Hoạt động ngoài lề của các Tổ chức phi chính phủ tại Hội nghị Bắc Kinh cộng 10

24/03/2005
Các hoạt động ngoài lề (side events) của các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) đã trở thành thông lệ không thể thiếu trong các hoạt động chính thức của Liên hợp quốc về những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong suốt 3 thập kỷ qua kể từ Hội nghị thế giới đầu tiên về phụ nữ năm 1975.

Tổ chức điều phối các hoạt động ngoài lề của các tổ chức NGOs trong suốt quá trình diễn ra phiên họp thứ 49 của Ủy ban địa vị phụ nữ của LHQ là Ủy ban các tổ chức Phi chính phủ về địa vị của phụ nữ, Niu-oóc, Mỹ (NGO Committee o­n the Status of Women). Tổng cộng có khoảng hơn 200 hoạt động ngoài lề được tổ chức trong và ngoài khuôn viên của LHQ với nhiều hình thức và nội dung khác nhau, thể hiện mối quan tâm của các tổ chức NGOs và các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ trên toàn thế giới.

 

Điều đáng chú ý là tính tổ chức liên kết của các tổ chức NGOs trước và trong quá trình hội nghị. Ủy ban NGO về địa vị phụ nữ, N.Y đã phát hành “Sổ tay năm 2005” với các thông tin cơ bản, thiết yếu nhằm hướng dẫn các NGOs tham gia có hiệu quả trong suốt quá trình diễn ra phiên họp 49 của Ủy ban địa vị phụ nữ của LHQ. Đặc biệt, bắt đầu từ 1/3, hàng ngày từ 9h đến 9h45’ sáng, ủy ban NGO tổ chức họp nhanh -cung cấp thông tin cho các tổ chức NGOs về các vấn đề liên quan đến phiên họp 49, các hoạt động của Vụ vì sự tiến bộ của phụ nữ, các tổ chức NGOs, các nhóm vận động chuyên đề...để giúp các NGOs hoạt động có hiệu quả hơn và giúp giải đáp các thắc mắc của các tổ chức NGOs.


Hoạt động đầu tiên và là hoạt động lớn nhất của các tổ chức NGOs là Cuộc họp tư vấn của các tổ chức NGO diễn ra tại Đại học Barnard vào Chủ nhật, 27/02/2005, một ngày trước phiên họp 49 của Uỷ ban địa vị phụ nữ của LHQ. Cuộc họp thu hút hơn 1000 đại biểu từ các tổ chức NGOs, trong đó có nhiều đại biểu là thành viên của các đoàn Chính phủ. Ban tổ chức Hội nghị đã gặp khó khăn trong việc giải quyết thủ tục cho các đại biểu đăng ký tham dự bởi số người đến dự và tiếp tục đăng ký vào dự cuộc họp nói trên nhiều gần gấp đôi so với kế hoạch của Ban tổ chức (700 nguời).

 

Cuộc họp tư vấn có chủ đề: “Từ Mehicô đến Bắc Kinh và sau Bắc Kinh: Thực hiện tầm nhìn”.Nhiều cá nhân và đại diện các tổ chức NGO của các khu vực trên thế giới đã chia sẻ quan điểm, các mối quan tâm, kinh nghiệm và tình hình chuẩn bị cho Hội nghị Bắc Kinh+10 và việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc kinh ở các khu vực. Cuộc họp cũng đã thảo luận mối liên quan giữa Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các Mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ (MDGs), đặt việc kiểm điểm 10 năm thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc kinh trong bối cảnh chuẩn bị Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ cộng 5 sẽ diễn ra vào tháng 9 năm 2005. Đặc biệt, cuộc họp đã thảo luận về các mối quan tâm đang nổi lên và chiến lược hành động trong tương lai để thực hiện tầm nhìn vì Bình đẳng – Phát triển và Hoà bình được vạch ra từ Hội nghị thế giới đầu tiên về Phụ nữ tại Mehico năm 1975.

 

Tại cuộc họp, nhiều tổ chức đã công bố các tài liệu nghiên cứu, báo cáo và các ấn phẩm có liên quan đến quá trình thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc kinh. Đáng chú ý tại đây, Ủy ban NGO về địa vị phụ nữ đã phân phát báo cáo: Mười năm sau Bắc Kinh: vẫn còn nhiều lới hứa hơn là tiến bộ. 1995 - 2005: Kiểm điểm và đánh giá việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh”. Báo cáo thể hiện rõ quan điểm của các tổ chức NGOs tham gia nội dung báo cáo. Trong khi thừa nhận một số tiến bộ trong lĩnh vực xây dựng luật pháp chính sách mới và bộ máy quốc gia, nâng cao nhận thức về các vấn đề khó khăn của phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt trong lĩnh vực bạo lực, tăng số phụ nữ trong các bậc học cao, tăng ảnh hưởng của phụ nữ trong các hoạt động chính trị và ra quyết định, các NGOs cũng đã chỉ trích mạnh mẽ khoảng cách giữa luật pháp, chính sách và việc thực thi các luật pháp chính sách đó. Sự bất cập đó thể hiện trong việc gia tăng nạn thất nghiệp, phụ nữ hoá sự nghèo đói, một số bước thụt lùi do tác động tiêu cực của các sách kinh tế vĩ mô, các chính sách thiếu nhạy cảm giới, các quan điểm cực đoan và bảo thủ cũng như quá trình toàn cầu hoá thị trường...

