Hội thảo vận động chính sách Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tại Thành phố Cần Thơ và Hậu Giang

23/06/2020
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm hỗ trợ tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, thông qua Tổ chức Di cư quốc (IOM), TW Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN Thành phố Cần Thơ và Hội LHPN Tỉnh Hậu Giang phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo vận động chính sách Hỗ trợ Phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ tại TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang.
Bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Cần Thơ phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong việc thành lập văn phòng dịch vụ một điểm đến (OSSO); cơ chế, cách thức phối hợp với các cơ quan, sở ngành liên quan trong quá trình hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ thông qua vận hành Văn phòng dịch vụ một điểm đến.

Các đại biểu tham gia hội thảo

Bà Nguyễn Thanh Cầm, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam cho biết mỗi năm Việt Nam có hàng chục ngàn công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài trong đó trên 90% là phụ nữ. Trong nhiều trường hợp, khi trở về Việt Nam phụ nữ gặp khó khăn vì thiếu việc làm và các vấn đề về pháp lý, tâm lý của bản thân người phụ nữ và con cái họ. Do vậy, việc thành lập và vận hành mô hình Văn phòng dịch vụ một điểm đến để cung cấp các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ cho phụ nữ di cư hồi hương và thành viên gia đình họ tại 5 tỉnh/thành thuộc địa bàn dự án là rất cần thiết và ý nghĩa. Các kết quả của dự án, cùng với việc vận hành Văn phòng OSSO sẽ là căn cứ quan trọng để Hội LHPN VIệt Nam tham mưu, đề xuất chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và đề xuất các giải pháp hoạt động Hội trong thời gian tới.

 

Các đại biểu chia nhóm thảo luận

Theo báo cáo của Hội LHPN TP Cần Thơ, từ năm 2019 đến 30/5/2020, toàn thành phố có 2.594 trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, trong đó chủ yếu là kết hôn với nam giới Hàn Quốc và Trung Quốc (chiếm 2.040 trường hợp). Thời gian qua Hội LHPN Thành phố có nhiều hoạt động hỗ trợ và giúp đỡ phụ nữ di cư và trẻ em hồi hương, trong đó sự hợp tác với Tổ chức nhân quyền Liên hiệp quốc Hàn Quốc KOCUN.

Phát biểu tại hội nghị, bà Võ Kim Thoa, Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Cần Thơ cam kết bố trí cơ sở vật chất thuận lợi cho văn phòng dịch vụ một điểm đến, bố trí cán bộ có kinh nghiệm tham gia và tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn phòng OSSO hoạt động có hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội LHPN Tỉnh Hậu Giang phát biểu tại Hội thảo

Hậu Giang cũng có nhiều phụ nữ kết hôn với người Hàn Quốc. Thay mặt Hội LHPN tỉnh Hậu Giang,  bà Nguyễn Thị Tuyết Loan, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh các công việc cần thực hiện ngay sau Hội thảo: Rà soát để nắm vững số liệu về phụ nữ di cư hồi hương phục vụ cho việc nghiên cứu và đề xuất chính sách; Xây dựng kế hoạch thực hiện dự án kết hợp với kế hoạch phối hợp với các sở, ngành; Thành lập tổ liên ngành để giải quyết các vấn đề liên quan phụ nữ di cư hồi hương và gia đình họ; Thành lập và vận hành Văn phòng dịch vụ một  điểm đến đúng yêu cầu, mục đích...

Đỗ Thơm

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video