Hội LHPN tỉnh Nghệ An tích cực góp phần hạn chế tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em

19/01/2016
Em Ngân Thị Hoa ở huyện Con Cuông (nạn nhân của một vụ mua bán người) kể lại: Năm 2012 vì nghe theo một người bạn rủ xuống thành phố đi làm nhân viên bán hàng với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Lúc đó, em mới 16 tuổi, không đi học, không có việc làm, gia đình lại khó khăn nên em đã nghe theo và sau đó mới biết mình đã bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ cho người ta. Sau 8 tháng, em cùng 2 bạn gái ở huyện Kỳ Sơnđã tìm cách bỏ trốn được về Việt Nam.

Chị Lô Thị Nga ở huyện Tương Dương vì gia đình khó khăn, cuối năm 2014 nghe theo lời dụ dỗ của người quen cũng chấp nhận để lại 2 đứa con thơ, về thành phố làm thuê. Sau hơn 4 tháng không có tin tức gì, chị Nga được công an và bộ đội biên phòng đưa về địa phương. Chị đã bị bán sang Trung Quốc. Vì thương hai con nhỏ, chị Nga bất chấp nguy hiểmlợi dụng sơ hở đã trốn khỏi nhà chủ lúc gần 2 giờ sáng và may mắn trốn thoát được.

Có thể nói, Hoa và chị Nga là một trong số nạn nhân may mắn trốn thoát, vẫn còn rất nhiều người chưa có cơ hội đoàn tụ với gia đình. Tương Dương, Con Cuông là một trong những huyện miền núi cao ở Nghệ An có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, đời sống thấp, trình độ dân trí chưa cao, người dân thiếu việc làm nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ. Chính vì vậy, thời gian qua, nhiều xã vùng sâu, vùng xa trở thành điểm nóng có phụ nữ và trẻ em gái bị lừa bán sang Trung Quốc.

Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2015, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 59 vụ, 126 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người, trong đó nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi từ 14 – 30.

Trước những vấn đề đặt ra,Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã chủ động phối hợp với các ban, ngành và các cơ quan thông tin đại chúng đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, nội dung tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; chú trọng tuyên truyền tới các nhóm đối tượng có nguy cơ bị mua bán cao thông qua tuyên truyền miệng, các buổi sinh hoạt, hội thảo, nói chuyện chuyên đề, giao lưu văn nghệ…Hội LHPN tỉnh lựa chọn xã Đôn Phục huyện Con Cuông chỉ đạo điểm Mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người" để từ đó nhân ra diện rộng. Hội đã tổ chức truyền thông cộng đồng phòng, chống mua bán người tại 7/7 thôn, bản xã Đôn Phục, huyện Con Cuông cho phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán, đồng thời thành lập 3 Câu lạc bộ "Lá chắn" với 2.578 thành viên tham gia.Các câu lạc bộ này hoạt động rất hiệu quả và đi vào chiều sâu, tạo được hiệu ứng cao trong công tác tuyên truyền, góp phần hạn chế và hiện nay xã đã không còn tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa không rõ địa chỉ hoặc bị lừa bán sang nước ngoài. Mô hình đã được nhân rộng tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương và xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn; đây là cũng là hai huyện miền núi cao có tình trạng phụ nữ đi làm ăn xa không rõ địa chỉ, nạn nhân bị mua bán cao.

Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tổ chứctuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, giáo dục trực tiếp tại cộng đồng. Từ năm 2012-2015, đã thành lập 3 nhóm hỗ trợ cộng đồng phòng chống mua bán người, 5 mô hình Câu lạc bộ phòng chống mua bán người, 5 mô hình "Hỗ trợ cộng đồng phòng, chống mua bán người”. Hội LHPN tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng thành công mô hình truyền thông cộng đồng về“Di cư an toànvà phòng chống mua bán người” tại các xã Bảo Thành, Phúc Thành, huyện Yên Thành; xây dựng mô hình đội văn nghệ thông tin tuyên truyền về phòng, chống mua bán người tại phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai; tổ chức 06 cuộc tọa đàm “Di cư an toàn, lao động và việc làm” tại các xã điểm ở huyện Yên Thành vàNghi Lộc. Phối hợp với Toà án nhân dân tỉnh tổ chức 02 cuộc xét xử lưu động tội phạm mua bán phụ nữ. Các hoạt động này góp phầnnâng cao kỹ năng sống, ý thức cảnh giác trong cán bộ, hội viên, phụ nữ nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, vùng Biên giới;giúp người dân hiểu biết pháp luật về tội phạm mua bán người, từ đó đạt được mục đích giáo dục phòng ngừa chung.

Công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế gia đình và tham gia phòng chống tội phạm mua bán người được tổ chức Hội hết sức quan tâm. Qua khảo sát, nắm bắt tình hình phụ nữ và trẻ em gái bị mua bán và đi làm ăn xa không rõ địa chỉ trên địa bàn, Hội LHPN tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Hội LHPN các địa phương có nạn nhân bị mua bánđể có kế hoạch giúp đỡ, động viên, vận động họ tham gia vào hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ,tạo điều kiện để họ có thể vay vốn phát triển kinh tế, tạo lập cuộc sống ổn định; đồng thời phối hợp với chính quyền và các ngành quản lý chặt chẽ các cháu sau khi trở về địa phương. Đến nay, đời sống các chị em cơ bản ổn định, đã có kiến thức phòng tránh tội phạm mua bán người và có việc làm tại quê hương.

Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, thực hiện nhiều biện pháp phối kết hợp, các chính sách an sinh xã hội, thì hoạt động của các cấp hội phụ nữ ở cơ sở trong tuyên truyền, vận động chị em và cộng đồng có vai trò nòng cốt để công tác phòng chống tội phạm mua bán người đạt hiệu quả cao. Vì vậy,trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp các ban ngành đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống mua bán người cho cán bộ, hội viên, phụ nữ, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trực tiếp tại cộng đồng; đồng thời nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ phòng, chống mua bán người. Tiếp tục xây dựng mô hình phòng, chống mua bán người tại các huyện có nguy cơ cao về tình trạng mua bán người. Theo dõi, chỉ đạo và nắm bắt tình hình di cư an toàn trên toàn tỉnh.
 * Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Vương Giang, Hội LHPN tỉnh Nghệ An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video