Hội LHPN Việt Nam chủ động tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới

01/07/2016
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để Hội LHPN Việt Nam tham gia các hoạt động liên quan đến góp ý xây dựng luật, giám sát và phản biện xã hội, trong đó phải kể đến Hiến pháp năm 2013, Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Từ các quy định có tính chất hành lang pháp lý đó, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở điều kiện thực tiễn, Hội LHPN Việt Nam đã cụ thể hóa Chiến lược trong các nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt là nhiệm vụ “Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện và giám sát luật pháp, chính sách về bình đẳng giới”.

Để góp phần từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, Hội đã tích cực tham mưu, đề xuất chính sách nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các vị trí quản lý, lãnh đạo. Trước kỳ bầu cử Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Hội đã đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư tăng cường chỉ đạo các cấp ủy nhằm đảm bảo tỷ lệ nữ cấp ủy của nhiệm kỳ. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp vừa qua, Hội đã đề xuất về tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đồng thời tích cực tham mưu, giới thiệu nguồn nữ ứng cử viên.

Hội đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và trong nước tổ chức nhiều Hội thảo về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị để thảo luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực của xã hội. Từ cơ sở đó, Hội đã tiếp thu, nghiên cứu và kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia có các chính sách để đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Việt Nam, đặc biệt là có những chính sách, cơ chế, quy định thúc đẩy bình đẳng giới trong kỳ bầu cử năm 2016.

Để nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới, các cấp Hội đã bám sát chức năng của Hộiđể đề xuất các chính sách đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ. Từ năm 2012 đến tháng 12/2015, các cấp Hội đã có 438 đề xuất chính sách gửi tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó nhiều đề xuất đã được ban hành thành chính sách, quy định. Trong đó, nổi bật là Chính sách nghỉ thai sản 6 tháng cho lao động nữ; giảm số năm đóng bảo hiểm của cán bộ nữ cấp cơ sở từ 20 năm xuống 15 năm; hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người; Chính sách hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020.

Cùng với tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng chính sách, trong những năm qua, các cấp Hội LHPN còn tích cực tham gia phản biện xã hội ở các cấp độ khác nhau. Các ý kiến phản biện của Hội tập trung chủ yếu vào những vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp có ảnh hưởng, tác động sâu sắc đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với Bộ Nội vụđánh giá tình hình thực hiện Nghị định 19/NĐ – CP, xây dựng và ban hành nghị định số 56/2012/NĐ- CP về quy định trách nhiệm của các bộ, ngành và UBND các cấp bảo đảm cho Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước. Nghị định đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/9/2012.

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục chú trọng công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, nâng cao năng lực cán bộ Hội trong công tác tham mưu, đề xuất chính sách, năng lực phản biện, giám sát và tham gia quản lý nhà nước để làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020.

Hồng Minh, Ban Chính sách LP TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video