Hội nghị thượng đỉnh G20: Trao quyền cho phụ nữ là cần thiết

22/07/2019
Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 bàn 8 chủ đề để đảm bảo phát triển bền vững toàn cầu, trong đó có chủ đề Trao quyền cho phụ nữ.

Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 được tổ chức lại Osaka, Nhật Bản vừa kết thúc vào 29/6. Đây là hội nghị thứ 14 của 20 nền kinh tế, trong đó có Liên minh châu Âu. Hội nghị năm nay bàn 8 chủ đề để đảm bảo phát triển bền vững toàn cầu, trong đó có chủ đề Trao quyền cho phụ nữ.

Trong sự kiện về Trao quyền cho Phụ nữ, chỉ có hai phụ nữ duy nhất tham gia là Thủ tướng Anh Theresa May sắp từ chức và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Dù vậy, trong tuyên bố chung sau sự kiện, các lãnh đạo G20 cũng nhắc lại rằng trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới là cần thiết để đạt tăng trưởng kinh tế và xã hội bền vững, bao trùm.

Tại sự kiện, có sự hiện diện của một số phụ nữ tham gia phát biểu là cố vấn Nhà Trắng Ivanka Trump và Hoàng hậu Hà Lan Maxima. Cả hai đều có nhiều nỗ lực bền vững ủng hộ tăng cường quyền phụ nữ.

Bà Ivanka Trump đã hoan nghênh các nhà lãnh đạo thế giới vì đã tăng cường nỗ lực thúc đẩy tài năng của phụ nữ - một trong những nguồn lực bị đánh giá thấp nhất thế giới. Bà cho biết trao quyền cho phụ nữ không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một vấn đề chính sách quốc phòng và kinh tế. Ước tính sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động nếu ngang với nam giới sẽ tăng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu thêm từ 20.000 - 28.000 tỷ USD tới năm 2025.

Trong bài phát biểu, bà Ivanka Trump, con gái Tổng thống Donald Trump, cũng ca ngợi các biện pháp chính quyền cha bà thực hiện từ khi ông nhậm chức, ví dụ như thiết lập Sáng kiến Thịnh vượng và Phát triển Toàn cầu của Phụ nữ. Dù vậy, bà cho rằng mọi quốc gia, kể cả Mỹ, cũng cần làm nhiều hơn. Bà đề nghị vấn đề trao quyền cho phụ nữ phải là trọng tâm của chương trình nghị sự G20.

Tại sự kiện, bà Yoko Kamikawa, nghị sĩ đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản và là đại sứ của mạng lưới Nữ lãnh đạo chính trị gồm các phụ nữ nắm vị trí lãnh đạo toàn cầu, đã đề xuất với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhóm này muốn tăng sự tham gia của phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ trong chính trị. Khi được hỏi về ít đại diện nữ tại G20, bà Kamikawa cho biết điều này làm cho bà cảm thấy như thể con đường đạt bình đẳng giới thực sự trong lãnh đạo chính trị còn rất xa. “Tôi thấy cần có 5 hoặc 6 nữ lãnh đạo thế giới trong G20” - bà nói. 

Bà Kamikawa tiếp tục chỉ ra thực trạng thiếu lãnh đạo nữ trong chính nội các Nhật Bản. Hiện nội các Nhật Bản chỉ có một phụ nữ là bộ trưởng. Con số đó là thấp nhất trong chính quyền của ông Abe từ khi ông nắm lại quyền Thủ tướng tháng 12/2012. Ông từng có tới 5 nữ bộ trưởng khi thúc đẩy chính sách ủng hộ phụ nữ Womenomics.

Bà Kamikawa cho rằng để tăng số nữ bộ trưởng ở Nhật Bản thì phải tăng số nữ nghị sĩ - một nhiệm vụ nặng nề ở một quốc gia mà phụ nữ tham gia chính trị rất ít: chiếm 10% trong tổng số 463 ghế ở Hạ viện. Phụ nữ phải trải qua con đường gian khó trong bầu cử, sau đó sẽ phải phát triển sự nghiệp bền vững.

Chủ trì sự kiện nói trên là Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Bản thân ông là người coi việc đưa thêm phụ nữ vào vị trí lãnh đạo là trọng tâm trong chiến lược tăng trưởng gắn với phụ nữ Womenomics. Ông cho biết Nhật Bản sẽ cung cấp giáo dục và đào tạo bình đẳng cho ít nhất 4 triệu phụ nữ và trẻ em gái ở các nước đang phát triển trong ba năm, tới năm 2020.

Trong khi đó, bà Deborah Greenfield, Phó Tổng giám đốc phụ trách chính sách của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhấn mạnh nhu cầu giải quyết khoảng cách lương giữa các giới mà theo bà là bắt nguồn từ việc quá nhiều phụ nữ làm việc trong các công việc bán thời gian và lương thấp.

Bà Deborah cho biết một báo cáo của ILO cho thấy trong tất cả các nước G20, phụ nữ phần lớn làm nhiệm vụ chăm sóc không được trả tiền cho gia đình như: chăm sóc con cái, thành viên gia đình, họ hàng...

Báo cáo cho thấy khoảng cách lương giữa các giới ở Nhật Bản là 25%, cao hơn phần lớn các nước G20. Bà Deborah nói: “Bình đẳng giới bắt đầu từ gia đình. Chúng ta cần chính sách hỗ trợ chia sẻ công việc chăm sóc công bằng hơn giữa nam và nữ”.

PNTĐ

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video