HTX thuần tự nhiên, chất lượng đảm bảo, được chưng cất từ nguyên liệu sả do thành viên HTX và bà con tại địa phương trồng.

Chị Triệu Thị Thanh, thành viên HTX chia sẻ: "Gia đình tôi trồng trên 4 ha sả, trước đây, chỉ bán củ sả với mức giá bấp bênh theo mùa vụ. Từ khi có cơ sở chưng cất tinh dầu sả, những cây sả nhỏ và phần lá thường bị loại bỏ được HTX nhận chưng cất thành tinh dầu và nhiều sản phẩm hữu ích khác".

Giá trị của cây sả giờ tăng lên gấp rưỡi. Nhiều gia đình tại đây đã thoát nghèo và yên tâm cùng với HTX phát triển dự án trồng và sản xuất tinh dầu sả theo chuỗi giá trị. Tham gia dự án, các thành viên còn có cơ hội tiếp cận kiến thức mới qua các lớp tập huấn do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức; được tham gia các hội chợ trưng bày, quảng bá sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Vì lợi ích thành viên

Với phương châm hướng đến lợi ích của thành viên, từ nguồn vốn huy động được, HTX đã đầu tư mua giống, phân bón với giá rẻ, chất lượng cao, tốt nhất để cung ứng cho thành viên dưới hình thức mua nợ trong 12 tháng. Gia đình chị Triệu Thị Tâm là hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Bản thân chị khuyết tật, chồng mất sớm, một mình nuôi 2 con nhỏ.

Trồng sả làm tinh dầu giúp nhiều hộ dân thoát nghèo (ảnh minh họa)

Nhờ tham gia vào HTX, 1 ha đất đồi của gia đình luôn được canh tác hết năng suất, mang lại thu nhập khá. Chị chia sẻ: “Là người kém may mắn nhưng tôi luôn nỗ lực, chăm chỉ lao động để mong con cái bớt khổ, bớt thiệt thòi. Trước đây, khi chưa vào HTX, muốn sản xuất, trồng trọt lại thiếu vốn đầu tư nên canh tác còn nhỏ lẻ. Khi trở thành thành viên, tôi được nợ mua giống, phân và được hỗ trợ, chia sẻ về KH-KT trong sản xuất. Đến kỳ thu hoạch mới phải trả nợ tiền cho HTX, coi như mình lấy công làm lãi”.

Ngoài các sản phẩm chủ lực từ cây sả, HTX còn phát triển các sản phẩm truyền thống vốn có từ trước như: Rau mầm, mật ong. Đây đều là những sản phẩm thiên nhiên được HTX cam kết bảo đảm chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm tới cùng. Các sản phẩm do HTX sản xuất ra đều được dán nhãn mác rõ ràng, cấp mã số, mã vạch theo từng lô nên đầu ra tương đối ổn định.

Sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số siêu thị của TP Hòa Bình và mở rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong định hướng phát triển vùng nguyên liệu, HTX cũng thực hiện theo quy trình VietGAP và dùng phân hữu cơ từ chính bã thải ép tinh dầu nên cải thiện môi trường, bảo đảm được chất lượng nguyên liệu.

Giám đốc Nguyễn Thị Bình cho biết: Hiện, dự án tạo việc làm ổn định cho 86 thành viên, trong đó có 70 lao động nữ, 5 lao động khuyết tật, 2 người nhiễm chất độc da cam, 100% chị em là tộc thiểu số, trong đó 90% là dân tộc Dao.

khoahocthoidai.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video