Hội LHPN tỉnh Hoà Bình hỗ trợ phụ nữ xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế

15/05/2007
Thực hiện phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”, nhiệm kỳ 2001-2006, Hội LHPN tỉnh Hoà Bình đã hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho hơn 20.000 phụ nữ, từng bước giúp họ thoát nghèo.

Hoà Bình là một tỉnh miền núi nghèo, đời sống của đại đa số người dân còn khó khăn. Phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh gặp nhiều thách thức: Giao thông đi lại khó khăn, trình độ nhận thức của phụ nữ không đồng đều; tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo thấp, phụ nữ thiếu việc làm còn nhiều…

 

Để góp phần vào chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo chung của tỉnh, 5 năm qua các cấp Hội đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ vốn, tạo việc làm cho phụ nữ, coi đây là chương trình mũi nhọn để thúc đẩy phong trào. Tính đến nay, đã có hơn 20.000 lượt phụ nữ được Hội giúp đỡ bằng nhiều hình thức: Giúp vốn, cây, con giống, ngày công lao động; hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật… với tổng giá trị lên tới 2,2 tỷ đồng. Với cách làm này, Hội đã giúp cho gần 5.000 hộ nghèo có địa chỉ (đạt tỷ lệ 84,7% hộ nghèo), trong đó có 2.150 hộ đã thoát nghèo.

 

Các cấp Hội còn tích cực khai thác các nguồn vốn cho phụ nữ vay, đặc biệt là các đối tượng phụ nữ nghèo. Thống kê mới nhất cho thấy, hiện các cấp Hội đang quản lý tổng nguồn vốn gần 300 tỷ đồng cho gần 46.000 lượt phụ nữ vay, đáp ứng được 35% hội viên có nhu cầu vay vốn sản xuất. Riêng nguồn vốn ký kết hợp đồng uỷ thác cho vay hộ nghèo với Ngân hàng Chính sách xã hội là 89,434 tỷ đồng cho 21.968 phụ nữ nghèo vay. Thời gian qua, tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tạo điều kiện cho phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu, các cấp Hội đã tín chấp cho 5.457 phụ nữ vay với tổng dưnợ đạt 33 tỷ đồng.

 

Thông qua những hình thức uỷ thác, tín chấp, mối liên hệ giữa Hội phụ nữ và hệ thống các ngân hàng được tăng cường. Uy tín của Hội được nâng lên do kinh nghiệm quản lý vốn tín dụng và sự tích cực tham gia của cán bộ, hội viên. Ngoài ra, để huy động tối đa nguồn lực sẵn có của địa phương, các cấp Hội cũng đã tiếp tục duy trì và phát triển mô hình tổ, nhóm phụ nữ tín dụng, tiết kiệm nâng tổng số nhóm phụ nữ tín dụng, tiết kiệm tăng 5% so với đầu nhiệm kỳ.

 

Ngoài hỗ trợ vốn vay, Hội ký kết chương trình phối hợp với ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật cho 22.000 lượt phụ nữ vay vốn, giúp chị em sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và từng bước xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đa dạng do phụ nữ làm chủ.

 

Từ các hoạt động vay vốn, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên đã năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng và trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi. Nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế theo hướng sản xuất kinh doanh, dịch vụ, trang trại có thu nhập từ 50-100 triệu đồng/năm.

 

Hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cũng đã được các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh. Ngoài 160 cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất thuộc các huyện, thị, Trung tâm dạy nghề phụ nữ tỉnh đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 7/2005 với mục đích liên kết các ngành, các doanh nghiệp đào tạo hướng nghiệp và tạo việc làm cho phụ nữ trong toàn tỉnh. 5 năm đã có 3.000 phụ nữ được học nghề, tạo việc làm.

 

Thực hiện cuộc vận động ủng hộ vì người nghèo, các cấp Hội phối hợp với cấp uỷ, chính quyền , MTTQ địa phương quyên góp ủng hộ xây nhà tình thương, xoá nhà tranh tre dột nát cho phụ nữ nghèo; hỗ trợ xây được 56 căn nhà cho phụ nữ nghèo trị giá hơn 200 triệu đồng. Những hoạt động hỗ trợ phụ nữ nghèo của Hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 31,3% (theo tiêu chí mới) và thu nhập bình quân đầu người đạt 4,3 triệu đồng/người/năm.

 

 

Thu Hương

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video