Hội phụ nữ chợ nông sản Thủ Đức: Đẩy mạnh phong trào “Người kinh doanh văn minh”

01/04/2021
Các chị em thương nhân ở chợ nông sản Thủ Đức hôm nay thật khác lạ. Nếu như ngày thường họ “đầu tắt mặt tối”, tóc kẹp cao vội vàng thì giờ họ lại dịu dàng trong tà áo dài Việt, tóc thả dài thướt tha. Hôm nay, các chị đi dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2026.
Trở thành hội viên Hội phụ nữ Chợ nông sản Thủ Đức sẽ có nhiều lợi ích cho các tiểu thương.

Xóa chữ  "chợ búa".

Ngày 30-31/3, Hội Phụ nữ chợ nông sản Thủ Đức tổ chức Đại hội phụ nữ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2026. Hội Phụ nữ chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức hiện có 365 hội viên, sinh hoạt tại 20 tổ hội ngành hàng.

Các tiểu thương buôn bán tại chợ

Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù đối diện rất nhiều khó khăn, Hội Phụ nữ chợ đã nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua. Nổi bật là việc đảm bảo được 80% trở lên hội viên là thương nhân kinh doanh tại chợ thực hiện đăng ký xây dựng nhãn hàng kinh doanh theo quy định. Trong đợt dịch covid-19 và ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn, Hội đã kêu gọi, vận động thương nhân ủng hộ số tiền 10 triệu đồng nộp về Mặt trận Tổ Quốc quận; Ủng hộ 14,5 tấn gạo; 167 kg trái cây cho 13 chốt kiểm dịch của TPHCM; Vận động thương nhân ủng hộ 1.564 Kg rau củ quả phục vụ Siêu thị " 0 đồng" do quận Hội tổ chức...

Trong nhiệm kỳ tới, Hội Phụ nữ chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào "Người kinh doanh văn minh".  

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Nguyên Chủ tịch Hội phụ nữ Chợ nông sản Thủ Đức, cho biết: "Sau 3 nhiệm kỳ với vai trò là Chủ tịch Hội, tôi nhận thấy khu chợ đã thay đổi rất nhiều. Ngày xưa thương nhân ở chợ Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh nổi tiếng là dữ dằn hay nổi nóng. Vậy nên người ta mới hay nói "chợ búa".  Nhưng sau khi sắp xếp lại về Chợ nông sản Thủ Đức thì chúng tôi đã tuyên truyền văn hóa giao tiếp, ứng xử trên tinh thần tôn trọng, văn minh. Ngoài ra, các chị thương nhân rất bận rộn, tối ra chợ sáng về ngủ, không có thời gian học tập các quy định, các điều mới. Vậy nên, tổ chức Hội phụ nữ ra đời, kịp thời để vận động các chị tham gia, có một tổ chức bảo vệ, chia sẻ những khó khăn với chị em".

Các nữ thương nhân tham gia đại hội với trang phục áo dài Việt dịu dàng và thướt tha

Còn chị Lê Thị Hồng Hạnh, thương nhân kinh doanh ngành hoa tươi tại điểm kinh doanh C7-C, khu chợ C, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cũng cảm thấy tự hào khi trở thành hội viên của Hội phụ nữ chợ và đại diện cho các thương nhân ở khu chợ đi dự Đại hội Đại biểu Phụ nữ lần này. Chị Hạnh cho hay: "Để thực hiện phong trào "Người kinh doanh văn minh", tôi đã trang bị bảng giá tại nơi kinh doanh, niêm yết giá bán cụ thể, rõ ràng mỗi đêm. Trước khi bắt đầu hoạt động kinh doanh mỗi đêm, tôi thực hiện trưng bày hàng hóa gọn gàng, không lấn chiếm hành lang, lối đi chung, trang bị đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, không nói thách, giữ thái độ hòa nhã, vui vẻ với khách hàng. Trong đợt dịch Covid-19, tôi tuân thủ về phòng chống dịch, nhắc nhở mọi người cùng đeo khẩu trang".

Xây dựng nhãn hàng kinh doanh

Bên cạnh đẩy mạnh thực hiện phong trào "Người kinh doanh văn minh", trong nhiệm kỳ mới, Hội phụ nữ chợ còn quyết tâm đảm bảo 85% trở lên hội viên là thương nhân kinh doanh tại chợ thực hiện đăng ký xây dựng nhãn hành kinh doanh theo quy định.

Các đại biểu tham dự đại hội chụp ảnh cùng Ban chấp hành mới

Là người hưởng lợi trực tiếp từ việc xây dựng nhãn hàng kinh doanh, xây dựng thương hiệu vựa trái cây "Xoài Năm Thìn", chị Huỳnh Bé Hai, thương nhân kinh doanh ngành hàng trái cây tại điểm kinh doanh D4-1,2, khu A Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết: "Hội phụ nữ đã tuyên truyền cho tôi về thực hiện xây dựng nhãn hiệu cá nhân gắn với nhãn hiệu tập thể, được hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu ở Cục Sở hữu trí tuệ. Nhờ vậy, bạn hàng đến mua ngày càng nhiều, số lượng tiêu thụ mỗi đêm từ 5-10 tấn xoài, lúc cao điểm vào vụ mùa mỗi đêm tiêu thụ từ 10-15 tấn. Riêng đợt Tết nguyên đán hàng năm đạt 20 tấn mỗi đêm. Đến nay, tôi đã xây dựng được thương hiệu "Xoài Năm Thìn" có chỗ đứng trên thị trường thành phố và các tỉnh lân cận".

Bà Nguyễn Hạnh Thảo (trái) Chủ tịch Hội LHPN TP Thủ Đức tặng hoa cho đại hội

Trong nhiệm kỳ mới, Hội phụ nữ chợ nông sản Thủ Đức còn nhận thấy tình hình dịch bệnh covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống. Ở lĩnh vực kinh doanh, vật giá và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Người dân phải cắt giảm chi tiêu để đảm bảo cuộc sống dẫn đến sức mua giảm, lượng hàng tiêu thụ hàng đêm cũng giảm. Công tác vận động thương nhân tham gia tổ chức Hội và các hoạt động phong trào sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Để vượt qua những trở ngại đó, Hội đã đặt ra nhiều mục tiêu, giải pháp cụ thể để phong trào Hội được duy trì và phát triển. Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội phụ nữ chợ nông sản Thủ Đức đặt ra mục tiêu hàng năm, tổ chức ít nhất 2 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ; Trong nhiệm kỳ vận động chăm lo 100 phần quà cho các Hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn trên địa bàn Thành phố Thủ Đức nhân dịp Tết; hàng năm tổ chức thăm và tặng quà cho các mẹ Việt Nam Anh hùng của Thành phố Thủ Đức nhân Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7.

Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức

Phấn đấu 100% cán bộ Hội được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền. Đến cuối nhiệm kỳ, 100% cán bộ hội chuyên trách sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội.

Phấn đấu vận động thương nhân tham gia tổ chức Hội đạt tỷ lệ 80% trở lên. Đảm bảo 100% tổ ngành hàng có tổ trưởng, tổ phó; phát triển thêm 02 tổ ngành hàng.  Phát triển 100% thương nhân đăng ký phong trào "Người kinh doanh văn minh" và 95% đạt danh hiệu hàng năm.

Tại Đại hội Đại biểu phụ nữ Hội Phụ nữ chợ nông sản Thủ lần thứ IV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 15 đồng chí, Ban thường vụ gồm 3 đồng chí. Bà Tôn Nữ Ngọc Thúy được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ nông sản Thủ Đức nhiệm kỳ mới.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video