Hội LHPN tỉnh Sơn La: Tích cực góp phần xóa mù chữ, chống tái mù chữ cho phụ nữ

11/02/2020
Hội LHPN tỉnh Sơn La và Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh vừa tổ chức tổng kết chương trình phối hợp về đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho phụ nữ giai đoạn 2014-2020; ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2020-2025.
Khai giảng lớp xóa mù chữ tại bản Tặc Tè nă, 2018-2019

Báo cáo tại chương trình tổng kết nêu rõ, giai đoạn 2014-2020, Hội LHPN tỉnh và Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã phối hợp có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trên địa bàn tỉnh, trong đó đối tượng được đặc biệt quan tâm là phụ nữ và trẻ em gái.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, vận động phụ nữ và trẻ em gái chưa biết chữ hoặc có nguy cơ tái mù chữ tham gia các lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ được các cấp Hội xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên; chủ động phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo và các cơ quan, đơn vị, vũ trang nhân dân, các đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư tham gia công tác chống mù chữ; Tổ chức điều tra, khảo sát, thực trạng phụ nữ mù chữ, tái mù chữ trong toàn tỉnh.

Từ năm 2015 đến tháng 4/2019, toàn ngành giáo dục đã huy động, bố trí 336 giáo viên, cán bộ trực tiếp tham gia công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; ngoài ra một số đồn biên phòng cũng đã cử cán bộ tham gia dạy xóa mù chữ cho một số bản, xã thuộc địa bàn vùng biên giới của tỉnh nơi đơn vị đóng. Hàng năm mở các lớp xóa mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái vào thời gian nông nhàn, tránh mùa vụ để thu hút tối đa học viên theo học. Việc tổ chức dạy học, quản lý lớp học xóa mù chữ được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình Xóa mù chữ và Giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ. Đối với phụ nữ, trẻ em gái mù chữ lần đầu huy động tham gia học được học theo chương trình xóa mù chữ với thời lượng đảm bảo theo quy định 1.500 tiết học (Giai đoạn I - tương đương trình độ lớp 3). Đối với đối tượng phụ nữ, trẻ em gái đã hoàn thành Chương trình xóa mù chữ (giai đoạn I) được tiếp tục huy động ra lớp, thực hiện theo Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ (giai đoạn II) với thời lượng đảm bảo theo quy định 1.080 tiết học (tương đương trình độ lớp 5).

Các hình thức tổ chức lớp học xóa mù chữ cũng được tổ chức linh hoạt, có thể theo từng bản, cụm bản hoặc được huy động tập trung về trường học có điều kiện trên địa bàn, một lớp học tối thiểu trên 10 học viên, tối đa không quá 50 học viên; một số đơn vị thực hiện mô hình lớp học ghép (vừa có học viên học xóa mù chữ, vừa có học viên theo học lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ).

Kết quả, từ năm 2014 đến năm 2020: Toàn tỉnh đã mở được 377 lớp với 11.595 học viên. 100% các trường nội trú, bán trú phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện, thành phố, chi hội phụ nữ cơ sở xây dựng mô hình “vườn rau cho con” tại các trường học trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần cải thiện bữa ăn cho học sinh, đồng thời rèn luyện ý thức, tinh thần yêu lao động của học sinh.

Trong quá trình thực hiện chương trình phối hợp có một số khó khăn như: Đa số phụ nữ, trẻ em gái mù chữ hoặc tái mù chữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn do đó, rất khó khăn cho công tác tuyên truyền vận động ra lớp và tổ chức lớp học xóa mù chữ. Phụ nữ và trẻ em gái còn mù chữ thường bị chi phối bởi công việc gia đình hoặc còn nặng về tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tham gia lớp hoặc tham gia rồi vẫn có ý định bỏ học giữa chừng; Một số đơn vị cơ sở không thể mở được lớp xóa mù chữ theo nhu cầu; Việc hoàn thiện thủ tục hồ sơ dạy lớp xóa mù chữ, sau xóa mù chữ ở một số đơn vị trường học còn chậm, có nơi hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định.

Nhằm nâng cao chất lượng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mù chữ, tái mù chữ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sơn La, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo ký kết kế hoạch phối hợp giai đoạn 2020 -2025. Trọng tâm là cải tiến chất lượng giáo dục thực chất và bền vững. Nâng cao chất lượng học tập của học sinh lớp 12, quyết tâm nâng tỷ lệ học sinh tốt nghiệp kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 và những năm tiếp theo; Phối hợp nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của gia đình học sinh để cùng tháo gỡ, giải quyết, nhằm góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục học sinh; Phối hợp tham gia tuyên truyền góp phần củng cố, duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xoá mù chữ; Phối hợp tuyên truyền, vận động học sinh nữ không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Bình An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video