Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp về bình đẳng giới

30/08/2009
Giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng của Hội LHPN Việt Nam. Trang Web Hội LHPN Việt Nam xin giới thiệu tài liệu về nội dung này để giúp cán bộ Hội thực hiện trong công tác của mình.

1. Khái niệm

Theo Từ điển Luật học, giám sát là sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động, thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp tích cực để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, đảm bảo cho pháp luật được tuân theo nghiêm chỉnh.

Giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới là việc các cấp Hội theo dõi quá trình thực hiện các quy định về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân đối với phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới; các quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ và nam giới trong từng lĩnh vực. Trên cơ sở điểm mạnh và những vướng mắc, bất cập được phát hiện qua giám sát, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng cấp hoặc cấp trên về nội dung, cách thức và mức độ tiếp tục thực thi các chính sách hoặc văn bản quy phạm pháp luật có hiệu quả.

Chính sách, pháp luật về bình đẳng giới là những chính sách, pháp luật mà đối tượng điều chỉnh hoặc tác động của nó liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến phụ nữ và nam giới (bao gồm cả trẻ em gái và trai) trong tất cả các mối quan hệ và các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Bên cạnh đó, có một số văn bản quy phạm pháp luật và chính sách quy định riêng cho phụ nữ. Trong đó, một số quy định là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới, còn lại phần lớn là các chính sách hỗ trợ phụ nữ với tư cách là người mẹ.

2. Mục đích:

Đối với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, giám sát không chỉ thực hiện quyền và trách nhiệm giám sát theo quy định của pháp luật, mà còn thực hiện có hiệu quả chức năng dân chủ đại diện cho các tầng lớp phụ nữ theo Điều lệ Hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong tham gia quản lý nhà nước và phản biện xã hội đối với các chính sách, pháp luật.

Kết quả giám sát là đầu vào quan trọng cho hoạt động tham gia xây dựng, đề xuất chính sách, pháp luật và phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và chính sách. Đồng thời, nó cũng là kinh nghiệm quý báu cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và giải quyết đơn thư.

3.Các bước tiến hành giám sát

3.1. Chuẩn bị:

a) Xác định loại văn bản quy phạm pháp luật, chính sách được giám sát

Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện tại hệ thống pháp luật Việt Nam có khoảng trên 13.000 văn bản các loại, bao gồm Hiến pháp, Bộ Luật, Luật, pháp lệnh, Nghị định, Thông tư…

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật này điều chỉnh tất cả các quan hệ xã hội trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình với đối tượng điều chỉnh không loại trừ một ai, một tổ chức cá nhân nào, không phân biệt nam, nữ (đối với văn bản luật) và những nhóm đối tượng đặc thù (đối với chính sách). Điều này có nghĩa là phạm vi các quy định liên quan đến phụ nữ, mục tiêu bình đẳng giới và vai trò, trách nhiệm của Hội là rất rộng lớn.

Trong các loại văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, có những văn bản mang tính độc lập, nhưng cũng có khá nhiều văn bản có mối liên hệ với nhau khi chúng quy định về cùng một vấn đề. Ví dụ: Luật Bình đẳng giới, Chỉ thị số 10 về triển khai thi hành Luật Bình đẳng giới và Nghị định số 70 quy định chi tiết thi hành Luật Bình đẳng giới. Do đó, việc xác định loại văn bản quy phạm pháp luật để giám sát sẽ tương đối rộng. Việc lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật độc lập hay theo nhóm tuỳ thuộc lĩnh vực và quy mô giám sát, nhưng nhất thiết phải bảo đảm tính logic và hệ thống của các văn bản quy phạm pháp luật.

b) Xác định phạm vi giám sát theo quá trình thực hiện chính sách, pháp luật

Theo quá trình thực hiện chính sách, pháp luật bao gồm các giai đoạn sau:

- Chỉ đạo triển khai thi hành chính sách, pháp luật;

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật;

- Tổ chức thực hiện và ý thức chấp hành pháp luật.

