Hội LHPN Việt Nam và dịch vụ làm uỷ thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho phụ nữ nghèo vay vốn

04/12/2005
Xoá đói giảm nghèo và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương chính sách.

Là một tổ chức đoàn thể có chức năng đại diện chăm lo cho quyền lợi phụ nữ, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã nhận thức rất rõ và đầy đủ tầm quan trọng của việc XĐGN đối với sự phát triển, tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ. Nghèo đói thường dẫn tới thất học, bệnh tật, thiếu nhà ở, đe doạ hạnh phúc gia đình… Nó tác động đến mọi thành viên trong gia đình nhưng trứơc hết người chịu hậu quả nặng nề nhất thường là phụ nữ và trẻ em. Một số công trình nghiên cứu đã cho thấy phụ nữ hiện đang chịu nhiều bất lợi nên thường là người đầu tiên rơi vào tình trạng nghèo đói mà nguyên nhân chính là do thiếu cơ hội tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thức…

 

Thực hiện chủ trương XĐGN của Đảng và Chính phủ và nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ nghèo, trong nhiều năm qua, Hội LHPN đã chủ động đề ra các chương trình hành động thiết thực và vận động phụ nữ trong cả nước tham gia tích cực vào công tác xoá đói giảm nghèo cho phụ nữ. Hội chủ trương khơi dậy và phát huy truyền thống tương trợ giúp nhau, khai thác nguồn lực chính từ trong nội bộ chị em, động viên phụ nữ cả nước đoàn kết vượt khó. Đặc biệt, từ năm 2003, Hội đã ký kết với Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH ) làm uỷ thác cho phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh xoá đói giảm nghèo. Việc ký kết có ý nghĩa quan trọng, tạo ra cơ chế hoạt động phối hợp vì một mục tiêu có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, đồng thời cũng mở ra cơ hội cho những phụ nữ nghèo chăm chỉ cần cù sớm thoát khỏi nghèo đói, cải thiện đời sống. Tuy thời gian thực hiện chưa lâu nhưng với sự cố gắng nỗ lực và phối hợp chặt chẽ giữa Hội LHPN và NHCSXH nên hoạt động làm dịch vụ uỷ thác đã dạt kết quả rất đáng phấn khởi.

 

Tính đến tháng 9/2005, cả 64 tỉnh/thành Hội LHPN trong cả nước đã thực hiện hoạt động uỷ thác cho vay hộ nghèo với NHCSXH . Đã có 93.401 tổ phụ nữ tiết kiệm vay vốn được thành lập, 1.462.890 chị em nghèo được vay vốn với số dưgần 6.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng dư nợ của NHCSXH. Nhìn chung Hội LHPN cả 64 tỉnh/thành đều thực hiện có hiệu quả hoạt động dịch vụ uỷ thác. Trong đó có đến 25 tỉnh/thành có số dư nợ trên 100 tỷ đồng, đặc biệt Thanh Hoá dư nợ tới 252 tỷ đồng, Nghệ An 217 tỷ đồng. Có 11 tỉnh/thành dư nợ từ 80 đến dưới 100 tỷ đồng. Tỉnh có dư nợ thấp nhất cũng đạt 21tỷ đồng. Điều rất đáng phấn khởi là mặc dù chưa thoát nghèo nhưng với lòng tự trọng cao, chị em nghiêm chỉnh chấp hành quy định của Ngân hàng, hoàn trả vốn lãi rất sòng phẳng, đúng thời gian. Tỷ lệ hoàn trả xấp xỉ 98%. Có 14 tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%, đặc biệt tỉnh H­ưng Yên tỷ lệ hoàn trả là 100%. Hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An có dư nợ cao nhất nhưng tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp: Thanh Hoá 0,16%, Nghệ An 0,56%. Một số tỉnh có tỷ lệ nợ quá hạn không đáng kể như: Bình D­ương, Hải Dương 0,01% ...

