Hội là chỗ dựa, là niềm tin

23/08/2011
Nhiều năm qua, các cấp Hội LHPN huyện Cái Nước đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc chỉ đạo, vận động chị em phụ nữ tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập. Từ đó, tạo được lòng tin của hội viên.

Đây còn là biện pháp hữu hiệu thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, đồng thời là một trong những phương thức gắn kết chị em phụ nữ lại thành một khối đoàn kết vững chắc, cùng nhau phấn đấu vượt qua nghèo khó, vươn lên làm giàu chính đáng. 

Để chị em có đồng vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội vận động chị em xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả như: hùn tiền, hùn vàng, giúp nhau ngày công, bán chịu cây, con giống… Trong 6 tháng đầu năm, bằng các hình thức hút hút vốn, các cấp Hội đã huy động gần 878 triệu đồng và 190 kg gạo, hỗ trợ 252 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Tiếp sức để phát triển

Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN cơ sở phân công hội viên khá nhận giúp đỡ hội viên nghèo, đặc biệt là các hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ bằng nhiều hình thức. Kết quả, có 2.581/3.610 phụ nữ nghèo và 531/588 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội quan tâm, giúp đỡ. Riêng Hội LHPN huyện đã vận động 560 kg gạo giúp 56 hộ nghèo, cận nghèo ở ấp Mỹ Điền, xã Đông Thới.

Với mục đích khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ trong chị em phụ nữ, các cấp Hội đã vận động thành lập mới được 22 tổ tiết kiệm và tiết kiệm - tín dụng với 474 thành viên, huy động được hơn 85 triệu đồng, giúp 41 chị có hoàn cảnh khó khăn làm vốn sản xuất.

Điểm mới trong mô hình huy động vốn nội lực năm nay là không dừng lại ở mô hình tiết kiệm nhỏ, các cơ sở Hội đã mạnh dạn vận động chị em thành lập 2 tổ tiết kiệm hùn tiền, hùn vàng, với mức hùn từ 500.000- 1.000.000 đồng/tháng. Tổng số tiền hùn ở các tổ này lên đến 375 triệu đồng và 29 chỉ vàng, giúp cho chị em có được một khoản tiền lớn để đầu tư sản xuất lớn. Điển hình của phong trào này là phụ nữ xã Thạnh Phú và Trần Thới.

Ngoài ra, Hội cũng đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện 6,115 tỷ đồng cho 764 hộ phụ nữ vay; 550 triệu đồng cho 41 chị trong CLB nữ doanh nghiệp của thị trấn Cái Nước, xã Hưng Mỹ, xã Trần Thới vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện, Ban Nông nghiệp xã, các đoàn thể có liên quan tổ chức 6 lớp tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi cho 152 chị. Phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư tỉnh mở 1 lớp nuôi trồng thủy sản thời gian 3 tháng cho 27 học viên (có 21 nữ). Hội cũng duy trì và nhân rộng mô hình tổ phụ nữ doanh nghiệp, CLB doanh nghiệp. Số vốn nội lực huy động từ các CLB này trên 150 triệu đồng, giúp 44 chị.

Chị Lý Thị Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện bộc bạch: đồng vốn nội lực không chỉ tiếp thêm sức mạnh về vật chất mà còn củng cố niềm tin của chị em vào tổ chức hội, vào sức mạnh của tập thể trên bước đường vươn lên xóa nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhiều mô hình hiệu quả

Chị em đã liên kết, tổ chức nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: tổ phụ nữ trồng màu; tổ phụ nữ nuôi cá, nuôi heo; tổ phụ nữ đan lưới cá, lưới cua, ráp lú; tổ phụ nữ đan đát... Mỗi thành viên trong các tổ có thu nhập trung bình từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Điển hình là mô hình trồng màu ở các xã Trần Thới, Đông Thới, mỗi vụ cho thu nhập vài triệu đồng/hộ. Chị Nguyễn Thị Dẫm, ấp Khánh Tư, xã Đông Thới cho biết, chị trồng bắp trên diện tích 1.000 m2, mỗi vụ cho thu nhập trên 4 triệu đồng. Thu hoạch xong vụ bắp, chị cải tạo đất trồng đậu xanh, rau, cải… nhờ vậy gia đình có thu nhập quanh năm.

Bà Trần Kim Quýt, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, với 5.000 m2 nuôi tôm, trồng hoa màu luân canh trên 2.000 m2 đất sân nhà, bờ vuông, bờ lộ đã thay đổi đời sống kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống quanh năm đói ăn của 6, 7 người trong gia đình. miệng ăn.

Bà Quýt cho biết, mùa nào thứ nấy, suốt tháng, quanh năm, lúc nào bà cũng có hoa màu để bán. Năm nay, có thời điểm bà bán cải xà lách đến 40.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng thu nhập từ hoa màu trên 2 triệu đồng. Riêng vụ bắp này ước tính sau khi cho con cháu ăn, bà còn bán được khoảng hơn 4 triệu đồng.

Hỏi vốn đầu tư, bà cười: "Chỉ tốn 3 kg hột thôi, phân bón cũng không đáng là bao, mình vừa có bắp trái cho con cháu ăn, vừa có bắp cây cho tôm ăn". Chồng bà, ông Ngô Văn Lâu, giải thích: "Cây bắp phơi sơ rồi bó lại, cặm xuống vuông cho tôm ăn, tôm mau lớn lắm. Ở đây có nhiều hộ đã thành công rồi".

Bà Quýt tâm sự: “Trồng hoa màu cực nhưng rất vui. Nhớ lúc gia đình làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, nhờ trồng hoa màu mà vợ chồng tui đã vượt qua được cơn khốn khó, không chỉ đủ ăn, đủ mặc mà còn trả hết nợ nần. Tui và một số chị em trong ấp muốn mở rộng mô hình trồng hoa màu nhưng lại thiếu vốn. Bà con luôn ao ước được Nhà nước đầu tư vốn để khoan cây nước, xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi, trồng trọt”.

Chị Lý Thị Lan khẳng định, mô hình trồng hoa màu trên liếp vườn, bờ vuông, bờ lộ đang được chị em phát triển. Trồng hoa màu vừa để cải thiện bữa ăn, vừa tăng thu nhập cho gia đình. Rất nhiều chị có thu nhập từ 10-20 triệu đồng/năm. Đây là mô hình vừa ít vốn, lại phù hợp với chị em và có thu nhập ổn định. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nhân rộng mô hình này trong hội viên phụ nữ.

Theo baocamau

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video