Hội LHPN Ðà Nẵng: Nỗ lực phòng, chống bạo lực gia đình

02/12/2010
Trong thời gian qua, bằng những việc làm cụ thể và thiết thực, các cấp hội phụ nữ thành phố Ðà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào việc phòng, chống bạo lực gia đình (BLGÐ) và giúp nhiều chị em phụ nữ vươn lên, ổn định cuộc sống, thoát nghèo. Ðó là việc hỗ trợ phương tiện sinh kế, vốn vay, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm thông qua các mô hình như nuôi heo đất, tiếp sức cho phụ nữ nghèo. Tuy nhiên, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, vì vẫn còn đó những trăn trở làm sao thay đổi dần được nhận thức của mỗi người về BLGÐ - một vấn đề có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hiện nay.

Những tín hiệu vui

Theo Chủ tịch Hội LHPN thành phố Ðà Nẵng - Ðỗ Thị Kim Lĩnh: 'Cùng với các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của TP Ðà Nẵng, thời gian qua các cấp hội phụ nữ thành phố đã rất quyết liệt trong công tác giáo dục, phòng, chống BLGÐ. Thẳng thắn đưa những vụ BLGÐ ra trước ánh sáng, Ðà Nẵng đã tạo nên bước đột phá và đã có những tín hiệu vui. Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thành phố đã xây dựng nhiều mô hình câu lạc bộ gia đình không bạo lực, như mô hình '3 trong 1', 'Mái nhà xanh', cấp phát gần 7 nghìn tài liệu 'Ðừng im lặng trước bạo lực', kèm theo đó là các hoạt động hỗ trợ nguồn vốn làm kinh tế, tư vấn tâm lý được nhân rộng trong cộng đồng'. Theo số liệu thống kê, hiện nay tình trạng BLGÐ đang có xu hướng gia tăng. Chỉ tính trong ba năm 2006-2008, Ðà Nẵng có hơn 4 nghìn vụ án ly hôn, trong đó nguyên nhân do mâu thuẫn gia đình có 1.578 vụ, do bị đánh đập, ngược đãi có 1.149 vụ. Bên cạnh đó, mỗi năm có hàng nghìn lượt phụ nữ và trẻ em bị bạo hành đến giám định pháp y tại Trung tâm Giám định pháp y thành phố Ðà Nẵng. Trong số 130 ông chồng thường xuyên có hành vi BLGÐ đã được các cấp hội, lãnh đạo TP Ðà Nẵng gặp mặt, hiện nay đã có 75 gia đình tiến bộ, ổn định hạnh phúc gia đình. 'Nhưng chúng tôi chưa dám khẳng định BLGÐ sẽ giảm, vì vẫn còn nhiều phụ nữ hiện đang im lặng, sống chung với BLGÐ' - Bà Lĩnh khẳng định.

