Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa: Giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động mô hình ‘Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”

28/03/2019
Hội nghị giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” năm 2019 do Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa tổ chức có sự tham dự của 330 đại biểu đại diện cho các mô hình “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” tại 27 huyện, thị, thành phố.

Mô hình “địa chỉ tin cậy” của Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa dựa trên hình thức hoạt động xã hội tình nguyện tại cộng đồng, là nơi tiếp nhận thông tin, tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn cho nạn nhân; bảo đảm bí mật thông tin về người báo tin và nạn nhân.

Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong gia đình; tuyên truyền nâng cao ý thức của cộng đồng và vai trò của mỗi người dân trong công tác phòng chống bạo lực gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh xây dựng được 1.300 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, qua đó góp phần hòa giải 2.716 vụ mâu thuẫn gia đình có liên quan đến bạo lực gia đình, tư vấn cho 3.485 người. Chị em là nạn nhân được tư vấn, cung cấp số điện thoại để liên lạc khi cần thiết,được hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất, tổ hùn vốn, góp vốn xoay vòng để giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nâng cao quyền năng cho phụ nữ ; tham gia các mô hình, các câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc... Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ hiệu quả của mô hình, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng đã được hàn gắn, thuận hòa, từ đó chị em ngày càng tin tưởng, phấn khởi và tích cực tham gia vào các phong trào và hoạt động của Hội.

Thông qua mô hình Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, nhận thức hội viên phụ nữ nói riêng, của cộng đồng nói chung đã được nâng lên rõ rệt, các nạn nhân đã mạnh dạn tố cáo hoặc nhờ các cơ quan, các ngành chức năng can thiệp, xử lý khi có các vụ việc xảy ra. Cộng đồng mạnh dạn lên tiếng báo tin khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, từ đó giúp các ngành chức năng kịp thời giải quyết, hạn chế được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Riêng các đối tượng bạo lực gia đình sau khi được tuyên truyền, giải thích thì hầu hết đã dần chuyển biến nhận thức thay đổi hành vi, ít có trường hợp tái phạm, góp phần mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại địa phương cũng còn gặp phải một số khó khăn  như: nguồn kinh phí duy trì hoạt động của mô hình còn hạn hẹp, thiếu trang thiết bị hỗ trợ và các nhu cầu thiết yếu khác cho các nạn nhân; một số nạn nhân có tính cam chịu không dám mạnh dạn tố cáo hành vi bạo lực, lo sợ bị dị nghị nên khó khăn khi tiếp cận để giúp đỡ nạn nhân Bên cạnh đó, còn tâm lý lo ngại khi cho chị em bị bạo lực gia đình tạm lánh tại nhà gặp nhiều phiền toái như gia đình nạn nhân chửi mắng, đe dọa. Việc hỗ trợ nạn nhân của hầu hết các địa chỉ tin cậy mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để hòa giải các vụ việc xảy ra...

Các đại biểu tập tham gia giao lưu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, đề xuất những giải pháp để tiếp tục duy trì, củng cố, nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình tại địa phương.

Nhật Linh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video