Hội LHPN An Giang: Đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

12/11/2011
Nổi bật trong lĩnh vực này là công tác dạy nghề lưu động đến địa bàn dân cư, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ. Từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trong nhiệm kỳ qua, một trong những thành tựu của các cấp Hội Phụ nữ tỉnh An Giang là tập trung vào các hoạt động giảm nghèo như: hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, tập huấn kiến thức quản lý kinh tế hộ gắn với mô hình tổ, nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm, tổ hùn vốn xoay vòng và giúp nhau phát triển kinh tế gia đình.

Nổi bật trong lĩnh vực này là công tác dạy nghề lưu động đến địa bàn dân cư, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm tại chỗ. Từ đó tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn có việc làm ổn định, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, định hướng hoạt động của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, từ kết quả khảo sát nắm bắt nhu cầu phụ nữ, trên cơ sở kế thừa và phát huy những thành quả đạt được của phong trào phụ nữ tỉnh, Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh An Giang đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ năm 2011-2016 là đoàn kết, vận động các tầng lớp phụ nữ phát huy tiềm năng nội lực, tích cực học tập, nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt; tham gia phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, cải thiện vật chất tinh thần, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc. Một trong những chỉ tiêu cơ bản là phần đấu đến cuối nhiệm kỳ sẽ có 12 ngàn lao động nữ được dạy nghề, đạt chỉ tiêu đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”; 80% hộ phụ nữ nghèo và 90% phụ nữ chủ hộ được hỗ trợ các điều kiện phát triển kinh tế, trong đó thoát nghèo từ 10 đến 20% hộ mỗi năm.
Một bộ phận phụ nữ nghèo chưa nhận thức đúng về trách nhiệm của chính mình, còn ỷ lại trông chờ, thiếu quyết tâm vươn lên thoát nghèo, muốn được hưởng quyền lợi ưu đãi. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tính bền vững chưa cao, vẫn còn một bộ phận dân cư có nguy cơ tái nghèo do thiếu việc làm và việc làm không ổn định, thu nhập thấp không có tích lũy. Nhận thức của một số chị em còn thấp, chưa xem việc học nghề là cơ hội để tìm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện mức sống gia đình. Một số nghề qua đào tạo, chị em làm gia công giá cả chưa hợp lý, nên chưa thu hút chị em tham gia. Nhiều lao động sau học nghề có nhu cầu vay vốn nhưng chưa tiếp cận được nguồn vốn giải quyết việc làm sau học nghề tại địa phương. Do vậy, trước tiên là tuyên truyền về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động nữ, đào tạo nghề cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức về ích lợi của việc trang bị kỹ năng nghề nghiệp cho phụ nữ và các đối tượng dễ bị tổn thương khác trong xã hội.
Tại ấp Tân Thạnh thị trấn Long Bình, huyện An Phú chị Lê Thị Kiều Phương – Chi hội trưởng phụ nữ ấp cho biết, ấp có xấp xỉ khoảng 40% phụ nữ chỉ quanh quẩn trong nhà không có việc làm. Mặc dù cuộc sống khó khăn chị em đều muốn lao động có thu nhập.
Kề cận gần bên là ấp Tân Khánh, tình hình lao động nữ có việc làm có thu nhập cũng không khác hơn ấp Tân Thạnh. Chị Chi hội trưởng phụ nữ ấp Bùi Thị Lệ Thủy cho hay: Bản thân những người tham gia học nghề cũng nhận thấy mình chưa thật toàn tâm, toàn ý để học nghề mặc dù được đào tạo miễn phí. Trình độ học vấn mỗi người mỗi khác nên nhận thức về việc học nghề chưa cao, chưa đồng đều. Ngoài ra, hằng ngày, họ phải mang gánh nặng “cơm áo gạo tiền” nên việc đầu tư cho học nghề chưa sâu. Một vấn đề lớn mà nhiều phụ nữ nông thôn nơi đây cũng băn khoăn là “có sống được với nghề mình học hay không?”

Công tác phối hợp dạy nghề cho phụ nữ ở địa phương huyện An Phú cũng như các địa bàn khác trong tỉnh từng bước đã được chú trọng, được đánh giá là mô hình tốt, nhưng do đặc điểm của huyện thuần nông, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chậm phát triển như An Phú, nên cơ hội có việc làm thường xuyên cho phụ nữ sau học nghề và đầu ra sản phẩm còn khó khăn. Vì vậy, vẫn còn tình trạng thiếu việc làm ổn định cho lao động nữ nông thôn.
Người học nghề chưa mặn mà, thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan… là những nguyên nhân chính dẫn đến việc dạy nghề cho lao động nữ chưa hiệu quả. Do vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành liên quan ở địa phương, xác định rõ đối tượng, ngành nghề đào tạo, độ tuổi học vấn, nhận thức, điều kiện học tập để có hình thức đào tạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng lao động. Cần đẩy mạnh dạy nghề theo mô hình “3 trong 1” giữa doanh nghiệp - cơ sở đào tạo - người lao động; tuyên truyền, xây dựng mô hình điểm; tăng cường thực hiện các biện pháp giải quyết việc làm sau đào tạo nghề cho phụ nữ như hội chợ việc làm, tham gia ngày hội tư vấn và tuyển dụng trực tiếp… để nâng cao hiệu quả dạy nghề. Hy vọng chương trình phối hợp dạy nghề tạo việc làm cho phụ nữ trong 5 năm tới sẽ giải quyết được khó khăn trên.
Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho nữ lao động đang là vấn đề cần được quan tâm nhằm đảm bảo quyền lợi được học nghề và có việc làm của phụ nữ trong Luật Bình đẳng giới, tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ trong xã hội hiện nay.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video