Hội LHPN Ninh Bình thành công với mô hình “Xử lý rác thải tại gia đình” từ công tác “dân vận khéo”

13/08/2014
Xóm 8, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn. Với đặc thù trên 50% người dân theo đạo Thiên chúa, đường xóm nhỏ, xe ô tô chở rác không thể vào được, phí thu gom rác tập trung thì cao nên người dân không hưởng ứng và thường vứt rác ra sông, môi trường sống rất mất vệ sinh.

Mô hình “Xử lý rác thải tại gia đình” được Hội LHPN tỉnh Ninh Bình chỉ đạo thực hiện tại đây để góp phần đưa cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” vào cuộc sống. Để người dân hưởng ứng, Hội Phụ nữ đã làm tốt công tác “Dân vận khéo”, “khéo” nắm tâm tư, tình cảm, mong muốn của phụ nữ, của nhân dân để chọn đúng vấn đề nhân dân đang rất bức xúc, nhưng chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu. Trong quá trình thực hiện thì “khéo” bàn bạc, thống nhất với hội viên, phụ nữ, nhân dân và với cán bộ địa phương, nhất là Đảng ủy, chính quyền, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, công khai.

Trước khi thực hiện, đồng chí Bí thư chi bộ và trưởng xóm 8 đã hạch toán chi phí sao cho tiết kiệm nhưng phải đảm bảo kỹ thuật. Sau đó, tổ chức họp chi bộ, họp dân triển khai kế hoạch xây dựng mô hình, chi phí của gia đình, hỗ trợ của cấp trên, vận động thợ xây ủng hộ các gia đình 50% tiền công, thống nhất mua gạch tại một đại lý, cấp cho tất cả các gia đình vào một ngày để tiết kiệm chi phí vận chuyển và tạo không khí sôi nổi.

Tiến hành xây dựng điểm 5 hố rác tại gia đình nhà đồng chí Bí thư chi bộ, xóm trưởng, chi hội trưởng phụ nữ và 2 hộ dân gương mẫu. Từ đó, tuyên truyền cho các gia đình hiểu về sự cần thiết phải xử lý rác thải tại gia đình để nhân dân phấn khởi, hồ hởi, tin tưởng và làm theo.

Đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ Hội Phụ nữ ở cơ sở cũng rất nhiệt tình, trách nhiệm, hết lòng vì dân, làm tốt công tác động viên, khuyến khích các gia đình hưởng ứng, thường xuyên truyên truyền về vấn đề vệ sinh môi trường, nhắc nhở các gia đình sử dụng hố rác có hiệu quả. Cán bộ Hội LHPN tỉnh, huyện cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, cùng với cơ sở giải quyết các vấn đề phát sinh. Đây là những yếu tố cơ bản tạo nên thành công của mô hình.

Kết quả, đến nay 100% các hộ gia đình đã hưởng ứng, xây dựng hố rác, xử lý rác thải tại gia đình, từ đó giảm tải cho bãi rác tập thể, giảm công sức, chi phí vận chuyển rác đi đến bãi rác tập trung của xã, có nguồn phân hữu cơ cho sản xuất, thay đổi thói quen vứt rác ra sông, hình thành thói quen sinh hoạt gia đình sạch hơn, góp phần phấn đấu xây dựng Thượng Kiệm đạt chuẩn Nông thôn mới vào cuối năm 2014.

Vũ Hà, Hội LHPN tỉnh Ninh Bình

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video