Hội LHPN Hà Giang hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xóa đối, giảm nghèo

14/03/2017
Lê Thị Bích Hằng - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang chia sẻ

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía Bắc của Tổ quốc có 11 huyện/thành phố, 195 xã/phường/thị trấn, trong đó có 34 xã, thị trấn biên giới. Dân số trên 80 vạn người, bao gồm 19 dân tộc (dân tộc thiểu số chiếm 87%).

Những năm gần đây, mặc dù đã đạt được những kết quả phát triển về kinh tế, xã hội, song Hà Giang vẫn còn là một trong những tỉnh nghèo nhất toàn quốc với 6 huyện nằm trong 63 huyện nghèo nhất cả nước, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 38,75% năm 2016), trên 90% hộ nghèo là dân tộc thiểu số. Nhiều chị em dân tộc thiểu số không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, đây là rào cản lớn trong việc tiếp thu các kiến thức để thay đổi nếp sống từng bước vươn lên xóa đói giảm nghèo.

Từ thực trạng đó, nhiệm kỳ qua, bên cạnh việc triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, Hội LHPN tỉnh Hà Giang xác địnhcần tập trung nguồn lực giúp phụ nữ nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện:

Thứ nhất là, kiên trì tuyên truyền, hướng dẫn giúp chị em hiểu chỉ có thoát nghèo mới xây dựng được gia đình hạnh phúc. Cuộc vận động Phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) học chữ, nói tiếng phổ thông mở ra các xoá mù chữ đã giúp nhiều chị em hiểu, học và thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước. Chủ động rà soát, nắm chắc hộ nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, với phương châm 100% phụ nữ nghèo được hỗ trợthoát nghèo bằng nhiều hình thức phù hợp.

Thứ hai là, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, nêu cao tinh thần tương thân tương ái. Đã có gần 240.000 lượt phụ nữ tham gia giúp và góp được tiền mặt, cây con giống, ngày công lao động; đã giúp trên 50.000 hộ, đã có 100% hộ do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ.

Thứ ba là, với phương châm “Không để phụ nữ nghèo thiếu vốn”, Hội thực hiện tốt chương trình phối hợp với Ngân hàng, các tổ chức tín dụng có các nguồn vốn để đảm bảo 100% phụ nữ dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn phát triển kinh tế. Tổng số các nguồn vốn vay do Hội Phụ nữ quản lý đến nay là trên 600 tỷ đồng. Đến nay, các chi hội huy động tiết kiệm được trên 30 tỉ đồng/107.391 thành viên/4.214/nhóm/chi hội.

Thứ tư là, chủ động thu hút nguồn lực để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, vận động được 5 dự án từ các tổ chức Phi Chính phủ trị giá gần 11 tỉ đồng (Quỹ Hỗ trợ sáng kiến Tư pháp; Quỹ Hỗ trợ người dân và trách nhiệm giải trình; Dự án IFAD, Quỹ DAP, AAV, Tổ chức Playtypus); vận động được trên 9 tỉ đồng từ các nhà hảo tâm giúp đỡ trên 5.000 phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo (trong đó có 544 phụ nữ nghèo được tặng lợn nai nuôi luân chuyển theo mô hình mới của Hội phụ nữ tỉnh); nhiều em học sinh nghèo được nhận học bổng trong nhiều năm và xây dựng được các phòng học; và sửa chữa mái ấm tình thương cho trên 200 hộ; thành lập được 9 “Tổ may trang phục dân tộc” với trên 300 phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia thu nhập bình quân từ 4 - 10 triệu đồng/tháng. Thành lập 3 “Nhóm thêu may trang phục dân tộc” Mông, Lô Lô và Nùng U (nay đã phát triển thành 2 làng nghề và 1 Hợp tác xã) hỗ trợ cho trên 200 phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số có việc làm ổn định, cho thu nhập từ 2 triệu đồng đến 15 triệu đồng/người/tháng, đã góp phần bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thứ năm là, đã chủ động phối hợpmở các lớp chuyển giao khoa học kỹthuật cho hội viên, phụ nữ; tư vấn, giải quyết việc làm cho phụ nữ dân tộc thiểu số; và mở lớp học nghề cho chị em tham gia. Qua các lớp học này, chị em đã mạnh dạn nuôi trồng các sản vật có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng như chè Shan tuyết, cam sành, thảo quả, cây dược liệu, mật o­ng bạc hà... khẳng định về chất lượng, thương hiệu, góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Toàn tỉnh có 541 mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ, thu nhập bình quân từ 60 triệu đến 200 triệu đồng/năm/hộ; duy trì 11 câu lạc bộ trong lĩnh vực phát triển kinh tế với 52 câu lạc bộ “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”; Thành lập 188 “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, trong đó 31 “Tổ phụ nữ liên kết chăn nuôi lợn nái luân chuyển”. Đây là một mô hình rất mới tạo được khí thế hào hứng chị em tham gia và đã được đánh giá có hiệu quả và phù hợp với điều kiện của tỉnh Hà Giang.

Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã góp phần giúp 24.099phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo, trong đó khoảng gần 2 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số làm chủ hộ.Tổ chức Hội thực sự là điểm tựa vững chắc giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, chị em đã phấn khởi, tự tin, từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và ngoài xã hội.

Kính thưa Đại hội, để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng”, nhiệm kỳ tới, Hội phụ nữ tỉnh Hà Giang thực hiện tốt các giải pháp sau:

1. Rà sát, phân tích để nắm số liệu, danh sách hộ nghèo, số liệu về phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo; xây dựng kế hoạch song song giúp đỡ cụ thể đối với từng hộ gia đình; phấn đấu hàng năm mỗi cơ sở Hội giúp thêm được ít nhất 2 hộ gia đình thoát nghèo theo tiêu chí đa nghèo.

2. Tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước, địa phương; vận động người dân tăng cường phát huy nội lực, mạnh dạn đưa cây giống, con giống năng suất cao, có giá trị kinh tế vào sản xuất, nuôi trồng. Phát huy tính sáng tạo của chị em trong khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế mang tính bền vững.

3. Đẩy mạnh hoạt động Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc giới thiệu sản phẩm, tham gia “Ngày phụ nữ sáng tạo” và các Hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh. Giới thiệu sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm là vấn đề rất khó khăn, Hội phụ nữ Hà Giang đang tập trung để giúp đỡ chị em.

4. Tiếp tục khai thác các nguồn vốn, nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ; vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Và nhiệm kỳ qua rất nhiều doanh nghiệp, các chị ngồi đây, Hội phụ nữ các tỉnh bạn đã giúp đỡ phụ nữ tỉnh Hà Giang rất nhiều trong việc hỗ trợ chị em phát triển kinh tế.

5. Do thực hiện tốt một trong hai khâu đột phá của phụ nữ Hà Giang trong nhiệm kỳ tới“Thành lập và phát triển các tổ Phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”; trong đó tập trung các giải pháp: xây dựng, hỗ trợ các nhóm phụ nữ liên kết phát triển kinh tế phù hợp đặc điểm từng vùng, miền; vận động, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tích cực tham gia mô hình kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn tín dụng chính thức; nhân rộng mô hình phát triển kinh tế phù hợp,hiệu quả.

Có thể nói kết quả trên của Phụ nữ Hà Giang có thể rất nhỏ bé so với nhiều tỉnh song đây là cả sự cố gắng rất nỗ lực của các cấp Hội và chị em phụ nữ DTTS trong điều kiện của một tỉnh miền núi biên giới còn vô vàn khó khăn.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video