Hội LHPN tỉnh Hà Giang: Tích cực dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho chị em phụ nữ

01/04/2013
Phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên là mối quan tâm, nhiệm vụ hàng đầu của các cấp Hội LHPN Hà Giang trong thời gian qua và đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Hội LHPN tỉnh trực tiếp cùng Hội LHPN các huyện, thành phố xuống từng thôn bản để khảo sát, tổng hợp nhu cầu đăng ký học nghề, tuyển sinh; kiểm tra chất lượng giáo viên để tuyển chọn giáo viên dạy nghề lưu động tại các địa phương; phân công, cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra chất lượng các lớp dạy nghề... Để thu hút chị em tham gia học nghề, các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động, tư vấn việc làm phù hợp với từng đối tượng hội viên, phụ nữ và lao động nông thôn. Từ năm 2010 – 2012, toàn tỉnh đã có 8.000 hội viên, phụ nữ được Hội LHPN tỉnh Hà Giang trực tiếp tư vấn về việc làm trong 212 buổi tư vấn lưu động.

Cũng trong 3 năm qua, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã mở được 84 lớp dạy nghề sơ cấp và lớp bồi dưỡng dưới 3 tháng với 13 loại nghề như: thêu dệt thổ cẩm, chế biến món ăn, tin học văn phòng, kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm... cấp chứng chỉ nghề cho gần 2.500 học viên. Các lớp dạy nghề mở ngay tại các xã, thôn, bản nhằm tạo điều kiện cho các chị em, hội viên phụ nữ vừa học nghề, vừa không phải xa gia đình nên đã phát huy được hiệu quả. Nhiều hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn vay vốn, góp vốn đầu tư, mở rộng quy mô trồng trọt, sản xuất kinh doanh, chăn nuôi theo mô hình kinh tế hộ gia đình, bán trang trại, áp dụng các kiến thức, khoa học kỹ thuật đã được học vào quá trình chăn nuôi, sản xuất. Hội cũng chủ động tìm kiếm đối tác tiếp nhận chị em vào làm việc, bao tiêu sản phẩm sau khi học nghề, góp phần tích cực vào công cuộc XĐGN, nâng cao thu nhập cho hội viên. Như tại huyện Xín Mần, sản phẩm nông nghiệp của chị em được Công ty cổ phần và phát triển huyện Xín Mần thu mua bao tiêu, bình quân thu nhập mỗi hộ đạt 5-8 triệu đồng/hộ/vụ (3 vụ/năm).

Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và triển khai được 5 mô hình điểm “3 trong 1” về phát triển kinh tế sau học nghề thuộc Đề án 295 “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 – 2015”: mô hình nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt tại xã Kim Ngọc (huyện Bắc Giang); mô hình làm nón lá tại xã Việt Lâm (huyện Vị Xuyên), mô hình nuôi lợn đen thịt tại Thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần); mô hình trồng rau an toàn tại phường Ngọc Hà (TP Hà Giang); mô hình thêu thổ cẩm tại xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn). Các mô hình này tạo việc làm thường xuyên cho chị em, giúp chị em có một thu nhập ổn định, từ đó nhiệt tình, tự giác tham gia vào tổ chức Hội. Điển hình như tại các xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn), xã Lùng Tám (huyện Quảng Bạ) chị em dân tộc H’Mông, Lô Lô, Pà Thẻn... ngày càng say mê duy trì nghề dệt thổ cẩm và tạo được thu nhập từ việc bán sản phẩm phục vụ du khách. Đồng thời, hoạt động có hiệu quả của các mô hình đã tạo được hiệu ứng tốt trong cộng đồng, thúc đẩy sự hỗ trợ, quan tâm của chính quyền địa phương.

Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2013-2015, Hội LHPN tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục tăng quy mô, phát triển đa dạng các hình thức dạy nghề, nâng cao chất lượng đào tạo, phấn đấu đạt tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề giai đoạn này tối thiểu đạt 70%... Các hoạt động dạy nghề cho phụ nữ tập trung vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ năng nghề để chị em thích nghi và hòa nhập với cơ chế thị trường, tăng hiệu quả lao động, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập; góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Phạm Hồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video