Hội nghị về Biến đổi Khí hậu Toàn cầu của Liên Hợp quốc tại Copenhagen: Điều thất vọng hay Cơ hội? Và Việt Nam nên làm gì trong thời gian tới?

09/04/2010
Bài phỏng vấn Ông John Hendra, Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam đăng trên Tạp chí Vietnam Investment Review ngày 25/01/2010

Theo cảm nhận của ông, kết quả quan trọng nhất của Hội nghị về Biến đổi Khí hậu được tổ chức tại Copenhagen tháng 12 vừa qua là gì?

Tại một điểm nào đó các đại biểu đều thực sự mong muốn đạt được một thoả thuận về một kết quả công bằng, ràng buộc về mặt pháp lý đối với tất cả các bên tham gia Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu. Nhiều tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các doanh nghiệp và công dân từ khắp nơi trên thế giới hy vọng rằng Hội nghị Copenhagen sẽ giúp khuấy động những hành động chính về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc đi đến thống nhất về vấn đề cắt giảm cụ thể khí thải gây hiệu ứng nhà kính áp dụng cho từng nước thực tế cho thấy vô cùng khó khăn trong khi vấn đề cơ chế tài trợ và cung cấp tài chính mới lại quá phức tạp để có thể đi tới sự đồng thuận về chi tiết.

Với sự tham gia của 119 vị nguyên thủ quốc gia và đứng đầu chính phủ khiến Hội nghị trở thành một sự kiện tập hợp đông đảo nhất các nhà lãnh đạo trên thế giới, điều này đã tạo đà lớn về chính trị. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều quan chức, nhà báo và công dân kể cả trẻ em Việt Nam đã có mặt tại Copenhagen. Dù người ta có những đánh giá thế nào đi nữa, thì tôi vẫn cảm thấy Hội nghị chắc chắn đã nâng cao nhận thức của toàn thế giới và của các quốc gia về những thách thức của vấn đề biến đổi khí hậu.

Đã có ý kiến cho rằng đối với nhiều quan sát viên, Hội nghị chưa đáp ứng được những mong đợi. Đã có sự thất vọng cay đắng, tiếp ngay sau là sự bối rối nếu không muốn nói là hoang mang, sau đó là những dấu hỏi về quá trình đàm phán. Tôi hy vọng chúng ta sẽ sớm có những hành động sửa chữa. Như Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã nhấn mạnh tới những tác động trước mắt, Hiệp ước Copenhagen là ‘một bước tiến đáng kể tiến tới một thoả thuận toàn cầu thực sự đầu tiên nhằm hạn chế và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính’ và, điều quan trọng là sẽ giúp hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiệp ước cho thấy giờ đây các nước chủ chốt đã thực sự tham gia và họ đều cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đã có sự cam kết tài chính quan trọng của các nước đã phát triển.

Việt Nam nên làm gì liên quan đến các cuộc thương thảo quốc tế vào năm 2010?
Theo tôi, có một số điều quan trọng mà Việt Nam nên làm trong năm 2010. Trước hết, Tổng Thư ký đã hối thúc tất cả các chính phủ cần chính thức ký vào Hiệp ước vào cuối tháng 1 và tiếp tục hành động để đảm bảo một hiệp ước chung có ràng buộc pháp lý về biến đổi khí hậu được bắt đầu thực hiện vào cuối năm 2010. Việc tham gia của Việt Nam vào hiệp ước này là rất quan trọng vì điều này giúp đảm bảo rằng Việt Nam có đủ điều kiện để xin nguồn tài trợ mới và có khả năng tham gia vào những cơ chế công nghệ và lâm nghiệp mới.
Thứ 2, với vai trò là Chủ tịch ASEAN vào năm 2010, Việt Nam có một cơ hội ngay trước mắt để củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN về vấn đề biến đổi khí hậu và huy động sự đóng góp chung của các nước để đạt được một thoả thuận mang tính toàn cầu và công bằng về vấn đề biến đổi khí hậu.
Thứ ba, Hội nghị Copenhagen đã cho thấy các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu diễn ra cực kỳ phức tạp, khó khăn và thậm chí là hỗn loạn như thế nào. Đồng thời, do biến đổi khí hậu liên quan nhiều đến Việt Nam, điều quan trọng hơn là Việt Nam cần tham gia sâu hơn vào các cuộc thương thảo chính về biến đổi khí hậu.

