Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh: Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội

25/03/2020
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực để thực hiện khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022.
Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh giám sát công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn

Chủ động phát hiện, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện phù hợp

Trong bối cảnh tỉnh Quảng Ninh thực hiện mô hình thí điểm Cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh, có không ít khó khăn, vướng mắc tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động Hội nói chung và hoạt động giám sát, phản biện xã hội nói riêng, đòi hỏi tổ chức Hội phải tập trung đổi mới, sáng tạo trong việc tham mưu và triển khai thực hiện phù hợp với mô hình mới.

Điểm nổi bật thuận lợi, từ năm 2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã có cơ chế, chính sách giám sát, phản biện thông qua việc ban hành Chương trình thanh tra, kiểm tra giám sát chung của tỉnh, trong đó có nội dung chuyên đề giám sát cụ thể của các tổ chức CT-XH. Từ cơ chế này, Hội LHPN tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, tổ chức các chương trình kiếm tra, giám sát khoa học, bài bản, có chiều sâu, cụ thể, không hình thức, chất lượng, hiệu quả hoạt động dần được nâng lên rõ rệt.

Các chủ đề giám sát luôn đảm bảo 2 yếu tố là tính đặc thù của tổ chức giới (gắn với quyền lợi của phụ nữ, trẻ em) và tính thời sự (các vấn đề về môi trường, vệ sinh ATTP, pháp luật lao động nữ, vụ việc đơn thư kéo dài...). Trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác nắm bắt tình hình phụ nữ và nhân dân, lấy thông tin phản ánh từ phía người dân thông qua “Diễn đàn lắng nghe ý kiến hội viên phụ nữ” được duy trì tại các địa phương, để làm căn cứ giám sát đột xuất, không báo trước. Cách làm này đã mang lại hiệu quả cao, phản ánh thực chất về thực trạng tại thời điểm giám sát, từ đó có phản ánh, kiến nghị và đề xuất đúng, trúng, kịp thời, hiệu quả... được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận.

Năm 2018, 2019 Hội đã chủ trì giám sát 03 chuyên đề về dịch vụ công của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tại 14/14 địa phương; công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn, bữa ăn bán trú tại 130 trường học có bếp ăn, bữa ăn bán trú; việc thực hiện pháp luật lao động đối với lao động nữ tại 35 doanh nghiệp (tỷ lệ lao động nữ chiếm 30% trở lên) có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Sau giám sát Hội đã kiến nghị 31 nội dung, nhiều nội dung được UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các địa phương, được các cấp, các ngành, đơn vị tiếp thu, khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh thực hiện phối hợp giám sát, phản biện 9 vụ việc đơn thư, phức tạp kéo dài liên quan đến Phụ nữ, trẻ em; chủ trì và phối hợp tham gia ý kiến phản biện đối với 5 văn bản Luật, 02 dự thảo Nghị quyết và các văn bản khác; thường xuyên phối hợp tham gia các Đoàn giám sát của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh về các chuyên đề như bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong các đơn vị ngành than, công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư ở cấp xã...

Vai trò của người đứng đầu

Những kết quả trên đây phải kể đến vai trò của người đứng đầu tổ chức Hội trong việc tập hợp, bố trí lực lượng để thu thập thông tin, đánh giá thông tin đúng với bản chất từng vụ việc; sự chủ động của tổ chức Hội trong tham mưu nội dung giám sát, phản biện gắn nhiệm vụ đặc thù của Hội với nhiệm vụ chung của Cơ quan Khối MTTQ & các TC CT-XH; cách thức tổ chức thực hiện có sự đổi mới, sáng tạo, linh hoạt phù hợp yêu cầu thực tiễn; đội ngũ cán bộ tham mưu không ngừng học hỏi, rèn luyện chuyên môn, kỹ năng, bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Nắm chắc các vấn đề phụ nữ của địa phương thông qua các báo cáo, họp giao ban, qua các khóa tập huấn, qua tham gia sinh hoạt hội viên, đặc biệt thông qua các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp và các buổi đối thoại trực tiếp, từ đó Hội chủ động tham mưu, đề xuất các cấp ủy về chủ trương tiến hành giám sát nhằm tranh thủ sự lãnh đạo, định hướng của cấp ủy, nhất là việc tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề, giám sát trực tiếp.

Sau giám sát, các cấp Hội theo dõi chặt chẽ kết quả giải quyết kiến nghị, đề xuất sau giám sát với việc phân công đồng chí Thường trực Hội (lãnh đạo Ban Kiểm tra - Giám sát Cơ quan Khối cấp tỉnh) đăng ký và trực tiếp làm việc với các cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các đơn vị, địa phương được giám sát đề nghị quan tâm giải quyết các kiến nghị sau giám sát và phân công cán bộ, Ban chuyên môn theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, đơn vị để có kiến nghị tiếp theo.

Thực hiện chủ đề công tác năm 2020 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Hội LHPN nữ tỉnh Quảng Ninh tiếp tục chủ trì giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách lao động đối với lao động nữ tại các đơn vị dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh với mục tiêu kịp thời phát hiện, kiến nghị kịp thời những vấn đề tồn tại, bất cập và đề xuất chính sách đối với phụ nữ theo chỉ tiêu Nghị Quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.

Việt Dung

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video