Tuỳ theo mục đích, ý nghĩa của việc tiến hành giám sát trong từng giai đoạn nhất định mà việc xác định giám sát khâu nào của quá trình thực hiện chính sách, pháp luật do từng cấp Hội xác định cho phù hợp với điều kiện thực tế về nguồn lực thời gian, con người và tài chính của cấp mình. Điều này có nghĩa là phạm vi giám sát không giống nhau ở tất cả các địa phương và các cấp trong cùng một địa phương.

c) Xác định địa bàn giám sát

Cả nước hiện có 22 Bộ, 6 cơ quan thuộc Chính phủ, 6 tổ chức chính trị - xã hội; hơn 600 quận/huyện/thị xã và trên 10 ngàn xã, phường, thị trấn, khó có thể cùng một lúc thực hiện giám sát trên phạm vi toàn địa phương hoặc cả nước, nên việc xác định phạm vi giám sát theo địa bàn là rất quan trọng.

Dựa vào nguồn lực thực tế về thời gian, con người và ngân sách để xác định phạm vi giám sát theo địa bàn.

d) Xác định phương pháp/cách thức giám sát

Để thực hiện giám sát, có thể áp dụng một số hoặc đồng thời tất cả các phương pháp sau:

- Rà roát văn bản quy phạm pháp luật: để xác định chính sách và quy định pháp luật liên quan đến vấn đề chính sách, pháp luật được lựa chọn để giám sát

- Quan sát việc thực hiện trên thực tế: để xác định nhận thức, thái độ, hành vi của các chủ thể chính sách, pháp luật

- Thống kê số liệu: để định lượng kết quả thực tế của việc thực hiện chính sách, pháp luật.

- Tổng hợp thông tin: để xác định những khía cạnh mang tính tổng quan về toàn bộ quá trình thực hiện chính sách, pháp luật. Có thể tổng hợp thông tin từ các nguồn sau:

+ Trên các phương tiện thông tin đại chúng

+ Qua hoạt động của các Hội đồng, Ủy ban, các Ban Chỉ đạo, các nhóm công tác, các đoàn kiểm tra, thanh tra

+ Qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, toạ đàm có sự tham gia của lãnh đạo và cán bộ Hội

+ Báo cáo công tác định kỳ, đột xuất

- Trao đổi trực tiếp, điều tra thực tế tại cộng đồng: để đánh giá tác động cụ thể của các quy định chính sách và pháp luật đối với bản thân đối tượng chính sách, chủ thể pháp luật và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Các phương pháp trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động và hỗ trợ qua lại. Tuỳ vào yêu cầu, tính chất và quy mô giám sát mà lựa chọn phương pháp giám sát phù hợp.

e) Thiết kế bộ công cụ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

Tương ứng với mỗi phương pháp giám sát có cách thức, thao tác nghiệp vụ khác nhau. Việc xây dựng các đề cương, bảng biểu, mẫu báo cáo, hướng dẫn toạ đàm, phiếu hỏi… tạm gọi là việc thiết kế bộ công cụ giám sát. Chẳng hạn, để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết kế biểu thông kê các loại văn bản bảo đảm các tiêu chí cơ bản: tên văn bản, thời gian ban hành, thời điểm có hiệu lực, trích yếu nội dung, vấn đề bình đẳng giới cần giám sát…; để tổ chức buổi toạ đàm cần có công cụ hỗ trợ là Nội dung hướng dẫn toạ đàm; để điều tra mức độ nhận thức và thụ hưởng của cộng đồng về chính sách an sinh xã hội, cần thiết kế bảng hỏi/phiếu điều tra, thăm dò; muốn thu thập thông tin số liệu tách biệt giới, cần phải xây dựng biểu số liệu để yêu cầu cung cấp thông tin…

Tuỳ vào nội dung, vấn đề và quy mô giám sát mà bộ công cụ giám sát được xây dựng có ý nghĩa phục vụ toàn quốc, cho mọi văn bản hoặc chỉ áp dụng cho một lĩnh vực cụ thể, một địa bàn cụ thể.

