Hội LHPN Vĩnh Phúc góp phần nâng cao tỷ lệ và chất lượng nữ ĐBQH và HĐND các cấp

13/05/2016
62,5% nữ ứng cử ĐBQH, 44% nữ ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 39,1% nữ ứng cử đại biểu HĐND huyện và 35,8% nữ ứng cử HĐND xã là kết quả đáng ghi nhận của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Phúc trong việc góp phần thực hiện mục tiêu trên 35% nữ trong danh sách chính thức người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Các ứng cử viên nữ từ cấp huyện trở lên đều có trình độ, phẩm chất tốt và được được tín nhiệm cao.

Để có được kết quả đó, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã tích cực cùng các cấp, các ngành tăng cường công tác chuẩn bị bầu cử. Tổ chức quán triệt, phổ biến những nội dung của cuộc bầu cử đến mọi hội viên, phụ nữ, chú trọng đến điểm mới của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; các văn bản chỉ đạo công tác bầu cử của Trung ương, của tỉnh, của địa phương. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về cuộc bầu cử, trách nhiệm của các cấp Hội và hội viên phụ nữ trong việc thực hiện chủ trương của Đảng đảm bảo ít nhất 35% người trong danh sách ứng cử viên chính thức ĐBQH và HĐND các cấp là nữ và tỷ lệ nữ trúng cử ít nhất 30%. Hội LHPN tỉnh đã phát hành liên tục 2 số Thông tin phụ nữ với trên 5.000 cuốn đăng tải những nội dung mới của Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; trách nhiệm của các cấp Hội phụ nữ tham gia công tác bầu cử làm tài liệu sinh hoạt hội viên cho các chi, tổ phụ nữ.

Hội LHPN tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp góp phần tăng tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 với Ủy ban MTTQ tỉnh. Kế hoạch tập trung vào các nội dung: phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân về vị trí, vai trò, năng lực của phụ nữ, về bình đẳng giới và công tác bầu cử; phối hợp tham mưu, đề xuất xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử để đảm bảo đạt tỷ lệ nữ theo chủ trương của Đảng như: quy định tỷ lệ nữ ứng cử viên đại biểu HĐND không dưới 35%, không kết hợp quá nhiều cơ cấu cho một người ứng cử; thực hiện nguyên tắc bình đẳng về trình độ, vị trí công tác trong lập danh sách người ứng cử chính thức tại một đơn vị bầu cử; quy định tỷ lệ nữ đảm bảo mục tiêu bình đẳng giới, trong các tổ chức bầu cử ở địa phương…

Cùng với đó, các cấp Hội chú trọng đến công tác phát hiện, giới thiệu nữ ứng cử viên; hỗ trợ nữ ứng cử viên trước và trong kỳ bầu cử bằng các chương trình tập huấn nâng cao năng lực như: chương trình tập huấn Sẵn sàng để thành công” (TW Hội hỗ trợ) cho ứng cử viên tiềm năng tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp; chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng vận động ứng cử cho nữ lần đầu tham gia ứng cử HĐND tỉnh, huyện (phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của tỉnh). Hội LHPN các cấp đã tổ chức được 9 lớp tại 9/9 huyện, thành, thị cho 1.186 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia đại biểu HĐND cấp xã với các nội dung: kiến thức về Quốc hội và HĐND, nghĩa vụ, quyền hạn của ĐBQH, đại biểu HĐND; phương pháp, kỹ năng xây dựng chương trình hành động; kỹ năng trình bày, giao tiếp, ứng xử để xây dựng hình ảnh đẹp, tạo ấn tượng tốt và tin tưởng đối với cử tri.

Các cấp Hội cũng đã kịp thời đề xuất với Ban chỉ đạo, Ủy ban bầu cử các cấp đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử viên; sắp xếp ứng cử viên nữ theo đơn vị bầu cử đảm bảo chất lượng và có cơ hội trúng cử cao nhất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, hội viên tham gia đầy đủ các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, trực tiếp đi bầu cử và sáng suốt lựa chọn những ứng cử viên đủ đức, đủ tài tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video