HOẠT ĐỘNG VAY VỐN GIÚP PHỤ NỮ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ở tổ vay vốn thôn Lam Sơn

28/02/2009
Lam Sơn là một thôn rộng, với 102 hộ dân với 435 nhân khẩu, địa hình đồi núi trung du nằm ở phía Đông Bắc xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Đa số các hộ trong thôn còn thiếu vốn nên việc sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống còn gặp nhiều khó khăn.

Chi Hội phụ nữ thôn Lam Sơn có 48 hội viên, 5 trong số 6 hộ nghèo của thôn do phụ nữ làm chủ hộ. Trước nhu cầu vay vốn, phát triển kinh tế của đông đảo hội viên phụ nữ thôn, tổ vay vốn thôn Lam Sơn đã được thành lập, ban đầu chỉ có 17 thành viên tham gia, đến nay số thành viên của tổ tăng lên 34 chị tham gia sinh hoạt.

Trong quá trình hoạt động, tổ đã vận động các nguồn vốn giúp các thành viên được vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. 10 năm qua, tổ nhận uỷ thác vay vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổng số vốn là 280 triệu đồng cho 43 lượt hộ vay, tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vay 1.039 triệu đồng giúp 48 lượt hộ vay, vay vốn dự án GVC là 64 triệu đồng cho 52 lượt hộ vay.

Nhằm giúp các thành viên sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, tránh thất thoát, tổ đã bàn bạc, thống nhất xây dựng quy chế hoạt động. Các kỳ sinh hoạt của tổ đều kết hợp tuyên truyền các chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của Hội, gắn với nội dung Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh…thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ. Bên cạnh đó, để các thành viên có kiến thức, biết áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, tổ đã phối hợp tổ chức được 13 lớp tập huấn, hội thảo về quản lý sử dụng vốn vay, khoa học - kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt và chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho trên 400 lượt chị em tham dự, tổ chức 5 cuộc đi thăm quan học tập kinh nghiệm, mô hình điểm với 200 lượt thành viên tham gia. Những hoạt động này có ý nghĩa thiết thực làm phong phú nội dung sinh hoạt của tổ, giúp các thành viên có cơ hội để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế, nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình đồng thời kiến thức mọi mặt được nâng cao.

Bên cạnh việc quản lý và sử dụng các nguồn vốn vay, các thành viên trong tổ còn tự nguyện xây dựng quỹ để tương trợ, giúp đỡ các thành viên khó khăn. Trong 10 năm, tổ đã huy động được 10,08 triệu đồng quỹ Hội giúp cho 7 lượt chị vay; xây dựng Quỹ giúp nhau không lấy lãi có 5,88 triệu đồng giúp cho 9 lượt chị vay. Một số chị gặp khó khăn khi đến kỳ trả gốc, các thành viên trong tổ cùng đoàn kết hỗ trợ, giúp đỡ để trả nợ gốc đúng hạn nên việc trả lãi hàng tháng, trả gốc đều được các thành viên chấp hành tốt. Vì vậy các hội viên, phụ nữ trong thôn luôn tin tưởng vào tổ chức Hội và cố gắng thực hiện đúng các nghĩa vụ với Hội, với Nhà nước.

Thông qua hoạt động của tổ, được hỗ trợ vay vốn, cùng với sự tích cực lao động, tìm tòi, có kiến thức tổ chức cuộc sống gia đình, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, biết lựa chọn mô hình sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo và tiến tới làm giàu chính đáng. Tiêu biểu là gia đình chị Nguyễn Thị Huệ, được vay 30 triệu đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp đã đầu tư chăm bón vườn vải thiều, trồng đu đủ Đài Loan, nhãn lồng Hương chi và chăn nuôi lợn nái. Mỗi năm gia đình thu nhập từ 35 đến 50 triệu đồng. Các gia đình chị Nguyễn Thị Tiến, Trần Thị Chinh, Nguyễn Thị Lan…vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp sấy vải thiều tươi và thu mua vải thiều sấy khô, xuất khẩu sang Trung Quốc, mỗi năm cũng đã thu lãi từ 50 đến 70 triệu đồng. Hoạt động kinh doanh của gia đình các chị không những nâng cao hiệu quả cho dự án trồng vải thiều mà còn là cơ sở tiêu thụ hàng trăm tấn vải thiều mỗi vụ cho bà con địa phương, giải quyết nhiều việc làm cho chị em phụ nữ trong thôn. Một số chị là hộ gia đình hội viên nghèo và hội viên có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ vay vốn sản xuất nay đã thoát nghèo như gia đình chị Nguyễn Thị Đồi, Vũ Thị Hường và Đỗ Thị Bình.

Kết quả này đã góp phần đáng kể vào kết quả giảm nghèo của thôn Lam Sơn những năm qua, từ 11 hộ nghèo năm 1998 đến nay thôn chỉ còn 6 hộ nghèo. Nhiều năm liền, Chi hội phụ nữ thôn Lam Sơn được xếp loại xuất sắc và được Đảng uỷ xã Kiên Thành khen thưởng.

NGUYÊN PHƯƠNG
Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video