Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam: 75 năm xây dựng và trưởng thành

01/11/2005
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói : “Giang sơn gấm vóc Việt Nam là do phụ nữ Việt Nam, trẻ cũng như già dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Thực tế lịch sử đã chứng minh, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hay cuộc sống thường nhật, phụ nữ Việt Nam có vị trí, vai trò rất to lớn.

Sớm xác định được vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đánh giá cao khả năng của nữ giới: “Lực lượng phụ nữ là một lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thể thắng lợi được” . Ngay sau khi Đảng ta ra đời, ngày 20 – 10 – 1930, Hội phụ nữ phản đế Việt Nam được thành lập (tổ chức tiền thân của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam). Tôn chỉ mục đích của Hội liên hiệp phụ nữ (HLHPN) Việt Nam là tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ theo đường lối của Đảng.


Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ khi ra đời, HLHPN Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong công tác vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, 1936 - 1939, 1939- 1945, dưới sự lãnh đạo của Hội, phụ nữ Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của mình.


Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, HLHPN Việt Nam có nhiều phong trào động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất, chiến đấu, xây dựng hậu phương vững mạnh..., điển hình như phong trào “Năm tốt”, phong trào “Ba đảm đang”. Ở miền Nam, nơi trực tíêp đương đầu với đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhiều chị em đã tích cực tham gia lực lượng vũ trang, giao thông liên lạc, trực tiếp đấu tranh với kẻ thù. Chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt, đông đảo chị em miền Bắc tham gia phong trào thi đua, bảo vệ và xây dựng hậu phương vững mạnh, chi viện cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến. Vượt qua mọi khó khăn, thử thách, các tầng lớp phụ nữ cả nước vươn lên lập nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu, viết tiếp trang sử vẻ vang của phụ nữ Hai Bà Trưng.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghiã xã hội, HLHPN Việt Nam tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình, động viên chị em tiếp tục phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong lao động sản xuất, xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.


Trong những năm 1975 - 1986, mặc dù đời sống kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự chỉ đạo của Hội, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, thiết tha gắn bó với chủ nghiã xã hội, kiên trì chịu đựng gian khổ, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất, công tác và trong xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, đồng thời đấu tranh chống tiêu cực, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng.


Từ năm 1986, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước. Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI HLHPN Việt Nam (tháng 5/1987), đã chỉ rõ nhiệm vụ của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước: đoàn kết, đẩy mạnh phong trào “người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, góp phần thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, tham gia cuộc vận động làm trong sạch tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, tham gia xây dựng và giám sát, kiểm tra việc thực hiện những luật pháp, chính sách có liên quan đến phụ nữ, trẻ em, tích cực tham gia phong trào phụ nữ thế giới đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội...


Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nói chung, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước nói riêng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm tới sự phát triển của phụ nữ, không chỉ vì phụ nữ là một nửa của xã hội, mà còn vì phụ nữ nước ta thực sự có vị trí, vai trò quan trọng trong mọi thời kỳ phát triển của lịch sử dân tộc. Đó là điều đã được Đảng khẳng định. Trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, như Nghị quyết số 04 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới (ngày 12/7/1993), Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới (ngày 16/5/1994),... Đảng ta nhiều lần đặt vấn đề về việc quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo cán bộ nữ, nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong các ngành, khuyến khích tài năng nữ phát triển...


Trong sự nghiệp đổi mới đất nước những năm vừa qua, phụ nữ Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, thể hiện rõ năng lực và khẳng định mình, đại bộ phận cơ quan quản lý hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp, trên mọi lĩnh vực, đều có sự tham gia góp mặt của “phái yếu”. Phụ nữ Việt Nam chiếm 50,3% số người làm công ăn lương, 32,4% là chủ doanh nghiệp; 61% những người có trình độ cao đẳng, 34% là đại học; 30% là thạc sĩ; 21% tiến sĩ; 4% là tiến sĩ khoa học; 6,3% là cán bộ của các cơ sở nghiên cứu; 10% là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước.

Số lượng cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo và quản lý nhà nước các cấp từ Trung ương đến cơ sở chiếm khoảng 20%. Trong đó, số nữ uỷ viên Trung ương Đảng khoá VII là 12, khoá VIII là 18, nhưng đến khoá IX còn 12. Ở cấp tỉnh, tỉnh uỷ viên là nữ cũng tăng từ 182 (khoá VII) lên 280 (khoá VIII). Phụ nữ tham gia các cấp uỷ địa phương đạt 10 – 11%, trong đó bí thư, phó bí thư, uỷ viên thường vụ đạt từ 3 – 8%. Về chính quyền, trong khóa VIII (1996 – 2000), tỷ lệ nữ Bộ trưởng và tương đương chiếm 13,1%; nữ thứ trưởng và tương đương chiếm 7,4%; nữ vụ trưởng, vụ phó và tương đương chiếm 13%. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện và xã có khoảng 1,6% là nữ.


