Hội LHPN Nam Định đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm trong hội viên phụ nữ

03/04/2020
Một trong những vấn đề hiện đang được xã hội quan tâm là vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về bảo đảm an toàn trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm.
Hội viên Hội Phụ nữ Xuân Trường tại tham gia trao đổi, mua bán các sản phẩm nông nghiệp sạch.

Xóm 12, xã Giao Hà (Giao Thủy) là địa phương chuyên sản xuất rau giống, rau thương phẩm phục vụ người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình trạng người nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong phòng trừ sâu bệnh, thuốc kích thích tăng trưởng đối với các loại rau, màu và thuốc trừ cỏ đang diễn ra khá phổ biến. Để phát triển nghề bền vững, cung cấp nguồn nguyên liệu đảm bảo an toàn ra thị trường, được sự giúp đỡ của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Giao Thủy và xã Giao Hà, xóm 12 đã xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn nhằm thay đổi hành vi của hội viên phụ nữ trong chăm sóc rau, màu, khuyến khích hội viên mạnh dạn mở rộng diện tích, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và áp dụng những kiến thức do Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản truyền đạt về sản xuất rau, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa. Đến nay, xóm 12 đã từng bước tạo thương hiệu rau an toàn.

Để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm, các cấp Hội Phụ nữ huyện Xuân Trường đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả. Tiêu biểu như trong tháng hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2019, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện “Nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng”. Đồng thời chủ động phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể tổ chức nhiều cuộc truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; vận động phụ nữ gắn thực hiện an toàn thực phẩm với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Chi hội phụ nữ 5 không 3 sạch xây dựng nông thôn mới” nhằm chuyển đổi hành vi của hộ gia đình hội viên phụ nữ trong sản xuất kinh doanh và tiêu dùng sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó, các cấp Hội phát động cuộc thi “Ý tưởng truyền thông về an toàn thực phẩm”, tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng mô hình nông nghiệp khép kín thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nghèo”, tổ chức hội thi tìm hiểu về vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh; tổ chức hội thi “Hướng tới nền nông nghiệp sinh thái”; “Ngày Hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp”, trưng bày sản phẩm nông sản sạch... Qua đó, đã tuyên truyền sâu rộng tới hội viên phụ nữ tích cực thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tham gia các hoạt động vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông dòng chảy kênh mương tại địa phương; chủ động trồng hoa và cây xanh ven đường; thực hiện tốt các biện pháp phân loại rác thải từ gia đình và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, nhất là sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với túi nilon khi đi chợ. Bên cạnh đó duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình an toàn thực phẩm như: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn”, “Tổ phụ nữ chế biến thực phẩm sạch”, “Sản xuất và tiêu dùng sạch”... và vận động các thành viên cam kết thực hiện trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Thông qua các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như: tổ chức các lớp tập huấn, các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ tại cơ sở, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của Hội, tờ gấp, sách lật, sổ tay, tổ chức các hội thi về an toàn thực phẩm…, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã khuyến khích, tạo thói quen cho hội viên, phụ nữ, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo vệ sinh. Trong công tác tuyên truyền, các cấp Hội cũng đặc biệt chú trọng đến đối tượng hội viên, phụ nữ trực tiếp tham gia sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh nông sản, thực phẩm. Riêng Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 207 cuộc truyền thông “Phụ nữ chung tay bảo vệ môi trường - Nói không với rác thải nhựa” thu hút gần 14.500 cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm bẩn, thực phẩm giả, bảo vệ người tiêu dùng”, Hội Phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ nghiêm túc thực hiện các quy định về sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng tổ chức phiên chợ sản phẩm nông nghiệp không độc chất với các sản phẩm đa dạng, phong phú; tổ chức hội thi “Hướng tới nền nông nghiệp sinh thái”; duy trì hiệu quả hoạt động của các mô hình an toàn thực phẩm: “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất rau an toàn”; “Tổ phụ nữ chế biến thực phẩm sạch” “Chi Hội Phụ nữ 3 sạch”; “sản xuất và tiêu dùng sạch”...

Các hoạt động thiết thực của các cấp Hội Phụ nữ đã góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

baonamdinh.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video