Thứ tư, tôi tin rằng Việt Nam nên chủ động chuẩn bị tiếp cận các cơ hội tài chính ngắn và trung hạn đang xuất hiện. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhưng Việt Nam không đứng đầu trong danh sách các nước theo thoả thuận Copenhagen vì Việt Nam có khả năng hơn một số nước đang phát triển nghèo hơn. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể tiến nhanh và thiết lập các cơ chế hài hoà để tiếp nhận vốn hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và nghiên cứu, cũng như đầu tư để ứng phó với biến đổi khí hậu thì Việt Nam có thể thấy được những lợi ích căn bản. Bên cạnh đó, cần ưu tiên cho các chính sách đã cải tiến nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài ‘xanh’ và tối đa hoá sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto của UNFCCC.

Thứ năm, điều quan trọng là Việt Nam tiến hành đánh giá toàn diện tính dễ bị tổn thương và ước lượng chi phí chính xác hơn cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. LHQ, ADB và Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ một số nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu vì việc đánh giá chính xác cần phải làm cái gì là điều kiện cần thiết cho một thoả thuận quốc tế toàn diện.

Cuối cùng, bản dự thảo thoả thuận đạt được tại Copenhagen nhằm giảm phát thải khí nhà kính do phá rừng và suy thoái rừng (REDD) mang tầm quan trọng vì việc phá rừng gây hiệu ứng khí thải nhà kính trong khi trồng rừng và bảo vệ rừng để hấp thụ khí CO2 là loại khí chính gây hiệu ứng nhà kính, đồng thời còn mang lại những lợi ích khác về kinh tế và môi trường. LHQ, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Na-uy, đang giúp Việt Nam chuẩn bị cơ chế REDD. Phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở Việt Nam ở vùng cao cũng như cộng đồng dân cư ở vùng duyên hải dễ bị tổn thương có thể hưởng lợi từ thoả thuận quốc tế thành công về REDD, và từ việc phát triển năng lực ở các cấp độ khác nhau. Hiện giờ REDD đã tạo đà ở cấp độ quốc tế và Việt Nam nên tham gia rất tích cực để hoàn thiện REDD.

Việt Nam nên làm gì ở cấp độ quốc gia, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong năm 2010 và sau đó?

Năm nay Việt Nam nên đảm bảo việc lồng ghép đầy đủ những thách chức và cơ hội của biến đổi khí hậu vào dự thảo Chiến lược Quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2011-2020 và 2011 – 2015. Ứng phó với biến đổi khí hậu là vấn đề ưu tiên trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp vì rất nhiều gia đình Việt Nam có sinh kế phụ thuộc vào nông nghiệp.

Năm 2010 cần thực hiện đáng kể ác hoạt động nghiên cứu và phân tích về biến đổi khí hậu làm cơ sở hỗ trợ việc lập kế hoạch quốc gia, và đảm bảo thực hiện các hành động hiệu quả. Quan trọng là các nhà khoa học của Việt Nam tích cực tham gia chuyên đề liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hiện đang tiến hành kỳ đánh giá lần thứ 5. Ở cấp độ quốc gia, những ưu tiên quan trọng về nghiên cứu gồm ước tính mức độ và chi phí của các tác động biến đổi khí hậu và hành động ứng phó; đánh giá những cơ hội tốt nhất đối với việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là điều mang lại ‘ích lợi chung’ về xã hội, kinh tế và môi trường, xem xét lại những cản trở đối với việc tham gia quy mô rộng vào các cơ chế phát triển sạch; và cân nhắc việc sử dụng các công cụ thị trường nhằm đảm bảo con đường phát triển bền vững về môi trường, với lượng các-bon thấp – có thể bao gồm những thay đổi về thuế và phát triển các thị trường các-bon nội địa.

Liên quan chặt chẽ tới những điểm này, Việt Nam cần có những nỗ lực hơn nữa trong việc giám sát và báo cáo về sự gia tăng khí thải trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về Ứng phó với Biến đổi Khí hậu (NTP – RCC). Quá trình này giúp xác định tiềm năng cho các hành động cắt giảm khí thải có thể được tài trợ kinh phí trong nước (đặc biệt là những hành động mang lại ‘ích lợi chung’) cũng như các hành động có thể được quốc tế tài trợ. Cần gấp rút xây dựng và điều chỉnh kế hoạch tổng thể trong bối cảnh biến đổi khí hậu (ví dụ, đối với khu vực châu thổ sông mê-kông và TP HCM) với mục tiêu tăng cường khả năng mau phục hồi về khí hậu của các cộng đồng dân cư khác nhau nhằm đảm bảo là Việt Nam có thể hướng tới một nền kinh tế phát triển, hiện đại và có lượng khí thải các-bon thấp.