 

Nhìn chung, các diễn đàn, hội thảo và các hoạt động ngoài lề của phiên họp 49 tập trung thể hiện các mối quan tâm của các tổ chức NGOs trong tất cả 12 lĩnh vực quan tâm đã được xác định tại Hội nghị Bắc Kinh năm 1995 trong đó các lĩnh vực sau được nhiều tổ chức đang ký tổ chức hoạt động: giới, bạo lực đối với phụ nữ, phòng chống nạn buôn bán phụ nữ phòng chống HIV/AIDS, quyền của phụ nữ, sức khoẻ sinh sản, giáo dục cho phụ nữ, hoà bình, tác động tiêu cực của toàn cầu hoá thị trường...

 

Nhiều tổ chức khu vực cũng tổ chức các hoạt động thể hiện mối quan tâm đặc thù của khu vực hay của cộng đồng các tôn giáo (đạo Hồi, đạo Thiên chúa), cộng đồng Pháp ngữ, cộng đồng người đồng tính... Các NGOs cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề phát sinh như hỗ trợ các nạn nhân thảm hoạ thiên tai và các nhu cầu về tâm lý xã hội; kêu gọi sự quan tâm và cam kết chính trị cũng như hành động của các chính phủ nhằm phát huy vai trò của phụ nữ tại cơ sở, chú ý vấn đề thanh niên với bình đẳng giới, vấn đề phụ nữ cao tuổi, mối liên quan giữa Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các Mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ và tinh thần “Công ước xoá bỏ mội hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ” (CEDAW)...

 

Mối quan tâm chung của các NGOs là thúc đẩy các chính phủ tiếp tục cam kết và hành động theo đúng mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Do vậy hầu hết các NGOs thông qua các cuộc họp, các hội thảo và các hoạt động vận động hành lang đều bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn bản Tuyên bố chính trị của phiên họp thứ 49 do Ủy ban Địa vị phụ nữ của LHQ dự thảo, đồng thời kịch liệt phản đối ý kiến của đoàn đại biểu Mỹ và đoàn đại biểu Va-ti-căng nhất định bổ xung 1 đoạn câu vào bản thảo ám chỉ việc “không tạo thêm bất kỳ một nhân quyền mới nào và không bao gồm cả quyền nạo phá thai”. Tuy nhiên, cuối cùng các đoàn trên đã rút lui ý kiến tạo một không khí rất thuận lợi cho việc thông qua Tuyên bố vào phiên chiều ngày 4/3.

 

Đoàn đại biểu Việt Nam đã tham gia một sốhoạt động phi chính phủ trên cơ sở có nội dung quan tâm (các vấn đề toàn cầu hoặc khu vực châu Á - Thái Bình Dương) hoặc do các tổ chức có quan hệ với Hội chủ trì đặc biệt là các cuộc họp thông tin nhanh của Ủy ban NGO về địa vị phụ nữ (đầu giờ sáng hàng ngày), một số Hội thảo về các vấn đề chung hoặc các vấn đề của khu vực châu Á - TBD trong đó có nhiều cuộc được tranh thủ tổ chức vào buổi trưa hoặc buổi tối để các đại biểu chính phủ có thể tham dự được hoạt động của NGOs và ngược lại, một số NGOs có thể tham dự được các hoạt động của diễn đàn chính phủ. Đại biểu Việt Nam cũng đã tham gia cuộc gặp gỡ giữa các đại biểu thuộc các tổ chức thành viên Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế với ông Jose Antonio Ocampo -Phó tổng Thư ký, Trưởng Ban các vấn đề Kinh tế và Xã hội của LHQ và một số hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ.

 

Tại các hoạt động trên, đại biểu Việt Nam đã tham gia thích hợp, chia xẻ ý kiến, kinh nghiệm của Việt Nam, phân phát báo cáo của Hội LHPN Việt Nam và báo cáo của các tổ chức NGOs Việt Nam cùng một số ấn phẩm tuyên truyền về việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt nam. Các báo cáo của Việt Nam đều được các đại biểu quốc tế quan tâm. Trong thời gian dự phiên họp 49, các đại biểu Việt nam đã thu nhận được nhiều thông tin bổ ích, tiếp thu được tinh thần cơ bản của phiên họp. Đoàn cũng đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc bên ngoài với nhiều tổ chức, bạn bè, giới thiệu thành tựu của Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè năm châu.

 

Hội LHPN Việt Nam và Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam rất cảm ơn SIDA Thụy Điển và Cộng đồng Pháp ngữ đã góp phần tài trợ cho đoàn đại biểu Việt Nam tham gia sự kiện nói trên. Hội cũng xin cảm ơn các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam đã cùng Hội đóng góp công sức, nguồn lực hoàn thành Báo cáo của các tổ chức NGO tại Việt Nam và Báo cáo của Hội LHPN Việt Nam về việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh tại Việt Nam.

Phạm Hoài Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video