Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ đơn thân

02/07/2008
Với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho chị em phụ nữ, trong nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã có nhiều biện pháp cụ thể hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, đặc biệt là đối với những chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có những phụ nữ đơn thân.

Theo khảo sát tại thời điểm tháng 4/2007, toàn thành phố có trên 5.150 phụ nữ đơn thân (trong đó riêng huyện Sóc Sơn chiếm gần 50%).

Chị Công Thị Minh Lợi- Trưởng Ban Gia đình-Xã hội, Hội LHPN Hà Nội cho biết: Kể từ khi Thành hội được lựa chọn triển khai Chương trình “Tăng cường cơ hội tiếp cận kinh tế- xã hội cho những phụ nữ đơn thân và goá phụ để giảm nhẹ khó khăn trong cuộc sống” từ Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, công tác hỗ trợ phụ nữ đơn thân đã có sự thay đổi về chất.

Để chương trình đạt hiệu quả, Thành hội đã tiến hành khảo sát tất cả phụ nữ đơn thân trên địa bàn thành phố; đồng thời xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai, trong đó có việc thành lập Ban Quản lý dự án và Văn phòng Tư vấn hỗ trợ phụ nữ đơn thân trực thuộc. Sau khi khảo sát, Văn phòng cũng xây dựng tiêu chí để giúp các cấp hội cơ sở lựa chọn đối tượng cho chính xác; đồng thời thành lập 7 CLB phụ nữ đơn thân tại huyện Sóc Sơn để tập hợp và giúp đỡ chị em.

Nội dung quan trọng nhất của chương trình là hỗ trợ chị em vay vốn làm ăn phát triển sản xuất. Với đặc thù là nơi có đông đối tượng chị em nhất (274 chị đang tham gia sinh hoạt CLB phụ nữ đơn thân), Hội đã lựa chọn xã Đông Xuân (Sóc Sơn) là địa bàn thực hiện công tác này. Do đa số đều có mong muốn được vay với lãi suất ưu đãi, trong khi nguồn vốn của chương trình còn có hạn (80 triệu đồng), nên Thành hội đã huy động thêm 100 triệu đồng từ nguồn tự có cho tổng số 36 chị được vay. Để việc quản lý cho vay và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, Ban Quản lý Dự án và Văn phòng Tư vấn đã xây dựng quy chế về vốn vay với điều kiện người vay phải là thành viên tích cực tham gia hoạt động của CLB phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn, chưa được vay vốn lần nào và có khả năng hoàn trả cả vốn và lãi. Ngoài ra, còn phải được CLB bình xét đồng ý cho vay, phải tham gia tiết kiệm tự nguyện và bắt buộc với thời hạn vay là 12 tháng, mức lãi suất 0,65%/tháng. Ngoài ra, Thành hội còn tìm nguồn tài trợ từ các công ty, doanh nghiệp để hỗ trợ vốn không hoàn lại cho 2 phụ nữ đơn thân của huyện Thanh Trì với số tiền là 2 triệu đồng; chỉ đạo các cấp hội khai thác từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội để các phụ nữ khác vay.

Sau khi các thành viên nhận vốn, hàng tháng Ban Quản lý Dự án đều phối hợp cùng Ban Chủ nhiệm CLB và Ban Thường vụ Phụ nữ các xã kiểm tra việc sử dụng của các thành viên. Kết quả bước đầu cho thấy, hoạt động này đã đem lại nhiều lợi ích, góp phần cải thiện một phần cuộc sống khó khăn, vất vả của chị em. Cũng từ nguồn vốn này, chị em đã biết cách thức xây dựng kế hoạch làm ăn như chăn nuôi, trồng trọt; đồng thời mạnh dạn tham gia sinh hoạt CLB với nhiều nội dung phong phú như toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm sử dụng vốn đạt hiệu quả, chuyển giao khoa học kỹ thuật; cách nuôi dạy con, chăm sóc SKSS, văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao... Từ đó xoá đi mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống.

