Hội LHPN Hà Nam tăng cường hỗ trợ nước sạch cho phụ nữ nông thôn

22/12/2013
Đề án “Xây dựng thí điểm và triển khai nhân rộng mô hình cấp nước, vệ sinh môi trường bền vững, phù hợp cho khu vực nông thôn tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam” của Hội LHPN tỉnh Hà Nam là một trong 15 dự án được Quỹ Unilever Việt Nam chọn và tài trợ thực hiện trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ thường niên của Quỹ năm 2013 với tổng ngân sách là 300 triệu đồng.

Đề án được xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc cụ thể hóa định hướng chỉ đạo của Đoàn chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam và của Tỉnh ủy Hà Nam về việc huy động mọi nguồn lực trong triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, đồng thời hướng tới nâng cao đời sống, sức khỏe của phụ nữ nông thôn. Đề án cũng hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề ô nhiễm nổi cộm tại các điểm dân cư thông qua việc tổ chức mô hình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất thải, kết hợp với việc áp dụng các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp. Xây dựng thí điểm 10 mô hình cấp nước, vệ sinh môi trường, xử lý chất thải sinh hoạt và chăn nuôi của 10 hộ gia đình phụ nữ nông thôn phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của địa phương, lồng ghép với quy hoạch khu dân cư, từ đó nhân rộng trên toàn tỉnh và các địa phương khác. Tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn tiếp cận với các hoạt động bảo vệ môi trường vì sức khoẻ cộng đồng, nâng cao năng lực của cán bộ Hội các cấp, thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ.

Đề án sẽ được triển khai trong năm 2014 tại địa bàn xã Thanh Nguyên. Các hoạt động của đề án là một trong chuỗi hoạt động Hội LHPN tỉnh phối hợp với Quỹ Unilever Việt nam và các ban, ngành trong tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng làng kiểu mẫu, nhằm hỗ trợ địa phương thúc đẩy tiến độ thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam về thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tại địa bàn tỉnh Hà Nam.

Phương pháp tiếp cận của đề án thể hiện sự kết nối, lồng ghép các giải pháp kỹ thuật với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề xuất và triển khai đồng bộ: cấp nước, vệ sinh môi trường, lồng ghép với giáo dục vệ sinh, phù hợp với người sử dụng và được cộng đồng chấp nhận. Đảm bảo các tiêu chí: cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp an toàn; giải quyết thu gom và xử lý nước thải và chất thải rắn phù hợp, cho phép tái sử dụng an toàn, thu hồi tài nguyên (nước, chất dinh dưỡng, biogas, …). Thu hút sự tham gia cộng đồng, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và sự ủng hộ của gia đình hội viên, phụ nữ nông thôn.

Đề án tập trung thực hiện một số hoạt động cơ bản là: Khảo sát thực địa, phân tích tình hình thực tế ở địa phương, tham vấn các bên liên quan; Tổ chức sự kiện truyền thông về kiến thức bảo vệ môi trường, thực hành kỹ năng rửa tay bằng xà phòng, thay đổi hành vi trong phân loại rác thải sinh hoạt gia đình thông qua hình thức tổ chức sự kiện cộng đồng tại xã; Hỗ trợ xây dựng thí điểm 10 công trình cấp nước tiết kiệm và hợp vệ sinh cho 10 hộ thuộc xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; Tuyên truyền, tập huấn, cung cấp thông tin, kiến thức về sử dụng mô hình cấp nước - vệ sinh phù hợp với điều kiện sinh thái, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của địa phương; Đánh giá hiệu quả và nhân rộng các mô hình thử nghiệm trên địa bàn tỉnh và tiếp tục mở rộng.

Minh Tâm - Hội phụ nữ tỉnh Hà Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video