Hội LHPN Việt Nam thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh với thương binh, liệt sĩ

27/07/2007
Trong cuộc đời cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn biết ơn các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.

Tháng 6-1947, Bác đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “ngày thương binh toàn quốc” để toàn dân có dịp tỏ lòng biết ơn những người có công với cách mạng. Và hội nghị đại biểu nhân dân năm 1947 đã nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm là “Ngày Thương binh toàn quốc”. (Từ năm 1955 đến nay, “Ngày Thương binh toàn quốc” 27-7 được đổi thành “Ngày Thương binh, Liệt sĩ” ).

Ngày 27-7-1947 tại xã Hùng Sơn, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên, đại diện Ðảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Ðoàn thanh niên, Nha thông tin, Cục Chính trị quân đội, chính quyền huyện Ðại Từ, bộ đội, nhân dân địa phương đã mít-tinh để nghe công bố bức thư đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban tổ chức ngày thương binh và ghi nhận sự ra đời "Ngày thương binh toàn quốc". Trong đó Bác viết: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa... Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh”. Và Bác đã giải thích: Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc và đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu... Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngày 27-7 là dịp để đồng bào tỏ rõ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh... nên coi đó là một nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh, không nên coi đó là một việc làm phúc”. Bác đề nghị: việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mọi người ...tùy theo khả năng mà tham gia”.

Không chỉ kêu gọi, động viên toàn Đảng, toàn dân phải chăm lo giúp đỡ thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ , gia đình có công với cách mạng; Bác Hồ còn là người luôn tiên phong, đi đầu trong các hoạt động nghĩa tình. Tại lễ kỷ niệm “Ngày thương binh toàn quốc” 27-7-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “xung phong gửi một chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là 1.127 đồng” để giúp đỡ thương binh, gia đình thương binh, liệt sĩ. Và lúc Người còn sống, cứ đến ngày 27/7 Người đều gửi thư và quà tặng các thương binh, gia đình liệt sĩ...Đặc biệt, dù bận công việc của một Chủ tịch nước nhưng hàng năm Người vẫn dành thời gian đến các trại điều dưỡng, bệnh viện; đến các gia đình thương binh, liệt sỹ để thăm hỏi, động viên các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, thương binh; hoặc đón tiếp thương binh, thân nhân liệt sỹ tại Phủ Chủ tịch. Lời động viên sâu sắc của Người: “Các chú tàn nhưng không phế” đã tiếp thêm sức mạnh, thành phương châm sống của hàng vạn thương binh tiếp tục đóng góp sức mình cho gia đình, quê hương, đất nước.

Ðối với Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao vai trò giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ của các bà, các mẹ, các chị, các em gái. Năm 1948, Người đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành lập "Hội mẹ chiến sĩ", "Hội ủng hộ thương binh" để chăm lo cho thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng hiệu quả, thiết thực hơn.

Thực hiện ý nguyện của Người,
phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, trong những năm qua, hoạt động của các "Hội mẹ chiến sĩ", "Hội ủng hộ thương binh" trong thời kỳ kháng chiến và các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”... do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân và các tầng lớp phụ nữ tham gia bằng tấm lòng cao cả, nhân ái, biết ơn chân thành. Chỉ tính 5 năm (2002-2007), các cấp Hội LHPN trong cả nước đã nhận chăm sóc 2.133 Mẹ Việt Nam Anh hùng và mẹ liệt sĩ cô đơn; vận động đóng góp giúp các gia đình chính sách trị giá tiền, quà trên 74 tỷ đồng, xây dựng mới hơn 11.000 nhà tình thương, tình nghĩa, sửa chữa nâng cấp gần 2.500 nhà với tổng trị giá 351 tỷ đồng; giúp vốn sản xuất cho hơn 300.000 phụ nữ gia đình chính sách và gần 3 triệu ngày công lao động; tặng gần 30.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 12 tỷ đồng và quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ nhân ngày lễ, tết trị giá hơn 44 tỷ đồng. Riêng cơ quan T.W Hội LHPN Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, cán bộ, nhân viên, lao động đã đóng góp hơn 64 triệu đồng, phụng dưỡng 2 Mẹ VNAH và ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 85 triệu đồng.

Những việc làm của phụ nữ Việt Nam so với sự hy sinh đóng góp của các các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng dù còn nhỏ bé nhưng đã mang nặng tình cảm trân trọng, lòng biết ơn vô hạn, ý thức trách nhiệm của các cấp Hội và phụ nữ cả nước, thiết thực góp phần cùng nhân dân, các cơ quan, tổ chức thực hiện hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với các liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng. 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video