Hội LHPN Việt Nam: Phòng, chống tội phạm lấy phòng ngừa từ trong mỗi gia đình làm trọng tâm

19/08/2016
Nỗ lực cùng các cấp các ngành trong công tác phòng, chống tội phạm, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai các hoạt động phòng, chống tội phạm trên quan điểm hướng các hoạt động về cơ sở với phương châm phòng ngừa là chính và lấy phòng ngừa từ trong mỗi gia đình làm trọng tâm, chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ, của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em không phạm tội và tệ nạn xã hội.

Hội nghị trực tuyến sơ kết toàn quốc đánh giá công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người 6 tháng đầu năm 2016 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP Trương Hòa Bình.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP tại hội nghị, 6 tháng đầu năm đã xảy ra 26.833 vụ phạm tội hình sự. Tuy giảm 4,66% so với cùng kỳ nhưng tội phạm giết người tăng 0.38%, tính chất phức tạp, nhất là các vụ giết người thân, do mâu thuẫn cá nhân bột phát khó phòng ngừa, ngăn chặn. Tội phạm kinh tế, tham nhũng, nổi lên là sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; tội phạm trên lĩnh vực thuế tiếp tục diễn ra với nhiều thủ đoạn khác nhau; tội phạm lừa đảo thông qua kinh doanh đa cấp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện 242 vụ, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Tội phạm và vi phạm phát luật về bảo vệ môi trường, trong đó nổi lên là vi phạm pháp luật trong xử lý chất thải diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Đáng lo ngại và báo động trước những vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…Tội phạm về ma túy cũng tiếp tục gia tăng, phát hiện nhiều đường dây ma túy, với số lượng lớn heroin, ma túy tổng hợp, có vụ hàng trăm bánh heroin, hàng chục kg ma túy tổng hợp. Việc sử dụng “cỏ Mỹ”, “lá khát” đang có chiều hướng gia tăng trong lứa tuổi thanh, thiếu niên. Tội phạm mua bán người phát hiện 174 vụ/232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

6 tháng qua, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138/CP về phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; chủ động tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành các chủ trương, chiến lược, kế hoạch chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm; phòng, chống mua bán người; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên, góp phần giảm 4,66% số vụ phạm pháp hình sự; tỷ lệ điều tra, phá án hình sự đạt 78,47 %; phát hiện tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, công nghệ cao, môi trường, ma túy nhiều hơn so với cùng kỳ 2015.

Cùng với nỗ lực chung của các cấp, các ngành, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống tội phạm gắn kết chặt chẽ với thực hiện các phong trào và nhiệm vụ trọng tâm của Hội, nhất là triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hoạt động phòng, chống tội phạm được đẩy mạnh trên quan điểm hướng các hoạt động về cơ sở với phương châm phòng ngừa là chính và lấy phòng ngừa từ trong mỗi gia đình làm trọng tâm, chú trọng phát huy vai trò của phụ nữ, của gia đình trong việc quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội; quan tâm tuyên truyền chiều sâu vào các đối tượng nguy cơ cao.

Hình thức truyền thông qua mô hình CLB cũng được các cấp Hội chú trọng. Tại hầu hết các tỉnh/thành Hội đều thành lập mô hình về phòng, chống tội phạm và TNXH. Thông qua hoạt động của các mô hình, hàng triệu lượt phụ nữ được tư vấn, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng về phòng, ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội … Bên cạnh đó, các cấp Hội phát động cán bộ, hội viên phụ nữ nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia tố giác tội phạm; gắn kết nhiệm vụ phòng, chống tội phạm với các hoạt động xóa đói giảm nghèo ở các địa bàn trọng điểm; hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc cho các đối tượng có nguy cơ; phụ nữ phạm tội hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng... Việc thực hiện đa dạng các hoạt động của Hội đã và đang có những đóng góp tích cực, hiệu quả vào trong công tác phòng, chống tội phạm nói chung.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, xây dựng chương trình thực hiện nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và triển khai có hiệu quả Kết luận 05 của Ban Bí thư về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 48 của Chính phủ.


Dịp này, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ cũng công bố quyết định về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ; thông qua Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030, Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020.
Ngọc Loan, Ban TG TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video