3.2. Tổ chức giám sát

Tổ chức giám sát là quá trình thực hiện các công việc sau:

- Tìm kiếm/thu thập các văn bản chỉ đạo và các quyết định có liên quan của địa phương về việc thực hiện chính sách

- Thu thập các thông tin liên quan đến việc thực hiện chính sách được đăng tải trên đài phát thanh, truyền hình và các báo, tạp chí về những điểm được/chưa được và các giải pháp khắc phục trong từng thời điểm cụ thể

- Tổ chức toạ đàm/hội thảo với các cơ quan có trách nhiệm (chung/riêng)

- Gặp trực tiếp những người có trách nhiệm trong các cơ quan (phỏng vấn bán cấu trúc/phiếu hỏi)

- Gặp trực tiếp người được thụ hưởng (phỏng vấn bán cấu trúc/phiếu hỏi)

3.3. Xử lý thông tin giám sát

Tuỳ từng phương pháp giám sát được lựa chọn mà việc xử lý thông tin giám sát có thể gồm:

- Xử lý thông tin định lượng: sử dụng các con số có thể đong, đo, đếm được và trả lời câu hỏi: bao nhiêu, khi nào,...

Ví dụ, khi giám sát việc thực hiện Quyết định số 81/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền Tết cho người người nghèo cần thống kê: có bao nhiêu người được thụ hưởng, mức hỗ trợ tối thiểu, tối đa bao nhiêu, trong đó bao nhiêu nữ, bao nhiêu nam…

- Xử lý thông tin định tính: tổng hợp thông tin thu thập, thông tin toạ đàm/hội thảo và thông tin phỏng vấn bán cấu trúc: sử dụng các mô tả, dữ liệu có thể quan sát được nhưng không đong, đo, đếm được và trả lời câu hỏi: như thế nào, tại sao

Ví dụ, thông tin về nguyên nhân tại sao tỷ lệ cán bộ nữ đại biểu quốc hội lại thấp; những yếu tố ảnh hưởng đến việc triển khai chậm các chính sách trên địa bàn tỉnh A…

3.4. Viết báo cáo giám sát

Báo cáo giám sát phải phản ánh rõ các nội dung sau:

- Loại chính sách, pháp luật lựa chọn để giám sát và lý do chọn loại chính sách, pháp luật đó/- Nội dung vấn đề giám sát.

- Công cụ đã sử dụng để giám sát (chỉ số, bảng hỏi và các loại mẫu thu thập thông tin giám sát....)

- Quy mô giám sát

- Phạm vi giám sát (chi tiết từng mục về nội dung theo quy định của chính sách và hình thức theo thực tế)

- Những kết quả cụ thể (tập trung nêu bật những mặt được, những ưu điểm phát hiện qua giám sát)

- Những bất cập và những biện pháp thực tế đã sử dụng để giải quyết bất cập...

- Kiến nghị, đề xuất của cấp Hội đối với địa phương, Đảng, Nhà nước, Hội cấp trên trực tiếp và Trung ương Hội.

3.5. Văn bản đề xuất, kiến nghị chính sách hoặc sửa đổi, bổ sung quy phạm phạm pháp luật

Đây là sản phẩm đầu ra quan trọng và có ý nghĩa nhất của giám sát.

Các văn bản đề xuất, kiến nghị về một trong số các nội dung sau: các giải pháp tăng cường công tác tiếp tục chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật; điều chỉnh, bổ sung những điểm còn thiếu; thay đổi các biện pháp thực hiện không còn phù hợp với thực tế; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới chính sách, pháp luật có liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật hiện hành.

Việc hình thành văn bản đề xuất, kiến nghị sau giám sát cần được chú ý bảo đảm tính hiệu quả, có sức thuyết phục và không quá sơ sài.

TW Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video