Hội Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh với phong trào xóa đói, giảm nghèo

30/10/2011
Trong 5 năm qua, từ cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm, kinh tế gia đình”, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh đã đầu tư vốn cho chị em nghèo vươn lên làm kinh tế gia đình, góp phần nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Chị Trương Thị Ánh, Thành ủy viên, nguyên là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố (nay là Phó Chủ tịch HĐND Thành phố), người đã nhiều năm đi cùng với chị em nghèo trong chỉ đạo cho biết: Để đảm bảo chỉ tiêu 100% số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được Hội đã giúp đỡ, chỉ đạo 24 cấp Hội quận, huyện đã tiến hành khảo sát và xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong 65.861 phụ nữ đơn thân làm chủ hộ có 17.471 chị có nhu cầu vay vốn. Hội đã hỗ trợ giúp vốn cho 14.633 chị đạt tỷ lệ 83.75%, dưới hình thức các nhóm Tín dụng tiết kiệm hoặc tổ giảm nghèo để chị em cùng trao đổi kinh nghiệm và giúp nhau có hiệu quả trong làm ăn nhằm vượt được nghèo khổ.

Như dự án “Quỹ quay vòng vốn nâng cấp nhà ở và cải thiện thu nhập cho hộ có thu nhập thấp” do Ngân hàng Thế giới tài trợ, khi bắt tay vào thực hiện, Ban Kinh tế - Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã chọn 6 quận, 53 phường trọng điểm của Thành phố để khảo sát và chỉ đạo các cấp hội cơ sở thực hiện đầu tư vốn cho chị em. Ở mỗi quận và các phường, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại địa bàn phải nắm chắc con số những chị em nghèo cần vốn sửa chữa nhà, vốn để làm các hạng mục nâng cấp công trình vệ sinh, cấp, thoát nước trong gia đình, để có số liệu chính thức khi tham gia dự án.

Dự án thành lập Mô hình tổ giảm hộ nghèo của Hội được sự phối hợp rất chặt chẽ với Ban chỉ đạo XĐGN Thành phố. Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội Thành phố cho biết: Khi phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, trong Ban Chỉ đạo rất yên tâm là Hội đã có nhiều kinh nghiệm từ quản lý các nguồn quỹ. Hội đã cho điều tra từ cơ sở, rồi mới thành lập mô hình tổ giảm hộ nghèo với phương thức 50% thành viên tổ là phụ nữ nghèo trong chuẩn và 50% phụ nữ trên chuẩn, bao gồm những phụ nữ nghèo biết cách làm ăn, tự nguyện vào nhóm, chịu trách nhiệm liên đới trong vay vốn và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, cùng đăng ký với địa phương vượt tiêu chí nghèo của thành phố.

Từ đầu nhiệm kỳ, Hội chỉ mới hình thành 24 tổ giảm nghèo với 272 thành viên. Đến nay, Hội đã xây dựng được 265 tổ với 2.176 thành viên được vay trên 4,060 tỷ đồng, và kết quả có 748 thành viên ổn định cuộc sống, có 80 – 90% hộ thành viên vượt chuẩn nghèo hàng năm. Từ kết quả đó cho thấy đây là mô hình giúp cho người nghèo, hộ nghèo làm ăn có hiệu quả, có tích lũy và giảm nghèo một cách căn cơ hơn, bền vững hơn. Để giúp chị em nghèo buôn bán nhỏ, Hội đã phối hợp với Cty nước giải khát CocaCola hỗ trợ 972 xe đẩy dùng làm phương tiện kinh doanh cho chị em phụ nữ nghèo ở 21 quận, huyện góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nghèo tại đây.

Về phát triển kinh tế trang trại và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu năm 2003, Hội Phụ Nữ Thành phố đã đầu tư hình thành mô hình tổ kinh tế hợp tác chăn nuôi bò sữa tại xã Hòa Phú, huyện Củ Chi với 12 thành viên được trợ vốn 175 triệu đồng. Song song đó, Hội phối hợp ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và quan tâm hỗ trợ đầu ra cho xây dựng mô hình hỗ trợ vốn cho các làng nghề truyền thống như: làm bánh tráng xuất khẩu, trồng rau sạch, nuôi tôm sú, đan lưới, dịch vụ cung cấp bữa ăn công nghiệp…

Vấn đề dạy nghề cho phụ nữ là một điểm trọng yếu. Trong 2 năm qua, Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố đã mở 9 Câu lạc bộ dạy nghề cho các quận, huyện và phối hợp các quận, huyện mở 28 điểm dạy nghề tại các phường, xã; đã tổ chức trên 14.000 lớp dạy nghề, hướng nghiệp, năng khiếu cho 377.051 học viên trong đó có 1.229 học viên nghèo được miễn giảm học phí, liên kết giới thiệu việc làm cho 26.734 lao động nữ. Hoạt động dạy nghề của Hội trong những năm gần đây được đổi mới và không ngừng nâng cao chất lượng, các loại nghề đa dạng hơn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn hơn. Nhiều chị em phụ nữ đã tự tạo được việc làm và ổn định cuộc sống bằng kiến thức và tay nghề được trang bị qua các chương trình học tại nhà Văn hóa phụ nữ thành phố và các Câu lạc bộ dạy nghề của quận huyện, phường xã.

Chị Đào Thị Hoài Thanh, Gíam đốc Nhà Văn hóa Phụ nữ thành phố cho biết: công tác dạy nghề cho chị em được các địa phương rất chú ý, từ những chương trình này mà Hội đã thu hút hàng trăm nghìn chị em có nghề, để tìm việc làm.

Tuy nhiên, những hạn chế hiện nay là: Nguồn vốn tuy tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ nghèo trên địa bàn thành phố, đặc biệt là đối với số doanh nghiệp nữ có nhu cầu vay tương đối lớn. Nhiều cơ sở Hội chưa tích cực xây dựng dự án vay vốn Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm do qui trình xét duyệt kéo dài thời gian không đáp ứng được nhu cầu cần vốn của người vay. Chương trình vay vốn TDTK chưa được các cấp Hội triển khai đến tận những địa bàn vùng xa. Các hoạt động sinh hoạt cụm, nhóm ở một số nơi chưa được quan tâm duy trì định kỳ và nâng cao chất lượng.

Trong thời gian tới, khi Thành phố mở rộng tiêu chí nghèo theo chuẩn mới (6 triệu đồng/người/năm) sẽ phát sinh khoảng 150.000 hộ nghèo mới, đòi hỏi các cấp Hội phải nỗ lực sáng tạo đề ra mô hinh mới để góp phần tham gia có hiệu quả vào mục tiêu chung của Thành phố./.

Theo cpv.org.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video