Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ làm "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi

06/12/2021
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của Covid-19.
Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ một trong những mô hình, phần việc tiêu biểu của Hội Phụ nữ Bộ Công an trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Thực hiện đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ Bộ Công an lần thứ IX; tiến tới Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Chương trình "Mẹ đỡ đầu" hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch Covid-19.

Theo đó, đối tượng hướng tới là trẻ em mồ côi, ưu tiên lựa chọn: Trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; Trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ. Tùy điều kiện thực tế, có thể mở rộng đối tượng nhận đỡ đầu là trẻ mồ côi do những nguyên nhân khác.

Cách thức đỡ đầu

- Trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện,...

- Nhận đỡ đầu thông qua gia đình, người nuôi dưỡng; hoặc hỗ trợ, tài trợ qua Chương trình "Triệu phần quà - San sẻ yêu thương" tại các cấp Hội.

Trong đó: Mỗi tổ chức Hội hoặc cá nhân cán bộ, hội viên Phụ nữ có thể nhận đỡ đầu một hoặc nhiều trẻ. Khuyến khích cam kết nhận đỡ đầu các trẻ đến khi trưởng thành hoặc trong một thời gian nhất định theo điều kiện, khả năng của từng tổ chức Hội, cá nhân nhận đỡ đầu hoặc nguyện vọng của gia đình; đảm bảo sự ổn định về môi trường sống, tâm sinh lý của trẻ.

Hội Phụ nữ Công an TP. Cần Thơ thăm, động viên và tặng quà (tiền mặt, nhu yếu phẩm, sữa, gạo) cho các em có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Đến nay, Hội Phụ nữ Công an TP. Cần Thơ đã phối hợp tham mưu nhận bảo trợ chi phí học tập, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể đến năm 18 tuổi cho 11 em (tính đến ngày 29/10/2021) có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hỗ trợ chi phí quần áo, sách vở, xe đạp cho các cháu đến trường vào đầu năm học mới; phối hợp hỗ trợ tiền mặt cho 04 cháu tại huyện Phong Điền và quận Bình Thủy, với tổng kinh phí hơn 380 triệu đồng.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn TP. Cần Thơ; đồng thời, nhân Tháng hành động vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021, Hội đang tiếp tục tổ chức đoàn đến thăm, động viên và tặng quà (tiền mặt, nhu yếu phẩm, sữa, gạo) cho 15 em có cha, mẹ mất vì Covid-19 trên địa bàn.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội Phụ nữ Công an TP. Cần Thơ là một trong những mô hình, phần việc tiêu biểu của Hội phụ nữ Bộ Công an trong nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" của Hội Phụ nữ Công an TP. Cần Thơ đã nhận được sự đánh giá cao của Hội phụ nữ Bộ Công an. Đây cũng là một trong những mô hình, phần việc tiêu biểu của Hội phụ nữ Bộ Công an trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, khẳng định được hiệu quả, giá trị thực tiễn, nâng cao vai trò của các cấp Hội trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

 

Chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN Việt Nam triển khai, thực hiện đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, đặc biệt là trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Chương trình tập trung vào các nội dung: vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình "Mẹ đỡ đầu" do Hội LHPN Việt Nam triển khai, nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc/nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trước mắt chương trình tập trung vào đối tượng trẻ em mồ côi do dịch bệnh Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình, cộng đồng.

Với chương trình này, Hội LHPN Việt Nam sẽ thực hiện:

- Giám sát việc thực hiện chính sách liên quan đến trẻ mồ côi ở các địa phương theo chức năng của tổ chức Hội. Hỗ trợ, hướng dẫn các em và gia đình tiếp cận đầy đủ chính sách của Nhà nước. Giám sát và hỗ trợ đảm bảo an toàn phòng chống xâm hại trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

- Vận động các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phát huy truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc; cán bộ, hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần nhân văn, tấm lòng nhân hậu của phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia hưởng ứng chương trình, trực tiếp nhận chăm sóc, đỡ đầu hoặc hỗ trợ nguồn lực để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi.

Trong đó, các hoạt động cụ thể triển khai bao gồm:

- Các hoạt động hỗ trợ chăm sóc, kiến thức, kỹ năng: Tổ chức lực lượng hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại bệnh viện, trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi và tại các gia đình; Tư vấn sức khỏe, tư vấn tâm lý.

- Đảm bảo an toàn trong gia đình và cộng đồng.

- Hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sau tốt nghiệp trung học cơ sở.

- Tùy điều kiện, có thể hỗ trợ thêm tiền mặt hoặc vật chất (các sản phẩm dinh dưỡng, các nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho trẻ; học phí, đồ dùng, thiết bị học tập...).

Các hoạt động đỡ đầu được thực hiện theo nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, tôn trọng các quy định của pháp luật về quyền trẻ em. Các hỗ trợ đảm bảo sát hợp với nhu cầu của trẻ; ưu tiên tối đa điều kiện để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường gia đình, họ hàng, cộng đồng, quê hương.

Đồng thời chương trình cũng công khai, minh bạch nguồn hỗ trợ, đối tượng được thụ hưởng và có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chức Hội nơi có tập thể, cá nhân là "Mẹ đỡ đầu" với cấp ủy, chính quyền, các trung tâm và tổ chức Hội cơ sở nơi trẻ sinh sống.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video