Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam học tập kinh nghiệm tại Israel

01/04/2016
Từ ngày 27/3-2/4/2016, đ/c Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn đại biểu của Hội đi thăm, làm việc tại Israel nhằm học tập kinh nghiệm về bình đẳng giới và hợp tác xã nông nghiệp.

Đoàn có buổi làm việc tại Trung tâm Đào tạo Quốc tế Golda Meir Mount Carmel (MCITC). Trung tâm mang tên nữ Ngoại trưởng Golda Meir được thành lập năm 1960 là một trong ba trung tâm trực thuộc Bộ Ngoại giao Israel, chuyên đào tạo cho các nước đang phát triển về lãnh đạo nữ. Sau 11 năm, đến năm 1971 Trung tâm chuyển hướng từ đào tạo riêng cho nữ sang đào tạo cả nam và nữ về giới và trao quyền cho phụ nữ - việc trao quyền được nhấn mạnh ở cả hai lĩnh vực chính trị và kinh tế. Trung tâm cũng liên kết đào tạo để có các khóa tập huấn khá toàn diện, ví dụ để học khởi nghiệp một doanh nghiệp nông nghiệp, học viên có thể học một tuần ở Trung tâm Golda Meir về kĩ năng lãnh đạo rồi chuyển sang học một tuần ở trung tâm khác về kĩ thuật nông nghiệp. Ngoài các khóa tập huấn, Trung tâm định kỳ 3 năm lại tổ chức một Hội nghị về lãnh đạo nữ - các đề xuất kiến nghị của Hội nghị sau đó được đệ trình lên Ủy ban Địa vị Phụ nữ của Liên hợp quốc.

Thay mặt đoàn, Chủ tịch Thanh Hòa cảm ơn Trung tâm Golda Meir đã hỗ trợ cho một số học viên của Hội và mong muốn hai bên hợp tác để tổ chức các khóa tập huấn tại Việt Nam về một số chủ đề, nhất là du lịch nông thôn.

Đoàn cũng có cơ hội học tập kinh nghiệm vận động cho lãnh đạo nữ từ tổ chức WePower (tạm dịch là Quyền lực của Chúng ta). Mặc dù chiếm 51,4% dân số Israel, nhưng phụ nữ chỉ chiếm 24% trong Quốc hội, 14% trong các Hội đồng địa phương, 2% các thị trưởng thành phố, và 0% trong vị trí quản lý các công ty của Chính phủ. Để thay đổi tình trạng này, WePower lựa chọn cách tiếp cận bao gồm ba thành tố, đó là nâng cao nhận thức, vận động chính sách và tập huấn nâng cao năng lực cho nữ lãnh đạo. Về vận động chính sách, WePower từ bỏ các quota 30-35% trước kia để đề nghị Tòa án Tối cao áp dụng quy định 50-50, tức là các đảng phái phải đảm bảo danh sách ứng cử viên có tỉ lệ nam nữ ngang nhau. Việc đề xuất này đang nhận được phản hồi tích cực từ phía Tòa án Tối cao.

Về tập huấn, WePower tập trung cung cấp cho học viên nữ ba loại kiến thức, đó là bình đẳng giới, kĩ năng lãnh đạo, cách tranh cử cũng như cách hoạt động hiệu quả trong bộ máy chính quyền. WePower mở lớp tập huấn ngay cả khi chỉ có 3 học viên phụ nữ. Có thể nói thành công của WePower là rất ấn tượng - tổ chức được hơn 35 chương trình lãnh đạo trên toàn quốc trong 5 năm qua, tập huấn cho hơn 1.000 phụ nữ, và hơn một nửa số nữ nghị sĩ Quốc hội hiện nay là cựu học viên của WePower. Những nội dung trao đổi của WePower là những kinh nghiệm tốt để Hội nghiên cứu, áp dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam.

Ngoài làm việc với các tổ chức phụ nữ, đoàn cũng đi thăm một số nông trang, hợp tác xã trồng rau, hoa, nấm… Việc sử dụng nhà lưới hợp lí, nghiên cứu, lựa chọn giống cây trồng chất lượng cao và áp dụng hệ thống ống tưới tự động đã giúp các nông trang này phát triển nông nghiệp rất tốt ngay cả trong điều kiện khô hạn.

 Ảnh minh họa

 Chủ tịch Nguyễn Thị Thanh Hòa (trái ảnh) nghe nữ công nhân Việt Nam tại Israel giới thiệu về quy trình trồng nấm


Đặc biệt, đoàn có cơ hội gặp gỡ một số lưu học sinh, công nhân Việt Nam đang làm việc tại các nông trang. Chủ tịch Thanh Hòa đã ân cần động viên các em đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau và nỗ lực trong lao động, học tập.

Với chuyến thăm và làm việc tại Israel, Hội đã tiếp thu được kinh nghiệm tốt về bình đẳng giới và nông nghiệp cũng như đề ra một số hướng hợp tác để tiếp tục trao đổi với phía Israel thời gian tới.

 

Ban Quốc tế TW Hội LHPNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video