Hội thảo Vai trò của phụ nữ và thanh niên trong thúc đẩy hợp tác Á - Phi

27/04/2005
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Tăng cường quyền năng Phụ nữ Inđônêxia, từ ngày 18-19/4/2005, Phó Chủ tịch Nguyền Thị Kim Liên đã dẫn đầu đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam tham dự Hội thảo về Vai trò của phụ nữ và thanh niên trong thúc đẩy hợp tác Á - Phi được tổ chức tại Thủ đô Giacacta, Inđônêxia.

Hội thảo nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ và thanh niên trong việc thúc đẩy hợp tác Á - Phi cũng như xác định những lĩnh vực ưu tiên chung cùng hợp tác trong bối cảnh toàn cầu hoá ngày càng gia tăng hiện nay. Tham dự Hội thảo có hơn 100 đại biểu, gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng hoặc tương đương phụ trách lĩnh vực phụ nữ và thanh niên, đại sứ, tham tán công sứ, các chuyên gia và các nhà hoạt động xã hội của hai châu lục.

 

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức phiên họp toàn thể. Sau 3 bài phát biểu đề dẫn của các đại biểu đến từ Nam Phi, Liên hợp quốc và nước chủ nhà Inđônêxia về các vấn đề: “Tăng cường quyền năng cho phụ nữ và cơ chế hợp tác giữa các nước Á - Phi”, “Vai trò của phụ nữ và thanh niên trong việc thúc đẩy hợp tác Á - Phi” và “Vai trò của Chính phủ trong việc xem xét phụ nữ và thanh niên là những đối tượng ưu tiên trong chương trình phát triển quốc gia”, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nỗ lực của Chính phủ, các thực tế điển hình trong lĩnh vực này. Hội thảo cũng đã nêu bật những thách thức mà phụ nữ và thanh niên đang phải đối mặt, trên cơ sở đó, đề xuất những cơ chế hợp tác giữa các quốc gia châu Á và châu Phi.

 

Với không khí làm việc khẩn trương và tinh thần hợp tác, Hội thảo đã thảo luận và cùng thống nhất các khuyến nghị gửi tới bộ trưởng của các nước và trình lên Hội nghị thượng đỉnh Á - Phi 2005. Đối với vấn đề phụ nữ, khuyến nghị gồm 7 điểm, trong đó tập trung vào 4 lĩnh vực ưu tiên hợp tác:

 

1. Nghiên cứu mang tính so sánh về cơ chế tổ chức quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ.

 

2. Xây dựng hệ thống thu thập và phân tích số liệu tách biệt theo giới tính và thường xuyên được cập nhật.

 

3. Lồng ghép giới vào quá trình xây dựng chính sách, chương trình vì sự phát triển bền vững - lấy con người làm trung tâm cũng như trong quá trình giám sát, đánh giá tiến bộ.


4. Tăng cường sự tham gia đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ vào quá trình ra quyết định. Để đảm bảo 4 lĩnh vực này được thực hiện, các quốc gia đầu mối đã được xác định ở châu Á và châu Phi.

 

Đồng thời, khuyến nghị cũng đề cập việc tăng cường trao đổi giữa hai châu lục, duy trì hoạt động báo cáo, huy động các nguồn lực cần thiết cũng như quan tâm đến các văn kiện quốc tế về hoặc có liên quan tới phụ nữ trong quá trình hợp tác.

 

Tại đây, đoàn đại biểu Việt Nam đã chia sẻ những thành tựu đạt được vì bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ cũng như những thách thức phía trước. Phụ nữ Việt Nam đánh giá cao và sẵn sàng tham gia hợp tác Á - Phi về vấn đề phụ nữ và đề xuất thiết lập một cơ chế hợp tác hiệu quả. Trong thời gian tham gia Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên đã có buổi gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Tăng cường quyền năng phụ nữ Inđônêxia. Phía Inđônêxia đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong hỗ trợ phụ nữ xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, xoá mù chữ, tỉ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo và bày tỏ ý định mời Việt Nam sang tìm hiểu về Bộ Tăng cường quyền năng phụ nữ, các hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian sắp tới.


Hội thảo về vấn đề phụ nữ đã diễn ra trong bối cảnh đầy ý nghĩa, bên lề Hội nghị cấpcao Á - Phi và nhân kỷ niệm 50 năm Hội nghị Băng-đun. Hoạt động này đã góp phần tăng cường hơn nữa nỗ lực của các Chính phủ trong việc thúc đẩy địa vị, vai trò và điều kiện cho phụ nữ và thanh niên trong bối cảnh Hợp tác chiến lược Á - Phi mới vì phúc lợi và sự thịnh vượng của hai châu lục.

Bài & ảnh: Nguyễn Thuý Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video