Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội

19/12/2006
Phòng ngừa, ngăn chặn trẻ em vi phạm pháp luật là việc làm cần thiết của mọi người, mọi nhà và của toàn xã hội,

đặc biệt trong nền kinh tế hội nhập hiện nay là bức thông điệp của các đại biểu dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội tại Trường Giáo dưỡng số 2, Cục V26 (đóng tại Ninh Bình) do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức ngày 17/12/2006.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, trung bình hàng năm, tội phạm chưa thành niên gây ra gần 10.000 vụ với trên 10.000 đối tượng, tập trung nhiều ở khu vực thành phố, thị xã, nhất là các thành phố lớn.

 

Nghiên cứu từ năm 2000-2004 cho thấy, tội phạm do người chưa thành niên gây ra 45.143 vụ, có 63.643 em vi phạm (trong đó nam chiếm 97,25%), độ tuổi 14-18: 87,25%, có tới 9,24% số em không biết chữ, số bỏ học chiếm 30,76%.

 

Cũng trong 4 năm đã khởi tố điều tra hình sự 8.642 vụ, 12.330 đối tượng, xử lý hành chính 35.651 vụ, 49,153 đối tượng, trong đó đáng chú ý là tội cướp (3.102 em), cưỡng đoạt (1.899 em), phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm (1.229 em), giết người 653 em.

 

 Ảnh minh họa
Trước xu thế có chiều hướng gia tăng của các loại tội phạm, mức độ, tính chất ngày càng đa dạng, tinh vi, đại diện Bộ Công an, Hội LHPN Việt Nam, Trường Giáo dưỡng số 2; đại diện cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể địa phương đã nêu rõ nguyên nhân, thực trạng và những giải pháp phòng ngừa tội phạm trong thanh thiếu niên. Đồng thời các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước trong việc cụ thể hoá các chủ trương, chính sách về phòng chống tội phạm do vị thành niên gây ra; nêu rõ vai trò của cấp uỷ, chính quyền địa phương; sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng, đặc biệt là vai trò của nhà trường, gia đình trong việc giáo dục con em ngay từ khi mới lọt lòng cũng như khi bắt đầu cắp sách tới trường.

 

Thông qua Hội thảo cho thấy, sự gương mẫu của người lớn, của các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo là vô cùng quan trọng bởi đó chính là những tấm gương phản chiếu trực diện, những hình mẫu để trẻ em soi rọi, “học tập và làm theo”.

 

Buổi chiều cùng ngày, các đại biểu được tham dự Diễn đàn “Lắng nghe thanh, thiếu niên nói về trẻ em vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội” với sự tham gia của 80 thanh, thiếu niên từ Trường Giáo dưỡng số 2 và Trường PTCS Mai Sơn, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.


 

 

 

 

Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video