Hoạt động hỗ trợ phụ nữ đơn thân tại Tiền Giang

30/04/2008
Với dân số trên 1,7 triệu người, trong đó nữ giới chiếm hơn 50%. Tiền Giang là một trong những địa phương có số lượng phụ nữ đơn thân và goá phụ có hoàn cảnh khó khăn tương đối lớn.

Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và Chăm sóc SKSS (Hội LHPN Việt Nam), tại thời điểm tháng 8/2008, toàn tỉnh có 5.915 chị thuộc đối tượng này. Nhiều nhất là ở huyện Châu Thành (1.856 người, chiếm 31.4%), trong đó đa số có nhu cầu vay vốn (1.562 chị), học nghề cho bản thân và cho con (197 chị) và các nhu cầu khác như: trợ cấp khó khăn, miễn giảm học phí hoặc khám chữa bệnh miễn phí cho con cái....

 

Với sự giúp đỡ của Trung tâm từ Chương trình thí điểm “ tăng cường cơ hội tiếp cận kinh tế xã hội cho những phụ nữ đơn thân và goá phụ để giảm nhẹ khó khăn trong cuộc sống của họ” do Công ty Johnson & Johnson và Quỹ Châu Á 2 Give Asia tài trợ, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Văn phòng tư vấn chương trình giai đoạn 2007-2008 do 2 lãnh đạo Ban Gia đình Xã hội phụ trách để tư vấn, hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề cho chị em cũng như tăng cường sự chỉ đạo và giám sát các hoạt động của chương trình.

 

Tháng 9/2007, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng Tiền Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai chương trình, lồng ghép với truyền thông về kiến thức dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm và sức khoẻ. Qua đó, dự án đã khảo sát thêm nhu cầu học nghề và vay vốn của nhiều phụ nữ đơn thân; thảo luận thống nhất về quy chế vay vốn, tiêu chí học nghề và hỗ trợ học bổng cho con em các chị có hoàn cảnh khó khăn biết vươn lên trong học tập. Theo đó, những phụ nữ được vay vốn phải là thành viên CLB phụ nữ đơn thân của xã, đang nuôi con ăn học, hoàn cảnh khó khăn, chưa được vay các nguồn vốn nào, có khả năng hoàn trả và có kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể, đồng thời phải được các thành viên CLB bình xét và đồng ý cho vay. Ngoài ra, đơn xin vay phải có chứ kí của người được vay vốn, người thừa kế, có xác nhận của Hội LHPN và Trưởng ban Xoá đói giảm nghèo của xã. Các quy chế vay vốn và tiêu chí học nghề đã được Hội phụ nữ các huyện hướng dẫn cụ thể xuống xã để chị em phụ nữ có nhu cầu làm đơn vay vốn và học nghề gửi về văn phòng xem xét, hỗ trợ.

 

Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai, đã có 109 đơn đề nghị vay vốn (chủ yếu là của 2 CLB phụ nữ đơn thân xã Thạnh Phúc và Vĩnh Kim thuộc huyện Châu Thành là những địa phương có đông đối tượng nhất với hơn 200 chị) và 60 đơn xin học nghề của các xã phường trong tỉnh thuộc các huyện: Gò Công Đông, Chợ Gạo, Tân Phước, Châu Thành.... Văn phòng đã cử cán bộ kết hợp với Hội LHPN huyện đi thẩm định từng trường hợp cụ thể về hoàn cảnh, nguyện vọng, monh muốn và kế hoạch sử dụng nguồn vốn được vay. Qua đó cho thấy, phần lớn các chị đều có hoàn cảnh éo le, không chồng, có từ 1-2 con, một số chị có hoàn cảnh đặc biệt như chồng mất sớm hoặc ly hôn, không có nghề nghiệp ổn định, không được ở nhà chồng, nhà mẹ đẻ ở xa phải nhờ nhà em trai và hàng ngày đi bán vé số, đi làm thuê, giúp việc trông trẻ cho các gia đình, có chị bản thân bị bệnh tật, không có đất sản xuất hàng ngày phải đi bán bưng để lấy tiền nuôi con ăn học. Trên cơ sở này, dự án đã xem xét và lựa chọn giải quyết cho 27 chị vay tổng số tiền 80 triệu đồng. Sau khi các thành viên nhận vốn được 1 tuần, Văn phòng tư vấn phối hợp với Ban Thường vụ Hội LHPN xã Thạnh Phú và Vĩnh Kim đã tổ chức kiểm tra và thấy 100% chị em đều sử dụng vốn đúng mục đích như đăng ký ban đầu.

 

Bên cạnh đó, chương trình còn xét duyệt cho 24 chị em khác được đi học nghề đan lục bình và nấu ăn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh. Đã có 10 chị được cấp giấy chứng nhận học nghề và đã được giới thiệu vào nhận hàng ở doanh nghiệp Mây Việt. Hiện nay, các chị tiếp tục đang được nâng cao tay nghề đan hàng xuất khẩu. Riêng những chị học nghề nấu ăn đều mong muốn sau này sẽ thành lập được tổ nấu ăn chuyên nghiệp để tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

 

Ngoài ra, dựa trên tiêu chí chung do Trung ương hướng dẫn về việc chọn những học sinh có thành tích cao trong học tập là con phụ nữ đơn thân để khen thưởng, văn phòng đã chỉ đạo các cấp hội phụ nữ rà soát, tập hợp danh sách con các chị thi đỗ vào đại học để lựa chọn trao học bổng vào 2 dịp tháng 12/2007 và tháng 5/2008.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và Chăm sóc SKSS, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình, trong thời gian tới, Văn phòng tư vấn tại Tiền Giang sẽ tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, nắm bắt tâm tư, tình cảm của phụ nữ đơn thân trên dịa bàn để giúp đỡ, hỗ trợ khi có khó khăn; tiếp tục hướng dẫn các thành viên vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả, thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn, hươớn dẫn tổ vay vốn đổi mới nội dung sinh hoạt định kỳ và hỗ trợ tài liệu sinh hoạt; tập huấn về sổ sách theo dõi cho Ban Thường vụ, tổ trưởng, tổ phó nóm vay vốn. Bênh cạnh đó, Trung tâm cũng đang đề nghị với nhà tài trợ và các ban ngành liên quan tăng nguồn vốn để chương trìn hỗ trợ được nhiều hơn nữa những chị em có hoàn cảnh éo le vơi bớt khó khăn và vươn lên trong cuộc sống.

Đức Hạnh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video