Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ ở huyện biển Bình Đại

08/07/2009
Trong xây dựng kế hoạch hàng năm, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Bình Đại đều có tham mưu giúp UBND huyện đề ra các giải pháp về kinh tế - xã hội gắn với việc thực hiện bình đẳng của phụ nữ về lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, tham gia vào bộ máy lãnh đạo nhằm tăng cường bình đẳng giới, nâng cao vị thế phụ nữ. Nhìn chung, 5 mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ gắn với kết quả thực hiện chính sách đối với địa phương được Bình Đại thực hiện khá đầy đủ.

Thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế và chính sách đảm bảo an sinh xã hội, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm nhất là đối với lao động nữ được các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm. Trong năm 2008, Bình Đại đã đào tạo việc làm mới cho 1.340 lao động, trong đó có 45% là nữ. Riêng với hoạt động của Hội Phụ nữ, bằng nhiều hình thức đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 1.000 chị phát triển kinh tế hộ gia đình với tổng vốn đầu tư 1,53 tỷ đồng; giới thiệu việc làm cho 1.088 chị làm việc tại các cơ sở tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Bằng các nguồn vốn khai tác từ các ngân hàng đã tạo điều kiện cho 189 tổ, với 6.830 thành viên vay số tiền 41 tỷ đồng. Lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, năm 2008, Bình Đại có 1.973 hộ phụ nữ nghèo, tỷ lệ 43,77% so với tổng hộ nghèo toàn huyện. Trên 90% số hộ này được hỗ trợ bằng cây con giống, phân thuốc, vay vốn, ngày công lao động. Năm nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 12,13%, giảm 1,61% so với năm 2008, trong đó hộ nghèo có nữ làm chủ hộ là 42%.

Giáo dục là mục tiêu quan trọng nhất trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ở huyện biển này, việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ được đặc biệt quan tâm. Hiện cán bộ nữ huyện và cơ sở có 468 chị có trình độ sơ cấp, 244 trung cấp, 209 cao đẳng, 194 đại học và có 2 chị có trình độ sau đại học. Trong ngành giáo dục, cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học là 1.026. Tỷ lệ học sinh nữ ở các cấp học là 49,2%. Ở Bình Đại, tỷ lệ học sinh nữ bỏ học thấp hơn nam.

Các quyền bình đẳng giới trong chăm sóc sức khỏe được huyện thực hiện thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, gia đình và trẻ em hàng năm. Trong năm qua, huyện tổ chức truyền thông chăm sóc sức khỏe xuống tận các xã. Gần 27 ngàn lượt chị em được truyền thông tư vấn sức khỏe sinh sản, kiến thức phòng chống suy dinh dưỡng, lao, sốt rét, vệ sinh an toàn thực phẩm… Các trạm y tế xã đều có bác sĩ, mỗi ấp có từ 5 đến 7 nhân viên chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Toàn huyện có 50 bác sĩ và phân nửa trong số họ là nữ.

Về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, cấp huyện ủy có tỷ lệ nữ chiếm 22,3%, 13,62% ở cấp cơ sở; hội đồng nhân dân huyện là 11,42%, cơ sở là 13,54%, trong đó xã có các tỷ lệ này cao nhất là Bình Thắng, thấp nhất là Long Định. Riêng Thới Lai không có nữ đại biểu hội đồng nhân dân.

Theo Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Bình Đại – Võ Thành Long, hàng năm Ban đều có kế hoạch tham mưu cho cấp ủy, UBND huyện về những về những vấn đề liên quan đến công tác nữ, gắn với việc thực hiện quyền bình đẳng giới với các giải pháp kinh tế - xã hội. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ xã, thị trấn và các ngành có thực hiện tốt sự chỉ đạo của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ huyện đề ra trong chương trình hành động đến năm 2010. Riêng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, Ban đã tổ chức triển khai trong cấp huyện và cơ sở. Mục tiêu hướng đến là giúp phụ nữ dần xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu vươn lên tự khẳng định mình trong gia đình và xã hội; đồng thời làm hạn chế tình trạng định kiến giới trong xã hội, tạo điều kiện cho chị em phát triển, tham gia công tác xã hội.

Nhìn chung, hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Bình Đại đạt một số kết quả tương đối. Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Võ Thành Long, một số thành viên trong Ban tham gia hoạt động chưa đều, chưa chủ động phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu đề xuất những vấn đề có liên quan. Công tác sơ, tổng kết chưa thực hiện đầy đủ. Trong xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cũng như báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đề cập nhiều đến yếu tố nữ, các chỉ số về nữ chưa thể hiện đầy đủ để làm cơ sở cho nhận xét, đánh giá. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế, còn thành kiến đối với vai trò của phụ nữ trong đời sống xã hội. Vẫn còn nhiều phụ nữ tự ti, an phận nên làm ảnh hưởng đến hiệu quả chung. Còn một vấn đề mà Bình Đại đang gặp khó trong hoạt động là kinh phí. Năm 2003-2005, Ban được phân bổ 10-15 triệu đồng/năm, nhưng từ năm 2006 đến nay, kinh phí chủ yếu lấy từ Hội Phụ nữ huyện. Điều này chứng tỏ nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của Ban chưa rõ ràng. Thực tế, Sở Tài chính có văn bản quy định về dự toán, phân bổ kinh phí hoạt động của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp từ nhiều năm nay và vẫn còn hiệu lực.


Ông Trần Công Danh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh nhận xét Bình Đại có nhiều cố gắng trong thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Vấn đề đặt ra ở huyện này là phải nhận thức đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, mục tiêu hướng đến của công tác vì sự tiến bộ phụ nữ trong nội bộ và ngoài xã hội. Do giới tính, phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi về sức khỏe, sinh đẻ, nuôi dạy con cái vì thế đòi hỏi phải có chính sách để phụ nữ được ngang bằng với nam giới. Phụ nữ được bình đẳng về kinh tế, bình đẳng trong giáo dục đào tạo chính là mấu chốt của vấn đề. Lồng ghép yếu tố giới vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương như là mệnh lệnh để các ngành, cấp cùng quan tâm, thực hiện, góp phần cùng tỉnh, cả nước thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới.
Theo báo Bến Tre

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video