Hội LHPN tỉnh Bắc Giang: Các mô hình học tập theo Bác tiết kiệm giúp phụ nữ nghèo

26/05/2016
Học và làm theo Bác, các cấp Hội LHPN tỉnh Bắc Giang đã xây dựng được nhiều mô hình tiết kiệm hiệu quả, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ. Tuy cách làm khác nhau nhưng tất cả đều chung mục đích tiết kiệm để sẻ chia, giúp đỡ những hoàn cảnh còn khó khăn trong cuộc sống.

Hội LHPN huyện Yên Thế với mô hình “Phụ nữ thực hành tiết kiệm, bảo vệ môi trường, chung tay giúp phụ nữ, trẻ em nghèo”. Kết quả, 5 năm qua đã tiết kiệm được 464,4 triệu đồng, giúp 1.084 phụ nữ, trẻ em nghèo được 413,4 triệu đồng (trong đó tặng 58xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi trị giá 69,6 triệu đồng, 592 suất quà trị giá 50,8 triệu đồng; tặng 586 suất quà cho phụ nữ nghèo trị giá 293 triệu) và tiết kiệm được 36,2 triệu đồng mua 10.342 số báo, tập san của Hội.

Hội LHPN huyện Tân Yên duy trì 74 mô hình “Xây dựng vùng sản xuất cây trồng hàng hóa tập trung góp phần thực hiện phong trào thi đua Phụ nữ Tân Yên làm theo Bác đẩy mạnh sản xuất nông nghiệpthu hút 3.882 hộ gia đình hội viên, phụ nữ tham gia. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình lúa giống - lúa lai F1 ở thôn Trám, xã Phúc Sơn cho năng suất từ 4- 5 tấn/ha, giá trị thu được 50 - 60 triệu/ha/1 vụ; mô hình trồng hành, tỏi ở thôn Sấu, xã Liên Chung cho năng suất đạt 28 tấn/ha, trị giá thu ước đạt 330 triệu/ha. Không chỉ quan tâm đến việc hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế mà các cấp Hội Phụ nữ trong huyện còn triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” thông qua mô hình thu gom phân loại và xử lý rác thải tại gia đình; hỗ trợ xây dựng “Mái ấm tình thương" tặng cho 12 phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, đơn thân nuôi con nhỏ đang không có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, với tổng số tiền 255,074 triệu đồng…

Đến xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, hầu hết mọi người đều biết đến “Hũ gạo tiết kiệm học tập theo Bác” đặt tại các điểm xay xát trên địa bàn. Đây là mô hình được triển khai từ đầu năm 2013 với mục đích vận động hội viên, nhân dân tiết kiệm, ủng hộ giúp phụ nữ khó khăn, hoạn nạn. Bà Đỗ Thị Cầu, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “Từ số thóc đem xay xát, chị em bỏ tiết kiệm vài nắm gạo. Số gạo đó dành hỗ trợ hội viên, hộ nghèo lúc giáp hạt hoặc quy thành tiền cho vay không lãi”. Ngoài các hũ gạo tiết kiệm chung, Hội còn vận động chị em thành lập ống tiết kiệm tại gia đình, mỗi ngày dành từ 1-2 nghìn đồng. Sau gần ba năm, đến nay xã thành lập được 38 “Hũ gạo tiết kiệm” học tập theo Bác, tiết kiệm được trên 3 tấn gạo, qua đó có kinh phí hỗ trợ trên 20 hội viên nghèo về giống, vốn sản xuất, gạo ăn lúc giáp hạt, ủng hộ học sinh khó khăn mua sách vở, đồ dùng học tập.

Ở xã Hương Mai, huyện Việt Yên, từ năm 2002 chị em đã có mô hình “Cấy lúa gây quỹ” với diện tích gần hai mẫu ruộng do các chi hội nhận đấu thầu canh tác các chân ruộng xấu hoặc bỏ hoang ở địa phương. Từ đó lấy kinh phí gây quỹ cho hội viên khó khăn vay không lãi suất. Chị Diêm Thị Thúy Uyên, Chi hội trưởng thôn Đồng Sơn cho biết: “Một năm hai vụ chúng tôi huy động hội viên làm đất, cấy lúa, chăm sóc. Việc gây quỹ giúp nhau đã tạo thêm sự đoàn kết, gắn bó giữa các chị em”. Hơn 10 năm thực hiện mô hình này, chi hội đã giúp hơn 100 lượt phụ nữ nghèo vay không lãi với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng.

Từ những việc làm thiết thực, hiệu quả của các mô hình học tập và làm theo Bác, các cấp Hội trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Giang đã tiết kiệm được 29,1 tỷ đồng và 77,9 tấn gạo, giúp 3.094 chị vay không lấy lãi, giúp không hoàn lại 14.329 chị khó khăn 8, tặng 77,9 tấn gạo cho 2.443 hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khănvốn để đầu tư phát triển sản xuất, vượt khó vươn lên thoát nghèo.

Điển hình như gia đình chị Ngọ Thị Tuấn, thôn Đại Đồng 1, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa được giúp đỡ từ “Hũ gạo tiết kiệm học tập theo Bác”. Là hộ nghèo, chị Tuấn và con trai út mắc bệnh hiểm nghèo; cả nhà trông vào vài sào ruộng khoán. Vừa lo bữa cơm hàng ngày, vừa chạy chữa thuốc thang nên kinh tế eo hẹp. Sau khi được Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ gạo lúc giáp hạt, hơn 3 triệu đồng mua lợn giống để tăng gia giúp gia đình chị có thêm nguồn thu, ổn định cuộc sống. Không chỉ chị Tuấn, các chị: Đỗ Thị Cảnh, xã Hương Mai, huyện Việt Yên... cũng thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ những mô hình tiết kiệm của phụ nữ. Trong căn nhà mới khang trang, chị Cảnh phấn khởi: “Nhờ nguồn vốn vay không lấy lãi từ quỹ cấy lúa của Chi hội mà gia đình tôi phát triển mô hình vườn, ao, chuồng, cho thu nhập 30-40 triệu đồng/năm”...

Phát huy những mô hình hiệu quả, những cách làm hay trong thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, thời gian tới, các cơ sở Hội LHPN tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả 01 hoạt động/loại hình làm theo gương Bác tại mỗi địa phương, vận động đông đảo các tầng lớp hội viên, phụ nữ hưởng ứng, tham gia, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, góp phần giúp đỡ ngày càng nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thu Thùy, Hội LHPN tỉnh Bắc Giang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video