Những hành động cụ thể, bao gồm các hoạt động thí điểm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như các chính sách và chương trình liên quan được triển khai vào năm 2010. Ví dụ, những ứng phó với biến đổi khí hậu nên bao gồm việc nâng cao nhận thức về thảm hoạ, nâng cao kiến thức về giảm nguy cơ thảm hoạ, bảo vệ và đầu tư cho việc trồng cây đước và xây dựng đê điều. Việt Nam cũng nên bắt đầu xây dựng trường học và bệnh viện mang tính ứng phó với biến đổi khí hậu nhiều hơn để các cơ sở này có thể hoạt động trong quá trình hoặc ngay lập tức sau thảm hoạ về khí hậu. Những mô hình thực tiễn về giảm nguy cơ thảm hoạ bao gồm phân tích các vai trò và nhu cầu khác nhau của phụ nữ, nam giới và trẻ em, và định hướng các hành động cho phù hợp. Bằng cách này, ứng phó với biến đổi khí hậu có thể trở thành cơ hội để tăng cường bình đẳng xã hội.

LHQ sẽ hỗ trợ các nỗ lực này như thế nào?

Tổng Thư ký LHQ đã đưa ra cam kết rằng hệ thống của LHQ sẽ tiếp tục nỗ lực để mang lại kết quả cho những người dân cần hỗ trợ và sẽ hỗ trợ hiệu quả hơn nữa các nước cắt giảm khí thải và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các nước đã phát triển đã đồng ý tại Copenhagen sẽ dành 30 tỷ USD hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong giai đoạn 2010-2012, và sau đó tài trợ quốc tế sẽ nhiều hơn nữa.

LHQ ở Việt Nam nhất định sẽ tiếp tục hỗ trợ việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó với biến đổi khí hậu, và chúng tôi không ngừng cam kết với chính quyền quốc gia và các nhà tài trợ là làm việc này một cách tốt nhất. Một số lĩnh vực hành động đã rõ ràng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ việc điều phối và đối thoại chính sách với nhiều bên liên quan, bao gồm việc cung cấp tài chính cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Chúng tôi sẽ giúp tiếp tục nâng cao năng lực của các nhà thương thuyết về biến đổi khí hậu, và sẽ củng cố sự hỗ trợ dài hạn quản lý thảm hoạ, bao gồm thông qua giảm thiểu nguy cơ thảm hoạ dựa vào cộng đồng. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các đối tác quốc gia ở các bộ ngành khác nhau trong lập kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, và sẽ thực hiện có chiều sâu hoạt động về hiệu quả năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong nước, hy vọng sẽ thực hiện thành công Chương trình REDD của LHQ, nhờ đó những người dân địa phương trong tương lai chịu trách nhiệm quản lý rừng sẽ hưởng lợi từ các thoả thuận quốc tế về REDD.

Tăng cường công tác nghiên cứu quốc gia về biến đổi khí hậu và phối hợp với các tổ chức quốc tế cũng là vấn đề ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của chúng tôi. LHQ, một vài nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ đang giúp Việt Nam nghiên cứu ứng dụng và chúng tôi đang tìm cách thức tăng cường sự hỗ trợ tài chính và công tác điều phối. Sự hỗ trợ của chúng tôi đối với chương trình truyền thông lần hai của Việt Nam về UNFCCC và hoạt động có liên quan sẽ tiếp tục. Trong công tác phân tích này, chúng tôi sẽ giúp nâng cao sự hiểu biết về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và an ninh lương thực trong tương lai cũng như giữa biến đổi khí hậu, sự di dân và nhu cầu định cư ở các vùng khác nhau của Việt Nam.

Đây mới là danh mục hoạt động đưa ra vào dịp Năm mới với nhiều ưu tiên, thẳng thắn mà nói thì còn cần phải làm nhiều việc hơn nữa. Về tổng thể, điều rõ ràng là ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu là nhu cầu cấp bách hiện nay – và do vậy vấn đề này sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với LHQ cả ở cấp độ toàn cầu và cả ở Việt Nam.

(Anh Thu- Ban Quốc tế dịch)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video