Hội phụ nữ xã Mường Vi: chỗ dựa của những chị em khó khăn

16/03/2007
Chương trình “Chị em giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ” của Tỉnh hội phụ nữ Lào Cai phát đến nay đã được nhân rộng và mang lại hiệu quả lớn hơn cả mong đợi.

“Cách đây vài năm, ngôi nhà chúng tôi ở như cái lều chăn vịt ấy”. Chị Hoàng Thị Sùng, dân tộc Dáy, thôn Lâm Tiến, xã Mường Vi, Bát Xát, Lào Cai bộc bạch với chúng tôi bằng nét mặt khá rầu rĩ. “Nhớ lại hồi đó mà sợ, nhà vốn nghèo, anh chồng không chịu cảnh đó bỏ đi miền Nam theo người phụ nữ khác. Một nách phải nuôi bốn đứa con thơ, đứa lớn nhất mới 9 tuổi, ốm đau triền miên, nhà chẳng có lấy một cái bát lành mà ăn cơm. Rất may khi ấy bà con chòm xóm và hội phụ nữ xã đã giang tay đùm bọc. Người giúp bơ gạo, chị cho bắp ngô cứu đói”. Nói đến đây chị Sùng phấn chấn hẳn lên. Chỉ vào ngôi nhà hai gian kiên cố được xây dựng khá khang trang, chị tâm sự: “Hội phụ nữ đã vận động các hội viên quyên góp tiền và góp công giúp tôi dựng ngôi nhà tình thương này. Bây giờ nhà đã đủ ăn rồi, chỉ còn việc chăm lo làm giàu nữa thôi”.

Đây chỉ là đơn cử trong số hàng trăm hộ chị em hội viên phụ nữ xã vùng cao Mường Vi đã thoát nghèo nhờ chương trình “Chị em tham gia giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ” của Tỉnh hội phụ nữ Lào Cai phát động trong thời gian qua. Đến nay mô hình đã được nhân rộng và thực sự mang lại hiệu quả lớn hơn cả sự mong đợi.


Qua trao đổi, chị Trần Thị Tho, Chủ tịch Hội phụ nữ xã cho biết: Cách làm của Hội phụ nữ xã Mường Vi là vận động chị em có điều kiện kinh tế khá, giầu, cứ ba người giúp một hội viên nghèo bằng hình thức cho vay giống cây trồng, vốn không lấy lãi và giúp nhau giống trâu, lợn sinh sản. Trong những ngày mùa bận rộn các chi hội phụ nữ trong xã lại vận động ngày công giúp những gia đình chị em neo đơn hoặc gặp khó khăn trong các chi hội thôn. Để chị em có điều kiện khai thác thế mạnh của địa phương cho phát triển kinh tế, Hội đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh và tổ chức hội cấp trên thường xuyên mở các lớp tập huấn cho đối tượng là các hội viên có cơ hội được tiếp cận, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất tiên tiến, các giống cây trồng mới có năng suất cao. Việc làm này đã góp phần quan trọng nâng tỷ lệ diện tích cấy lúa giống mới tại xã Mường Vi đã đạt gần 100% diện tích trong thời gian qua. Chị em được hướng dẫn, nắm chắc kỹ thuật nên mạnh dạn áp dụng vào đồng ruộng các loại giống lúa đặc sản như Séng Cù, Hương Thơm, Bắc Thơm có giá trị kinh tế cao gấp 1,5 đến 2 lần so với giống lúa thường trong khi năng suất vẫn tương đương. Gạo Séng Cù Mường Vi có đặc tính thơm, ngon, dẻo nên đã có mặt trên thị trường của nhiều tỉnh thành miền xuôi. Bên cạnh đó còn phải kể đến phong trào của Họi phụ nữ xã vận động chị em phụ nữ đưa các giống ngô lai có năng suất cao vào sản xuất tại đồng ruộng lúa một vụ và đất đồi mang lại hiệu quả lớn.

Khi chúng tôi có mặt cũng là lúc Ban chấp hành Hội phụ nữ xã đang bận rộn với việc xây dựng kế hoạch mở lớp học thêu thổ cẩm cho chị em phụ nữ thôn người Dao vào cuối năm nay. Nghề thêu truyền thống của bà con trước đây chỉ duy trì trên cơ sở tự cung tự cấp, việc mở lớp học sẽ tạo cơ hội cho chị em nghèo đồng bào Dao có nguồn thu nhập cao từ mặt hàng thổ cẩm, qua đó quảng bá văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào vùng cao ra cộng đồng.

Thực tế đang chứng minh phụ nữ đồng bào các dân tộc xã vùng cao Mường Vi ngày càng tích cực đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau chăm lo phát triển kinh tế, quyết tâm xóa đói nghèo và vươn lên làm giàu. Cách đây một vài năm, đa số các hộ gia đình là hội viên của Hội phụ nữ xã trong diện nghèo, đói thì hiện nay chỉ còn 51/ 323 hộ chị em thuộc diện nghèo (theo tiêu chí mới), không có hộ chị em phụ nữ đói. Điều đáng kể là có khá nhiều hộ chị em nhờ tinh thần phong trào “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của các cấp hội phát động mà từ chỗ đói nghèo đến nay vươn lên làm giàu bền vững. 

Đỗ Lam
ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video