Bên cạnh cho vay vốn, chương trình còn tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho 10 chị em về các nghề như: may công nghiệp, làm đầu; cắm tỉa hoa; nấu ăn, tin học. Qua kiểm tra, theo dõi, giám sát cho thấy, các chị đều tích cực tham gia học tập, đến nay đã có 4 chị học xong nghề uốn tóc và được cấp chứng chỉ, trong đó 1 chị đã mở được cửa hàng làm đầu, 2 chị đã học xong lớp cắm tỉa hoa và tin học.

Dự án còn hỗ trợ con phụ nữ đơn thân, góa phụ vươn lên trong học tập trên cơ sở tiêu chí chọn học sinh có thành tích cao tại các trường. Tháng 1/2008, Văn phòng tư vấn đã xét duyệt để trao học bổng cho 10 cháu thi đỗ đại học năm 2007, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng và tặng quà Tết Mậu Tý cho 11 cháu là con phụ nữ đơn thân, mỗi suất 100 nghìn đồng. Ngoài ra, Thành hội còn khai thác từ các nguồn tài trợ khác để hỗ trợ tiền học hàng tháng cho 11 cháu là con phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt, mỗi cháu từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng.

Sau hơn 8 tháng triển khai, cùng với sự giúp đỡ của Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam và sự tài trợ của Công ty Jonhson & Jonhson, có thể nói, chương trình hỗ trợ phụ nữ đơn thân ở Hà Nội đã được triển khai có hiệu quả, được các cấp hội hưởng ứng nhiệt tình và các cấp chính quyền đánh giá cao. Các cơ sở cũng đã thấy được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc quan tâm, chăm lo đến những đối tượng là phụ nữ đơn thân. Bản thân chị em cũng cảm nhận được sự quan tâm của xã hội, xoá đi mặc cảm, tự ti trong cuộc sống. Qua nội dung sinh hoạt của CLB phụ nữ đơn thân, các chị còn tăng hiểu biết và thực hiện tốt hơn các chính sách của Nhà nước, nâng cao kiến thức về văn hoá, ứng xử của người phụ nữ Thủ đô.

Tuy nhiên, do nguồn vốn chương trình còn nhỏ, mặc dù Hội LHPN thành phố đã hỗ trợ thêm 100 triệu đồng song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của chị em. Bên cạnh đó, việc giới thiệu học nghề cho phụ nữ đơn thân còn nhiều khó khăn vì đa số phụ nữ đơn thân trình độ còn hạn chế, độ tuổi đã cao, hàng ngày phải bươn trải cuộc sống nên việc thu xếp để theo học một nghề trong thời gian dài là tương đối khó; đa số chị em đều có mong muốn được cho con cái học nghề thay cho mình. Chính vì vậy, Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội đã kiến nghị với Trung ương và nhà tài trợ tăng nguồn vốn để có nhiều chị em hơn nữa được tiếp cận với chương trình; đồng thời xem xét dạy nghề cho con phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn để các cháu có một nghề nghiệp ổn định; xem xét nâng mức hỗ trợ cũng như kéo dài thời gian cấp học bổng để các em có điều kiện học tốt hơn.

Với mong muốn có thêm nhiều phụ nữ đơn thân ở Hà Nội được tiếp cận chương trình, Thành hội dự kiến sẽ mở rộng hoạt động tới 24 xã ở huyện Sóc Sơn; đồng thời tập trung đầu tư, củng cố, kiện toàn và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các CLB phụ nữ đơn thân đã thành lập để giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục thành lập thêm các CLB ở những xã có nhiều phụ nữ đơn thân khó khăn. Thành hội cũng sẽ tăng cường cho vay vốn và mở các lớp dạy nghề lưu động tại các xã để chị em và con em họ có thể vừa học nghề, vừa tham gia sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình.

Bộ LĐTBXH

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video