Với mục tiêu giảm dần các vụ BLGÐ, năm 2009, Hội LHPN thành phố Ðà Nẵng đã phát động các chi hội phụ nữ cơ sở thực hiện mô hình '3 trong 1' (gồm một cán bộ Hội, một cán bộ Ðảng/chính quyền/Mặt trận/đoàn thể, một tình nguyện viên giúp đỡ một hộ gia đình có BLGÐ). Khi mô hình này được xây dựng và đi vào hoạt động, đã có những kết quả bước đầu và đây cũng là tiền đề, nền tảng để các cấp hội phụ nữ Ðà Nẵng tiếp tục thực hiện các mục tiêu đề ra trong phòng, chống BLGÐ. Sau hai năm triển khai, đã có 2.000 mô hình '3 trong 1' được thành lập và hoạt động trợ giúp 1.353 hộ nghèo, 386 hộ có trẻ em chưa ngoan, bỏ học và 208 gia đình thường xuyên xảy ra BLGÐ. Từ mô hình '3 trong 1' đó, sau một năm thực hiện đã có những kết quả bước đầu với 361 hộ thoát nghèo, 251 trẻ em hư tiến bộ và 128 gia đình giảm hẳn hoặc không còn BLGÐ. Trong số 130 người chồng thường xuyên có hành vi BLGÐ ở Ðà Nẵng, sau khi dự buổi nói chuyện với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh vào tháng 8-2009 và ký cam kết 'không đánh vợ', đến nay nhiều người chồng đã thay đổi tâm tính, tiến bộ rõ về nhận thức và giảm hẳn BLGÐ. Phần lớn những gia đình thường xuyên diễn ra cảnh BLGÐ, các cấp hội đều nắm rõ danh sách để tiện cho việc tư vấn, hòa giải. Nhưng vẫn có không ít trường hợp người trong cuộc tỏ ra không hợp tác với những người làm công tác phòng, chống BLGÐ vì nhiều lý do, thậm chí có nhiều trường hợp sau mỗi lần được vận động, hòa giải, không còn tái diễn bạo lực thể chất mà chuyển qua hình thức bạo lực về tinh thần. Ðể tuyên truyền sâu rộng vấn đề phòng, chống BLGÐ, các cấp hội phụ nữ Ðà Nẵng đã xây dựng và nhân rộng mô hình hòa giải ở cơ sở dưới hình thức các câu lạc bộ như: Xây dựng gia đình hạnh phúc; Phòng, chống BLGÐ; mở các điểm đọc báo cho nông dân, lồng ghép tuyên truyền phòng, chống BLGÐ với phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường tuyên truyền kiến thức Luật Phòng, chống BLGÐ và đối thoại với người dân. Với phương châm 'mưa dầm thấm lâu', các cấp hội phụ nữ Ðà Nẵng đang từng bước tuyên truyền sâu, rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là sự phối, kết hợp với Hội Nông dân, Ðoàn Thanh niên.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang Nguyễn Thị Hiệp cho biết: 'Huyện Hòa Vang phần đông là các hộ gia đình làm nông, chính vì thế, nông dân là đối tượng đầu tiên được chọn để tuyên truyền về phòng, chống BLGÐ và vai trò, trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo vệ, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Từ khi thực hiện mô hình '3 trong 1', các chị bị BLGÐ trên địa bàn không còn cam chịu và nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng về cả vật chất lẫn tinh thần, từ đó giúp những người chồng nhận ra sai lầm của bản thân và thay đổi. Cán bộ Hội Phụ nữ đã động viên, chia sẻ với chị em phụ nữ bị BLGÐ, tạo sự gắn kết  chặt chẽ và Hội Phụ nữ như là tổ ấm thứ hai để chị em có thể trải lòng mình, cùng giúp nhau 'gỡ rối'. Hiện nay, ở huyện Hòa Vang, thì Hòa Ninh là xã có BLGÐ cao nhất toàn huyện, với 8 cặp vợ chồng thường xuyên BLGÐ. Ðây hầu hết là những hộ gia đình có kinh tế khó khăn của xã. Khi mô hình '3 trong 1' của phụ nữ được triển khai tại xã này, phần nào thay đổi được nhận thức của những người chồng. Từ việc thay đổi cách nhìn, thay đổi nhận thức của mỗi người trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình và vợ chồng tôn trọng nhau. Các cán bộ '3 trong 1' đã mang lại cho nhiều mái ấm gia đình một sự đồng thuận chung.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai mô hình '3 trong 1' tại cơ sở, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ Trần Thị Bích Liên  cho rằng: Muốn làm tốt công tác phòng, chống BLGÐ, trước hết, mỗi  cán bộ trong mô hình '3 trong 1' phải tận tâm, có hiểu biết về pháp luật. Hiện nay, ở phường Hòa Thọ Tây có 24 nhóm hoạt động theo mô hình này với 72 thành viên tham gia, đã giúp đỡ 24 hộ gia đình có BLGÐ, trẻ em bỏ học, kinh tế khó khăn. Ðến nay, đã có 12 cặp vợ chồng tiến bộ, không còn BLGÐ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có rất nhiều cặp vợ chồng, sau một thời gian được các cấp hội phụ nữ giúp đỡ, đã nhận ra những sai trái của bản thân và quyết tâm làm lại từ đầu. Ðiển hình như vợ chồng anh Ngọc, chị Hòe ở tổ 3, phường Hòa Thọ Tây,  mặc dù có 5 người con và 3 cháu ngoại, nhưng sau 20 năm chung sống, gia đình tới nay mới sống hòa thuận. Hay gia đình anh Tô Thanh Nam và chị Nguyễn Thị Thanh Hòa ở tổ 6, phường Hòa Thọ Tây, anh Nam thường xuyên ghen tuông với vợ, thường xuyên đánh đập, gọi điện thoại, nhắn tin hăm dọa vợ; rồi trường hợp vợ chồng anh Nguyễn Văn Ðình, chị Hậu cũng thường xuyên  cãi nhau, gây mất trật tự... đến nay đều tiến bộ, chồng cam kết không đánh vợ, vợ nhận lỗi khi chưa chu toàn với con cái, gia đình...

Cần một tiếng nói chung

Tuy nhiên, theo bà Ðỗ Thị Kim Lĩnh, đã có những tín hiệu vui, những tiếng nói được cất lên từ những người phụ nữ không thể tiếp tục cam chịu mãi. Nhưng, vẫn còn đó nỗi đau âm thầm, sự khiếp sợ và cô đơn vẫn như bao trùm khi họ đối diện với BLGÐ. Sự im lặng chỉ được phá vỡ khi phụ nữ hiểu biết về quyền được sống, được chăm sóc và phải có sự cộng hưởng từ cộng đồng. Ðem chính câu chuyện bị chồng bạo hành chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Ngọc Lan, tổ 35, Hòa Thọ Ðông, quận Cẩm Lệ, đã không ngần ngại chỉ vào vết thương dài trên đỉnh đầu và nói: 'Ðây là vết thương do chồng tôi đánh cách đây hai năm, tôi đã phải vào viện cấp cứu và khâu 12 mũi. Sau khi tôi dần phục hồi sức khỏe, chồng tôi không đánh đập nữa mà chuyển sang đập phá đồ đạc trong gia đình. Ðến nay, nhờ các cấp hội phụ nữ giúp đỡ và khuyên giải, tôi đã được vay vốn làm ăn, dựng lại được nhà, còn chồng tôi đi làm nghề thợ xây. Tôi chỉ cầu mong sao cuộc sống sẽ yên bình như lúc này, để còn đủ sức lo cho hai đứa con còn tuổi ăn tuổi học'. Không phải người phụ nữ nào cũng dám bộc bạch nỗi niềm riêng của chính mình như chị Lan, bởi vậy, những con số thống kê về BLGÐ sẽ không dừng lại. Phải làm gì để những phụ nữ, vốn chân yếu tay mềm, khi bị đánh đập chịu lên tiếng, tìm đến các cấp chính quyền, hội, đoàn thể để  nhờ giúp đỡ bảo vệ chính mình. Chỉ khi đó, sự cộng hưởng từ cộng đồng xã hội sẽ góp phần giải quyết các mâu thuẫn về BLGÐ.

Ðà Nẵng đã có những phương cách thực hiện phù hợp trong vấn đề phòng, chống BLGÐ, tuy nhiên, ngoài sự nỗ lực của các cấp hội phụ nữ, thì cần có sự tham gia, vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, tạo nên một tiếng nói cộng đồng. Có như vậy mới mong giảm được BLGÐ, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay.

Anh Đào, Đà Nẵng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video