Hội thảo phòng chống bạo lực gia đình

23/06/2007
Ngày 21-22/6/2007, tại Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Bạo lực gia đình - thực trạng và hoạt động can thiệp ở Việt Nam”.

Tới dự có đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hoà - UV BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế Ford Foundation, Tổ chức hỗ trợ phát triển Đức, UNICEF, MCNV, UNFPA, các bộ ngành, các ban/đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam và đại biểu của UBND, Hội LHPN các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Quảng Trị, Thái Bình, Hà Nội, ...

 

Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà nhấn mạnh: Cũng như ở các nơi khác trên thế giới, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có bạo lực gia đình (BLGĐ)- một vấn đề toàn cầu, làm tổn hại cả về thể chất và tinh thần của nhiều phụ nữ; ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc của nhiều gia đình. Đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn các hành vi BLGĐ đối với phụ nữ đã trỏ thành mối quan tâm của các tổ chức quốc tế cúng như các quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có Việt Nam.

 

Theo báo cáo của Bộ Công an, toàn quốc cứ khoảng từ 2 đến 3 ngày lại có 1 người bị giết liên quan đến BLGĐ. Năm 2005 có 14% số vụ giết người liên quan đến BLGĐ (151/1113 vụ giết người). 3 tháng đầu năm 2006, tỷ lệ này là 30,5%. Báo cáo của bộ Y tế, năm 2005 ở đồng bằng sông Cửu Long có 1.011 người tự tử vì BLGĐ. Báo cáo của Toà án Nhân dân Tối cao, từ năm 2000-2005 toà án nhân dân các cấp xử 186.954 vụ ly hôn do BLGĐ. Riêng năm 2005 có tới 39.730 vụ ly hôn do BLGĐ (nguồn: PGS.TS Lê Thị Qúy theo UB các vấn đề xã hội của Quốc hội , 2006). BLGĐ thường diễn ra nhiều hơn ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi có điều kiện kinh tế, tiếp nhận thông tin khó khăn. Nạn nhân chính của BLGĐ là phụ nữ, trẻ em.

 

Trong hai ngày hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày và trao đổi ý kiến với các diễn giả về các hình thức phòng chống BLGĐ, các hình thức can thiệp. Đặc biệt đã giành nhiều thời gian thảo luận về các chiến lược can thiệp phòng chống BLGĐ hiệu qủa ở cấp xã; phương pháp làm việc với người gây BLGĐ; mô hình tiếp cận mới ở Việt Nam – nhà hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; hỗ trợ nạn nhân BLGĐ tái hoà nhập cộng đồng.

 

Cuộc hội thảo đã trở thành một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm và phát triển mối quan hệ hợp tác huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể, các cá nhân trong và ngoài nước về hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ.

Trung tâm Thông tin.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video