Hội LHPN tỉnh Quảng Bình: Chú trọng hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nữ

04/05/2008
Theo số liệu thống kê đến cuối 2006, toàn tỉnh Quảng Bình hiện có 1098 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số vốn 2.388.426 triệu đồng, trong đó số doanh nghiệp do nữ làm chủ là 241, chiếm 21,86%.

 

Các doanh nghiệp nữ chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực: Thương mại, dịch vụ (55,6%); xây dựng, tư vấn (31,4%); Công nghiệp (10%); Nông, lâm, thủy sản (3%). Trong những năm gần đây, tốc độ phát triển của doanh nghiệp nữ tăng nhanh, khả năng thích nghi và hội nhập với nền kinh tế ngày càng lớn. Bên cạnh việc điều hành quản lý doanh nghiệp, các doanh nghiệp nữ đã quan tâm hơn đến hoạt động xã hội, chăm lo đến lợi ích, đời sống người lao động, nhất là lao động nữ. Với quy mô sản xuất, kinh doanh dịch vụ khác nhau nhưng chị em đều có sự năng động, sáng tạo, sản xuất kinh doanh giữ được uy tín trên thị trường. Hầu hết các doanh nghiệp có sự phát triển bền vững, tạo việc làm ổn định cho nhiều chị em khác với mức thu nhập trên 500.000đ/người/tháng.

 

Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp nữ cũng còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, việc quản lý doanh nghiệp chủ yếu bằng kinh nghiệm bản thân, ít được đào tạo, việc cập nhật các thông tin về thị trường tiêu thụ, về quản lý doanh nghiệp còn hạn chế. Cơ sở vật chất, nhà xưởng chưa được ổn định. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp nữ chưa cao do những hạn chế về vốn, quy mô, công nghệ, trình độ quản lý và những vướng mắc về môi trường pháp lý, môi trường tâm lý xã hội. Chính từ thực trạng này, sự ra đời của chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ của Hội LHPN tỉnh đã tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong phát triển doanh nghiệp ở địa phương. Các doanh nghiệp nữ ngày càng được củng cố và đứng vững trong cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp mở rộng quy mô, lực lượng, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Kinh tế hộ gia đình do nữ làm chủ đã chiếm tỷ lệ cao, đóng góp rất lớn vào việc thực hiện đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong chương trình xoá đói giảm nghèo, tạo việc làm cho lao động nữ, khẳng định vai trò của giới, nâng cao vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

 

Nhận thức được vai trò của các doanh nghiệp đối với công tác tạo việc làm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội quan tâm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nữ và các mô hình kinh tế hộ gia đình do nữ làm chủ, ưu tiên hỗ trợ cho 457/1098 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Một số doanh nghiệp nữ đang xây dựng và hướng tới hình thành thương hiệu như: Rượu Võ Xá (Quảng Ninh); Bánh tráng Quảng Thanh (Quảng Trạch); Nước mắm Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy); Nước mắm Cảnh Dương (Quảng Trạch); Bánh bèo Hải Thành (Đồng Hới) ngày càng khẳng định vị trí của mình trong lĩnh vực chế biến thực phẩm. Nhiều chị mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh và thành lập doanh nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động như: Chị Lê Thị Hương (xã Thuận Hóa - Tuyên Hóa), chị Nguyễn Thị Điểm (huyện Quảng Ninh) là chủ doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, tạo việc làm cho từ 55-120 lao động.

 

Hội đã tranh thủ kinh phí của các tổ chức, dự án trong và ngoài nước như UNIDO, CPI, SNV tập huấn kỹ năng khởi sự doanh nghiệp, hạch toán kinh doanh, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nhằm nâng cao kiến thức về quản lý kinh doanh, tiếp thị sản phẩm cho 4.850 phụ nữ; thành lập 39 nhóm doanh nghiệp tương hỗ với sự tham gia của 985 doanh nghiệp nữ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm; tổ chức 109 chương trình tập huấn cho 39 nhóm tương hỗ, trong đó có 39 chương trình tiếp thị, 39 chương trình tài chính và 31 chương trình kỹ thuật cho 985 doanh nghiệp; cung cấp tư vấn kỹ thuật cho 468 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, tư vấn cho 81 doanh nghiệp lập và thực hiện kế họach sản xuất sạch. Dự án phát triển doanh nghiệp nữ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã liên kết 49 doanh nghiệp với các chương trình tín dụng, ngân hàng vay 237.000.000 đồng; xây dựng 9 mô hình trình diễn lò hấp bánh tráng bằng trấu; 2 nhóm nước mắm Ngư Thủy (Lệ Thủy) và Xuân Hòa (Quảng Trạch).

 

Tiếp tục thực hiện dự án Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm, nguồn Quỹ uỷ quyền của Hội LHPN tỉnh,5 năm qua, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 300.000.000đ cho 6 doanh nghiệp trên địa bàn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các huyện, thành đã hỗ trợ cho 2.552 lượt doanh nghiệp nữ và hộ sản xuất kinh doanh vay với số tiền gần 20 tỷđồng. Tổ chức 35 lớp tập huấn về nghiệp vụ tín dụng cho 832 lượt doanh nghiệp nữ và hộ sản xuất kinh doanh. Hội ký hợp đồng uỷ thác với Ngân hàng CSXH tỉnh, tranh thủ nguồn lực của các dự án UNIDO, CPI, Ngân hàng CSXH tại địa phương để doanh nghiệp nữ được ưu tiên nguồn vốn vay lãi suất thấp, dài ngày tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

 

Không chỉ gặp khó khăn về vốn mà những cản trở về giới đối với các doanh nhân nữ đang hiện hữu và có thể gia tăng trong bối cảnh hậu WTO, Hội đã phối hợp với các trung tâm tư vấn, văn phòng luật sư tư vấn về nhu cầu và thách thức của doanh nghiệp nữ khi gia nhập WTO, chính sách của Nhà nước liên quan đến tín dụng, các điều kiện và thủ tục vay vốn, đặc điểm các thị trường, tập quán kinh doanh, yêu cầu về hàng hoá, giá cả vốn tín dụng, xuất khẩu, thuế...tổ chức nhiều đợt tham quan để doanh nhân nữ học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh tiên tiến từ những nơi khác.

 

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo, giao lưu "Gặp mặt nữ doanh nhân tiêu biểu" thảo luận về định hướng thị trường nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc phát triển Doanh nghiệp nữ. Xây dựng và nhân rộng các câu lạc bộ doanh nhân nữ. Hiện nay toàn tỉnh đã có 12 câu lạc bộ Doanh nhân nữvới 596 chị tham gia. Các CLB duy trì sinh hoạt hàng quý giúp chị em trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu thị trường tiêu thụ sản phẩm và tháo gỡ những khó khăn trong kinh doanh, sản xuất, nhờ đó mạng lưới doanh nhân ngày càng phát triển.


Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với dự án hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khảo sát, nắm bắt nhu cầu trong nữ doanh nhân, khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tiến tới thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nữ tại tỉnh; ưu tiên hơn đến kinh tế hộ gia đình, trang trại, tổ sản xuất và các làng nghề do phụ nữ làm chủ, đặc biệt chú trọng các đối tượng chính sách, phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng sâu, vùng xa.

Thanh Liễu

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video