Hóa giải nỗi bực mình khi dạy con

13/12/2012
Một ông bố có con trai đang học tại trường mẫu giáo Hoa Quỳnh (Quận 1, TP HCM) than thở: ngại nhất là lúc “canh” con chơi, vừa mệt vừa bực mình.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia (cơ sở tại TP HCM), người cha này đã lãng phí một thời gian vô cùng quý báu. Bởi với con nít 0-6 tuổi, chơi cũng có thể là học. Muốn dạy dỗ con cái ở lứa tuổi này, các ông bố bà mẹ hãy luôn nhớ câu chơi mà học, học mà chơi. Tất cả trò chơi đều có thể giúp bạn dạy con, giúp con thông minh và ngoan ngoãn hơn.

Dụ bé ăn bằng các trò chơi

Trong khi rất nhiều ông bố bà mẹ phàn nàn cho trẻ ăn mệt quá thì lại có nhiều người cảm thấy việc cho trẻ ăn thật đơn giản. Chị Hương Giang (bà mẹ của một cô con gái 4 tuổi và cậu con trai hơn 2 tuổi, nhà ở Từ Liêm, Hà Nội) luôn biến mỗi bữa ăn của con thành một cuộc vui chơi. Chị chuẩn bị thật nhiều thìa muỗng cho bé bày đồ hàng trong lúc mẹ xúc cho ăn… Vì thế, cả hai bé nhà chị đều bụ bẫm, xinh xắn và khỏe mạnh.

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy cũng chia sẻ câu chuyện của chính bản thân mình. Chị nuôi cô con gái lớn (giờ đã 9 tuổi) hơi vất vả vì chưa có kinh nghiệm. Nuôi cậu con thứ hai thì thật dễ dàng vì chị đã biết cách cho bé vừa ăn vừa chơi. Chị bày đồ chơi cho bé trước mỗi bữa ăn. 9 tháng tuổi, bé đòi cầm thìa xúc, và chị nghĩ ngay ra trò mẹ con thi đua: con xúc một thìa, mẹ xúc một thìa. Cu cậu ăn rất nhanh. Đến 3 tuổi, bé đã có thể tự ăn một cách sạch sẽ, gọn gàng.

Cha mẹ nên nghĩ ra nhiều trò chơi để bé ngồi yên một chỗ như xếp hình, đánh đàn điện tử, xé giấy, xem truyện tranh… nhưng tuyệt đối không được cho bé chơi những trò phải vận động mạnh, chạy nhảy trong khi ăn vì như thế rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Trẻ em vốn chóng chán, hẳn nhiều bố mẹ đã phải đau đầu để nghĩ ra các trò phục vụ. Tuy nhiên, nếu vừa cho bé ăn, bạn vừa trò chuyện với bé thì bạn sẽ không phải lo lắng nhiều. Với trò chơi hỏi đáp, bạn có thể tha hồ sáng tạo mà dường như con cũng không bao giờ chán.

Làm việc gì cũng biến thành trò chơi

Cô con gái của chị Nguyệt (Quận 7, TP HCM) trước đây vốn rất sợ nước. Nghe bạn bè mách, chị mua một bộ đồ chơi nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn nhỏ bằng ngón tay thả vào chậu tắm cho bé. Từ đó, bé Nấm ngày nào cũng chỉ mong được đi tắm để chơi cùng Bạch Tuyết và 7 chú lùn.

Dụ các bé mầm non đi ngủ cũng là một vấn đề đối với nhiều gia đình. Câu chuyện của chị Yến (Quận 7) có lẽ cũng là một kinh nghiệm để nhiều người học tập: Đó là cho các con thi xem ai ngủ sớm. Con nào ngủ sớm sáng hôm sau sẽ được bố mẹ thưởng. Trò chơi thi đua vốn có tác dụng khích tướng các bé rất tốt.

Dạy kiến thức qua trò chơi

Thạc sĩ Thúy phản đối kịch liệt việc cho các bé mầm non đến các trung tâm để học chữ và số trước, chuẩn bị cho việc vào lớp 1. Theo chị, trẻ em lứa tuổi này thiếu kiên nhẫn, các bé không tập trung vào điều gì quá 10 phút. Việc ép các bé đi học trước ở các trung tâm không hiệu quả mà còn phản tác dụng, có thể khiến các bé mệt mỏi và ghét học.

Tuy nhiên, nếu như chính cha mẹ dạy con học trước ở nhà lại rất tuyệt. Vừa học vừa chơi với cha mẹ, bé sẽ dễ dàng có được niềm ham mê học tập. Bạn có thể học toán cùng con qua việc đọc các biển số xe, đếm bậc cầu thang khi leo lên tầng… Bạn có thể cùng con phân biệt các màu sắc, các hình khối từ chính những đồ vật trong nhà…

Lợi ích của việc vui chơi cùng con

Theo các chuyên gia, khi dạy con học bằng các trò chơi lành mạnh thì cả gia đình đều vui vẻ, cha mẹ và con cái đều hạnh phúc. Khi cha mẹ chơi cùng con, con sẽ có nhiều cơ hội để phát triển trí tuệ hơn là cứ lầm lũi chơi một mình. Khả năng ngôn ngữ của con cũng được phát triển thông qua việc nói chuyện với cha mẹ. Ngoài ra, vui chơi cùng nhau, tình cảm giữa cha mẹ và con cái sẽ được củng cố và gắn bó hơn.

Cha mẹ hãy coi như mỗi giây phút vui chơi cùng con là một giây phút thư giãn. Thời thơ ấu của con không bao giờ trở lại, bạn hãy tận dụng nó để tận hưởng cuộc sống cùng con, và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy cáu bẳn và mệt mỏi vì phải canh trẻ chơi.

Theo vnexpress.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video