Hội LHPN tỉnh Quảng Nam trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2021

17/06/2021
Tại Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, BCH Hội LHPN tỉnh xác định hoạt động Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững gắn với Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh công tác giảm nghèo là một trong hai khâu đột phá quan trọng của nhiệm kỳ.
Hội LHPN tỉnh Quảng Nam trao phương tiện sinh kế cho hội viên phụ nữ nghèo miền núi

5 năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh; tiếp tục tuyên truyền, vận động, hưởng ứng phong trào "Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau" nhằm giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm từ 11,13% năm 2016 xuống còn 5,23% năm 2020. Đây là một kết quả nổi bật của công cuộc đổi mới, tạo nền tảng quan trọng cho quá trình tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo quốc gia theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều.

Nhiều hoạt động hiệu quả đến với phụ nữ nghèo

Hội LHPN tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai công tác giảm nghèo theo các vấn đề: phối hợp triển khai dạy nghề - giới thiệu việc làm, tư vấn du học – xuất khẩu lao động cho phụ nữ; triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939); phát động các đợt thi đua vận động hỗ trợ trao phương tiện sinh kế cho hội viên, phụ nữ nghèo; tổ chức các hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo có địa chỉ; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

Những hoạt động đều nhắm tới mục tiêu cải thiện đời sống, hỗ trợ tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là ở các địa phương có tỷ lệ hộ phụ nữ nghèo cao, tạo điều kiện cho phụ nữ được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, vốn vay ưu đãi) để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại, lập danh sách hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo; đáp ứng nhu cầu hỗ trợ vốn cho chị em khó khăn; duy trì và tiếp tục thực hiện hiệu quả các mô hình “Heo đất tiết kiệm”, “Đồng tiền tiết kiệm”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Việc làm nhỏ - Công trình lớn”, “Nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng dựa vào cộng đồng”... thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia; gắn kết hộ nghèo tham gia các mô hình tiết kiệm, mô hình tạo việc làm sau học nghề; chủ động, mở rộng, giới thiệu các sản phẩm đầu ra cho hội viên phụ nữ nông thôn qua các sự kiện quảng bá, kết nối tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm của nông dân; vận động, tiết kiệm, đóng góp trên 134 tỷ đồng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho trên 19 nghìn lượt hội viên, phụ nữ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên nhiều địa phương của tỉnh.

Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020, Hội LHPN tỉnh phát động cán bộ hội viên thực hành tiết kiệm hỗ trợ trên 3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng 24 nhà ở cho hội viên phụ nữ nghèo và cán bộ chiến sỹ biên phòng có hoàn cảnh khó khăn tại 4 xã vùng biên; xây dựng 5 mô hình sinh kế (nuôi bò, trồng đẳng sâm, nuôi ngan); thăm và tặng quà tết cho 100 hộ gia đình chính sách, hộ phụ nữ nghèo, người già neo đơn... trị giá gần 100 triệu đồng.

Tấm gương sáng về thoát nghèo bền vững

Năm 2017, nhờ tiếp cận được nguồn vốn giảm nghèo cộng với sự chăm chỉ, chịu khó, gia đình chị Hồ Thị Danh ngụ tại thôn 2, xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Gia đình chị vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, chị dùng số tiền này mua 4 con heo nái đen, 2 con bò, trồng thêm 1ha cao su, nuôi 50 con gà và duy trì 4ha keo. Sau 1 năm, đàn heo xuất 2 – 3 đợt, mỗi đợt 10-15 con, bò sinh trưởng tốt và đẻ lứa đầu tiên, chị để lại nuôi và tiếp tục gây giống những năm tiếp theo. Đến nay, gia đình chị đã có thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm.

Mô hình phát triển kinh tế của hội viên

Chị Phan Thị Ngọc Hân, thôn 1, xã Tiên An, huyện Tiên Phước là một phụ nữ bị khuyết tật ở chân, gia đình được xếp vào diện hộ nghèo của địa phương. Năm 2014, chị mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH 10 triệu đồng để nấu rượu, nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau màu phục vụ đời sống. Bên cạnh đó, do đã được học may, chị mua máy về nhà và nhận sửa chữa, may quần áo để có thêm thu nhập. Cùng với số vốn tích lũy, chị tiếp tục vay 20 triệu từ Ngân hàng CSXH để mua 10 máy may và mở tổ gia công tại nhà, giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động nữ tại địa phương, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Gia đình chị Hân thu nhập hàng năm khoảng 110 triệu đồng, vươn lên thoát nghèo và ổn định kinh tế gia đình.

Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới cách làm, vận dụng linh hoạt các chính sách, gắn công tác giảm nghèo với các chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và vận động, tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các tầng lớp hội viên, giúp chị em khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

Hoàng Hoài Trinh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video