Hoa hồng Kovalevskaia - hành trình từ trái tim đến cuộc sống

08/03/2016
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà - nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam) và TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy TP.HCM đã vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2015 hôm 6.3.2016 vừa qua.

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà: Đau đáu "nỗi đau da cam"

Sinh năm 1952, PGS-TS Đặng Thị Cẩm Hà được biết đến như một nữ khoa học cả đời “đau đáu” với vấn nạn ô nhiễm môi trường. Bà đã cùng học trò, đồng nghiệp nghiên cứu thành công nhiều đề tài làm sạch môi trường với chi phí thấp.

Đặc biệt, trong suốt hơn 10 năm nay, nhà nữ khoa học vẫn dày công theo đuổi công trình nghiên cứu xử lý đất ô nhiễm chất diệt cỏ dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh, tại các điểm nóng Biên Hòa và Đà Nẵng. Khi bắt tay vào nghiên cứu, bà Hà từng nhận được ánh mắt ngờ vực của nhiều bạn bè, đồng nghiệp trong và ngoài nước. Những lúc ấy, bà chỉ nói một câu chắc nịch “10 năm nữa chúng tôi sẽ tìm ra”.

Bắt tay nghiên cứu từ năm 1999, cứ vài tuần đến một tháng, bà Cẩm Hà lại có mặt tại hai sân bay bị ô nhiễm dioxin nặng nhất tại Việt Nam. Để tránh nguy cơ bản thân bị phơi nhiễm khi tiếp xúc quá nhiều với môi trường này, bà cùng các đồng nghiệp thường dùng “mẹo” uống nước gạo rang cháy sau khi tới nơi làm việc. Kết quả sau 10 năm nghiên cứu và 27 tháng ứng dụng, hơn 3,3 ngàn m3 đất nhiễm dioxin đã được xử lý. Theo phân tích của Bộ Tài nguyên - môi trường, tổng độ độc trung bình đã giảm sâu, hiệu quả lên tới 99,48%.

PGS-TS Cẩm Hà cho biết, tới nay chưa có công bố nào trên thế giới về khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ dioxin hiệu quả bằng công nghệ sinh học và quy mô lớn như ở Việt Nam. Song, vì nhiều lý do khách quan mà hiện công nghệ xử lý đất ô nhiễm bằng phương pháp phân hủy sinh học của bà chưa được sử dụng để khử độc cho toàn bộ đất ô nhiễm chất độc hóa học ở Việt Nam. Không “đầu hàng” với những thách thức mới, bà Hà cho hay, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu để nâng cao hiệu quả, xử lý triệt để nguy cơ mà dioxin đang gieo rắc cho các gia đình Việt.

TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo "phao cứu sinh" cho bệnh cho bệnh nhân lọc máu

Những năm trước đây, mỗi ngày, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tiếp nhận không ít trường hợp bị sốc nhiễm khuẩn dẫn đến suy đa tạng và viêm tụy cấp nặng. Điều đau lòng là cứ bốn bệnh nhân (BN) nhập viện vì căn bệnh này thì tới ba người tử vong. Con số ấy ám ảnh BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó giám đốc BV Chợ Rẫy, cũng là người phụ trách khâu hồi sức cấp cứu của BV.

 Ảnh minh họa

TS.BS. Phạm Thị Ngọc Thảo

“Từ năm 2001, các khoa thận nhân tạo nhiều BV đã áp dụng phương pháp lọc máu ngắt quãng trong điều trị. Tuy nhiên, với BN đang có rối loạn huyết động như viêm tụy, suy đa cấp, việc áp dụng phương pháp lọc máu này gây tụt huyết áp, khiến cuộc lọc máu không thể hoàn tất và không mang lại hiệu quả điều trị cao”, BS Ngọc Thảo chia sẻ.

 

Trăn trở trước thực tế ấy, năm 2011, BS Thảo bắt tay vào đề tài nghiên cứu “Hiệu quả lọc máu liên tục trong số nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng”, nhằm mở ra cơ hội sống cho BN mắc phải những chứng bệnh này. Suốt hai năm nghiên cứu, khó khăn lớn nhất với BS Thảo là từ phía người bệnh. Chị kể: “Ở giai đoạn đầu nghiên cứu, các trang thiết bị về mặt kỹ thuật như máy lọc máu, màng lọc chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên ứng dụng rất khó khăn. Phải tới khi nhận thấy hiệu quả lọc máu tốt, một số độc tố của lọc máu liên tục mới được bảo hiểm chi trả. Tới nay thì hầu hết người bệnh đều đã được hưởng kỹ thuật này với mức giá tốt nhất”

Trước khi đề tài của BS Phạm Thị Ngọc Thảo được ứng dụng ở BV Chợ Rẫy và nhiều BV cả nước, không ít BN phải bỏ cả trăm triệu để sang nước ngoài điều trị. Phương pháp mới không chỉ giảm chi phí cho BN mà quan trọng hơn, nguy cơ tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng giảm hẳn. Tại BV Chợ Rẫy, con số này đã từ 75% xuống còn 49%. “Mặc dù tỷ lệ tử vong còn cao, song đối với căn bệnh nguy hiểm này, việc kéo xuống được hơn 25% là không nhỏ”, BS Thảo nói.

Sau đề tài nghiên cứu thành công của TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo, hiện nay, ứng dụng của kỹ thuật lọc máu liên tục ngày càng mở rộng, đặc biệt với công nghệ lọc màng mới có thể lọc thêm nhiều độc chất. Ứng dụng trong điều trị BN nhi nhiễm virus, lần đầu tiên, phương pháp lọc máu liên tục đã cứu sống ca bệnh tay-chân-miệng nặng. Phương pháp này cũng hiệu quả với BN bị o­ng đốt mức độ nặng.

Không chỉ thực hiện thành công đề tài “Hiệu quả lọc máu liên tục trong sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm tụy cấp nặng”, BS Phạm Thị Ngọc Thảo còn là chủ nhân của hàng loạt đề tài có ứng dụng thực tế, nâng cao công tác điều trị như “Ghép thận trên BN tim ngừng đập”, “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tặng chết não”, “Đánh giá đáp ứng bù dịch dựa vào theo dõi huyết động ít xâm lấn kỹ thuật flotract”…

Nhiều người từng hỏi về bí kíp của chị, chị chỉ giản dị trả lời: “Kinh nghiệm của tôi là làm hết sức mình và làm công việc tôi yêu thích”. Tuy nhiên, BS Thảo cũng khẳng định, chính sự ủng hộ, hỗ trợ của gia đình là điều may mắn đối với những người phụ nữ làm khoa học như chị.

phunuonline

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video