Hoài bão của thạc sĩ trẻ Hà thành nơi vùng khó

17/12/2019
Trở về sau chuyến dạo chơi ở vùng cao Tây Bắc, cô gái Hà thành Phạm Thị Lan quyết tâm quay lại vùng đất khó Nậm Nhùn, Lai Châu với tâm thế mới: Dạy chữ cho trẻ em dân tộc thiểu số.
Cô giáo Phạm Thị Lan

Xa nhà, xa bạn bè, người thân, những đêm trăng sáng cô chỉ biết lên đỉnh ngọn đồi cao trông trăng rồi ôm mặt khóc. Dù môi trường dạy học còn gian nan song cô giáo Phạm Thị Lan vẫn quyết tâm “bám trụ” để dạy học cho con em vùng dân tộc thiểu số Nậm Nhùn, Lai Châu. Đó là câu chuyện của cô Phạm Thị Lan, giáo viên dạy Toán, thạc sĩ hiếm hoi ở huyện vùng cao Nậm Nhùn, Lai Châu.

Bỏ phố, lên rừng

Trong chuyến công tác dài ngày ở huyện vùng cao Nậm Nhùn, chúng tôi có dịp được gặp gỡ với các thầy, cô giáo ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nậm Chà, xã Nậm Chà. Cả trường có mấy chục thầy cô giáo, họ đều là những người một chốn đôi quê. Trong số này, cô giáo Phạm Thị Lan, giáo viên dạy Toán là người đặc biệt hơn cả.

Được mọi người gọi với cái tên thân mật “Lan thạc sĩ” bởi cô là giáo viên hiếm hoi của huyện đạt trình độ này. Nghe nói có đoàn công tác từ Hà Nội lên, mắt cô Lan như sáng ra khi có một thứ gì đó gần gũi bỗng ùa về. Cô niềm nở tiếp đón và hỏi han các thành viên trong đoàn công tác như thể đã quen nhau từ lâu. Có lẽ cũng bởi cô xa Hà Nội, xa gia đình nên muốn tiếp chuyện để vơi đi nỗi nhớ nhà.

Phạm Thị Lan (SN 1992) sinh ra và lớn lên tại huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội). Xuất thân từ một gia đình có cả bố và mẹ đều công tác trong ngành Giáo dục nên Phạm Thị Lan sớm nung nấu ước mơ dạy chữ, dạy người. Tốt nghiệp THPT, Lan hăng hái nộp hồ sơ thi tuyển vào Đại học Sư phạm II, chuyên ngành Sư phạm Toán.

Năm 2014, Lan ra trường và được nhận vào công tác tại một trường THPT ở quê nhà. Vừa làm, cô vừa đăng ký theo học Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội rồi tốt nghiệp. Cũng trong thời gian này, trong chuyến đi thực tế cùng bạn bè ở vùng cao Tây Bắc, thấy được những thiệt thòi, vất vả của trẻ em nghèo nơi đây, Lan mua hồ sơ xin việc, nắn nót từng chữ với quyết tâm xin chuyển lên Tây Bắc để dạy chữ cho con em đồng bào vùng cao.

“Từ nhỏ, em đã thích tham gia các hoạt động từ thiện xã hội nhưng vì mải học hành, chẳng làm được gì. Thấy tuổi trẻ cứ thế trôi đi và con người gần như an phận nên em quyết tâm phải làm gì đó. Thế rồi, em xin lên Lai Châu. Ban đầu cũng chỉ biết Lai Châu xa Hà Nội, phải mất một đêm di chuyển trên xe ca, chứ không biết từ thành phố đến huyện lại xa hàng trăm cây số như thế này đâu”, cô Lan tâm sự.

Thêm yêu nghề

Mới ngày nào hai bố con cô Lan khăn gói lên đường, rời chốn Hà thành phồn hoa, lên vùng heo hút, âm u công tác. Quay đi, ngoảnh lại đã hai năm. Cô Lan vẫn nhớ như in những ngày đầu đặt chân lên đất Nậm Chà của huyện Nậm Nhùn. Từ tỉnh lỵ Lai Châu đến trung tâm huyện mất khoảng 100km. Từ trung tâm huyện đến xã đi thêm 60km nữa. Xe khách chẳng có để di chuyển đến trung tâm, những giáo viên như cô Lan chỉ còn cách thuê xe ôm, đi nhờ hoặc đi bộ. Có những đoạn qua suối, không có cầu lại thuê đò của người dân để đi qua.

“Ngày đầu bước chân vào đây vất vả lắm anh (PV) ạ! Mấy thầy cô cùng ở Hà Nội kéo nhau lên công tác, đã biết Lai Châu là gì đâu? Nghĩ một lúc rồi lại vui vẻ trở lại và cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã sẵn sàng tâm lý đi để dạy chữ”, cô Lan tâm sự.

Rằm tháng 8/2017 là rằm đầu tiên cô Lan xa gia đình, người thân. Tối hôm đó, cô Lan, cô Miên, cô Thủy, cô Trung Anh và cả cô Xuân là những người cùng cảnh xa quê rủ nhau trèo lên một đỉnh đồi cao nhất phía sau trường, ngắm trăng rồi ôm nhau khóc. Nỗi nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ tiếng trống hội trăng rằm nơi thành thị cứ theo nhau ùa về. Còn ở đây chỉ có tiếng chim kêu, vượn hú, chứ mấy ai biết đến Tết Trung thu. Nhớ nhung nhiều lắm, nhưng cô Lan không dám gọi điện về nhà để kêu than vì sợ bố mẹ đã già yếu, lại thêm nhớ thương.

Hai năm trước, khi cô Lan đặt chân đến xã, Nậm Chà không có điện, không có sóng điện thoại, đường đi gọi là có nhưng cũng chẳng thể gọi là con đường đúng nghĩa. Thế nên để vượt qua 60km đến trường rồi chẳng ai muốn quay ra trung tâm huyện nữa.

“Ở đây mọi người không có sự phân biệt gì cả, chỉ có tình cảm thôi anh (PV) ạ! Lúc đó, em, chị Miên, chị Thúy cùng ở một phòng. Em ở tầng hai, hễ trời đổ mưa là nước rơi vào mặt, trời nắng thì rọi vào chẳng thể ngủ được vì mái nhà bị dột”, cô Lan nhớ lại.

“Những lúc trái nắng, trở trời, ốm đau cũng muốn có bàn tay cha mẹ vỗ về, chăm sóc nhưng cũng chỉ biết ôm chăn rồi khóc. Gọi về tâm sự sợ bố mẹ thêm lo nghĩ, lại sinh bệnh tật. Những lúc như thế, chúng em chỉ biết đùm bọc, chia sẻ, chăm sóc lẫn nhau thôi”, cô Lan rơm rớm nước mắt kể.

Là thạc sĩ hiếm hoi đứng trên bục giảng, cô Lan mang hết tâm huyết, trách nhiệm, lòng yêu nghề để truyền thụ kiến thức cho học sinh vùng cao. Thấy các em vô tư, hồn nhiên và hăng say học tập, cô Lan thấy sự đóng góp của bản thân nơi “thâm sơn cùng cốc” có ý nghĩa hơn. Cuộc sống đầy khó khăn, thiếu thốn là thế, nhưng cô vẫn luôn xác định sẽ gắn bó với con trẻ nơi đây.

GDTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video