Hiện nay, số cán bộ công chức nữ tham gia công tác quản lý trong hệ thống chính quyền các cấp nhiều hơn so với trước: 1 phó Chủ tịch nước, 3 Bộ trưởng, 26 thứ trưởng và tương đương, 2 chủ tịch UBND, 22 phó chủ tịch UBND tỉnh.


Mặc dù, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương cụ thể, chính sách rõ ràng, song tỷ lệ nữ cán bộ công tham gia quản lý còn ít. Tỷ lệ nữ cán bộ công chức là lãnh đạo trong các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành và các cơ quan nghiên cứu khoa học cũng rất thấp. Số cán bộ nữ tham gia lãnh đạo ở cấp bộ, vụ chỉ khỏang 8–15%. Cán bộ nữ đã ít, lại bị hạn chế bởi tuổi nghỉ hưu và tuổi đề bạt. Hiện nay, cơ cấu tuổi cán bộ nữ khá cao, hầu hết cán bộ nữ làm quản lý đều ở tuổi trên 50, trong khi nhiều nữ thanh niên hiện nay ngại làm chính trị, chỉ thích làm chuyên môn.

Những năm qua, tuy số lượng phụ nữ tham gia quản lý nhà nước tăng lên về con số tuyệt đối, song tỷ trọng lại có xu hướng giảm. Tỷ lệ nữ cán bộ công chức công tác trong các cơ quan dân cử ít hơn so với nam giới. Số nữ đảm nhiệm chức vụ cao trong các cơ quan này lại càng ít. Nhiệm kỳ 1989-1994 và 1994-1999, nữ Chủ tịch HĐND đạt tỉ lệ thấp, ít nhất 1,1 % và cao nhất là 9%. Tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội qua các khoá đã giảm dần. Nếu như nhiệm kỳ 1971–1976 là 32%, 1976–1981 còn 22%, 1987-1992 là 18%, nhiệm kỳ 1992–1997 nhích lên 18,5%.


Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số lĩnh vực quan trọng làm cho việc hoạch định kế họach, chính sách không có tiếng nói đại diện của phụ nữ, dẫn đến việc thực hiện bình đẳng giới về mọi mặt chưa đạt kết quả như mong muốn.


Ngày nay, xã hội đã phải công nhận phụ nữ chẳng những là yếu tố của phát triển, mà còn là mục tiêu của sự phát triển. Sự tiến bộ của phụ nữ không chỉ là lợi ích riêng của phụ nữ, của gia đình mà còn là lợi ích chung của toàn xã hội. Từ nhận thức đó, trong thời gian tới, cần:


- Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về giới để các cấp, các ngành, và mọi người nhận thức ngày càng đúng đắn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, khả năng to lớn của người phụ nữ trong xã hội, đi tới bỏ về căn bản những định kiến về giới, nhất là tư tưởng coi thường phụ nữ vẫn còn tồn tại ở các giai tầng xã hội. Công việc này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, vì những nhận thức xưa cũ đã tồn tại lâu đời, không phải chỉ trong một thời gian ngắn có thể thay đổi được.

- Cần có những chính sách cụ thể về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ, như về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bởi vậy, cần tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội, để chị em có điều kiện phát huy tài năng, trí tuệ và sức của mình cho sự phát triển xã hội.

- Đảng và Nhà nước phải có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao dân trí, trình độ chính trị, chuyên môn cho phụ nữ nói chung, nhất là đối với phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng điều kiện có nhiều khó khăn, cũng như quan tâm đến cán bộ nữ trẻ có năng lực, đạo đức và khả năng quản lý để đào tạo họ trở thành cán bộ lãnh đạo ở các cấp...

Quan tâm, bồi dưỡng phát triển vì sự tiến bộ của phụ nữ là trách nhiệm của toàn Đảng, các cấp chính quyền, nhưng trước tiên và trực tiếp là HLHPN các cấp. Hội vừa là cơ quan tham mưu của Đảng, chính quyền về công tác phụ nữ, vừa là đại diện, cầu nối giữa quần chúng phụ nữ với Đảng, vừa là nơi tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng, giáo dục tổ chức các phong trào do phụ nữ thực hiện. Vì vậy, HLHPN các cấp đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược của Đảng “Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam”, để Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam luôn xứng đáng với danh hiệu mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng HLHPN Việt Nam: Huân chương Hồ Chí Minh và Huân chương Sao Vàng.

Nguyễn Thị Chinh-Học viện CTQG Hồ Chí Minh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video