 

Đạt được kết quả trên đây, trước hết là do nhận thức, ý thức trách nhiệm và tình cảm gắn bó, thấu hiểu, đồng cảm với phụ nữ nghèo của đội ngũ cán bộ Hội LHPN và NHCSXH các cấp. Giữa hai tổ chức đã có sự phối hợp chặt chẽ vì mục tiêu chung là góp phần hạ tỷ lệ nghèo đói của cả nước, cải thiện đời sống của phụ nữ. Thực hiện dịch vụ uỷ thác, chúng ta có thuận lợi là phụ nữ Việt nam vốn cần cù, năng động, chắt chiu, tiết kiệm. Khi có đồng vốn của Ngân hàng, nguồn lực quý giá nhất cùng với sự hỗ trợ , chia sẻ của cộng đồng, hoạt động tập huấn kiến thức và dạy nghề do Hội tổ chức chị em đã tần tảo một nắng hai sương sử dụng vốn vào chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ… tự tạo việc làm để có nguồn thu nhập cho gia đình. Khi có nguồn thu nhập chị em luôn có ý thức hoàn trả vốn lãi, đầu tư vào phúc lợi gia đình… Chính vì vậy, mà chị em đã tạo được niềm tin sâu sắc ở Ngân hàng, nguồn vốn cũng vì thế mà ngày càng tăng. Việc cho vay thông qua tổ/nhóm cũng là một cách làm tốt, tạo được sự hỗ trợ giúp nhau trong nội bộ chị em, phát huy được nguồn nội lực, nguồn vốn xã hội quý giá đó là truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta.

 

Kết qủa của việc thực hiện dịch vụ uỷ thác đã chứng tỏ việc ký kết giữa NHCSXH và Hội LHPN là một việc làm đúng, thực hiện chủ trương xã hội hoá chương trình XĐGN, huy động tổng lực tham gia XĐGN. Đối với Hội LHPN, thông qua việc thực hiện dịch vụ uỷ thác, Hội đã đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện quyền lợi ích chính đáng của phụ nữ. Hội viên thêm gắn bó, tin tưởng Hội ngày càng đến với với Hội nhiều hơn. Chính việc làm dịch vụ uỷ thác đã góp phần tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội lên gần 60% (vượt chỉ tiêu Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đề ra), củng cố tổ chức Hội, tăng tỷ lệ cơ sở hội đạt loại khá và xuất sắc. Việc thực hiện dịch vụ uỷ thác cũng đã góp phần nâng cao năng lực tổ chức điều hành và phối hợp của đội ngũ cán bộ Hội, đặc biệt cán bộ cơ sở.


Đối với NHCSXH, việc ký kết dịch vụ uỷ thác với Hội đã giúp Ngân hàng thực hiện được nhiệm vụ Chính phủ giao trong điều kiện mới thành lập, bộ máy chưa ổn định, hoàn chỉnh, như vậy cũng sẽ vừa tiết kiệm được nguồn lực mà đồng vốn đến với phụ nữ nghèo nhanh hơn, đúng đối tượng. Việc giám sát sử dụng vốn được tăng cường.

 

Thời gian thực hiện dịch vụ uỷ thác chưa nhiều, vì vậy, sắp tới để đạt được kết quả cao hơn, cả hai bên cần phải phối hợp chặt chẽ hơn, mở rộng địa bàn cho vay, nhất là vùng sâu,vùng xa. Theo số liệu thì một số tỉnh có tỷ lệ nghèo cao nhưng số dư còn thấp, một số tỉnh tỷ lệ nợ quá hạn còn cao. Đặc biệt, cả hai ngành cần có đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành như Lao động Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chương trình dạy nghề và khuyến công cho những phụ nữ nghèo được vay vốn  đảm bảo sử dụng vốn uỷ thác thực sự có hiệu quả là hết nghèo đói và hoàn trả được vốn, lãi.

 

Tin rằng với những gì đã đạt được, việc thực hiện dịch vụ uỷ thác giữa Hội LHPN và NHCSXH sẽ còn gặt hái nhiều thành công.

Nguyễn Thị Thanh Hoà - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video