Hội LHPN tỉnh Nam Định tăng cường hỗ trợ phụ nữ tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác

21/12/2016
- Tập huấn kiến thức cho ban quản trị HTX/THT
- Thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết phát triển nghề đan cói xuất khẩu”

Tập huấn kiến thức cho ban quản trị HTX/THT. Hai lớp tập huấn được tổ chức cho 75 học viên Ban quản trị các HTX/THT tại các huyện/TP, nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng quản lý cho Ban quản trị hợp tác xã/ tổ hợp tác (HTX/THT) sản xuất và kinh doanh trong tỉnh, đặc biệt là các HTX/THT do nữ quản lý. Tham gia lớp tập huấn giúp các thành viên HĐQT, Ban giám đốc HTX, Ban quản lý Tổ hợp tác nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt các định hướng của Tỉnh về việc thực hiện chuyển đổi mô hình HTX kiểu mới - khâu đột phá để thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập bền vững cho nông dân giai đoạn 2015 – 2020; tăng cường sự liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu lâu dài, quản lý tài chính, bồi dưỡng kiến thức kế toán cho các kế toán của các HTX/THT.

Thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết phát triển nghề đan cói xuất khẩu”. Với mục đích đem lại nghề phụ cho chị em có thể vừa làm việc tăng thu nhập lại vừa có điều kiện chăm sóc con cái và gia đình, Hội LHPN tỉnh đã trình với lãnh đạo UBND tỉnh để dạy nghề đan cói xuất khẩu cho chị em xã Nghĩa Đồng. Sau khi dạy nghề xong, chị em chưa có điều kiện để mua nguyên liệu và dụng cụ để làm. Hội LHPN tỉnh đã đề xuất và được sự đồng ý của lãnh đạo UBND tỉnh hỗ trợ cho chị em vay 50 triệu đồng để mua nguyên vật liệu và dụng cụ ban đầu để làm. Để chị em trong xã có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong học nghề và truyền nghề, Hội LHPN tỉnh quyết định thành lập Tổ phụ nữ liên kết phát triển nghề đan cói xuất khẩu tại xã Nghĩa Đồng, bước đầu đã có 30 chị đăng ký tham gia Tổ. Được biết trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh Nam Định đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh thành lập các mô hình như mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác, Tổ liên kết để tập hợp các chị em tại các vùng sản xuất nông nghiệp có chung sở thích, có chung ngành nghề, có nhu cầu muốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất trên đất nông nghiệp để tăng nguồn thu nhập cho gia đình. Nhiều mô hình đã hoạt động rất hiệu quả như mô hình HTX trồng cây dược liệu tại xã Hải Lộc, huyện Hải Hậu; Tổ hợp tác Nuôi giun quế tại xã Hải Sơn (Hải Hậu); tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) ... Các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho các lao động ngay tại địa phương nhất là lao động nữ có việc làm ổn định.

Hồng Mận

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video