Hội LHPN huyện Châu Thành và Phong trào giúp nhau làm giàu

23/03/2007
Năm 2006, Hội LHPN huyện Châu Thành (Bến Tre) tập trung thực hiện 6 chương trình công tác trọng tâm đạt nhiều kết quả khả quan. Nổi bật nhất là chương trình hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình với nhiều hình thức phong phú, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 8,97 triệu đồng/người/năm, và thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Củng cố, phát triển cơ sở Hội vững mạnh là một trong những yếu tố hàng đầu đưa phong trào đi lên. Chị Nguyễn Thị Mười, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Châu Thành cho biết: “Việc củng cố đồng bộ các chi, tổ Hội đã giúp phong trào đi lên, tạo bước chuyển mới trong mọi hoạt động.”

Từ đầu năm 2006, huyện Hội đã chú trọng khâu thay đổi nhân sự mới trong BCH cơ sở Hội theo hướng trẻ hóa, năng lực, đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức cho các tổ trưởng, tổ phó (698 chị em tổ, hội), kết hợp thực hiện việc chọn mô hình điểm và kiểm tra chéo, đánh giá hoạt động của từng cơ sở hội. Toàn huyện hiện có 19/23 cơ sở hội được công nhận vững mạnh (tăng 2 so với năm 2005), 4 cơ sở khá; có 93/115 chi hội xuất sắc (tăng 2), 21 chi hội khá, 1 chi hội trung bình; có 778/1.027 tổ hội xuất sắc (tăng 59), 217 tổ khá, 32 tổ trung bình. Bên cạnh đó, công tác đào tạo và phát triển hội viên mới cũng được quan tâm đúng mức (kết nạp mới 2.416 hội viên, nâng tổng số hội viên của huyện là 32.365), đã tạo nhiều thuận lợi đưa phong trào đi lên.

Cũng trong năm 2006, nhiều hình thức giúp nhau phát triển kinh tế gia đình đã được chị em nhân rộng như hình thành 61 tổ trang trí nội thất với 907 chị em tham gia, 11 tổ nấu ăn (60 chị), 99 tổ hụi tương trợ (1.255 chị), 7 tổ đan giỏ (82 chị), 56 tổ dần đổi công (752 chị), 2 tổ dệt thảm (123 chị). Nhờ vậy, tình đoàn kết trong hội viên đã được thắt chặt thêm, động viên họ cùng giúp nhau làm giàu với tổng trị giá hơn 2,5 tỉ đồng, trong đó số tiền mặt không tính lãi là 1,19 tỉ đồng, và nhiều hiện vật, cây giống, con giống.

Mặt khác, thông qua hoạt động vay vốn ngân hàng (hơn 16 tỉ đồng) và hỗ trợ của Tỉnh Hội (416 triệu đồng, từ nguồn quỹ tín dụng tiết kiệm), Hội đã giúp cho 127 hộ thoát nghèo và hàng trăm chị em vươn lên làm giàu.

Chúng tôi cùng các chị ở Hội LHPN xã An Khánh đến tham quan một số hộ dân. Tại ấp 3, gia đình chị Trần Thị Huệ (SN 1952) là hộ nghèo với 5 người con nhưng thiếu đất sản xuất. Nhờ 3 triệu đồng tiền vay từ quỹ tín dụng tiết kiệm của Tỉnh Hội, cùng với sự cần mẫn lao động mà vợ chồng chị đã thoát nghèo. Hiện chị Huệ đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm thêm được nhiều tài sản, đất đai và là chủ một tiệm tạp hóa. Hay trường hợp của chị Phạm Thị Hồng Cẩm (55 tuổi), ở ấp 4, xã An Khánh. Cuộc sống của gia đình chị trước đây luôn gặp khó khăn, chồng là thương binh lại phải ở đất thuê, vợ chồng con cái đều đi làm mướn để kiếm cái ăn. Năm 2000, Hội Phụ nữ xã đã giúp cho chị vay 3 triệu đồng từ nguồn quỹ tín dụng tiết kiệm để làm vốn chăn nuôi và cho con học nghề cửa sắt. Nhờ cần kiệm, siêng năng mà hiện nay gia đình chị không chỉ trở nên khá giả, mà còn giúp cho nhiều thanh niên có việc làm với mức thu nhập ổn định.

Trao đổi về kinh nghiệm xây dựng Hội vững mạnh, chị Nguyễn Thị Mười cho biết: “Chúng tôi luôn bám sát cơ sở, tìm hiểu cặn kẽ hoàn cảnh của chị em. Cái chính là tạo nên sức mạnh đoàn kết, gắn bó giữa chị em với nhau để giúp đỡ nhau vươn lên.”

Đức Chính
Bến Tre

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video