Hơn 950 nhóm trẻ tư thục các khu công nghiệp được hỗ trợ, kiện toàn phát triển từ năm 2014 đến 2020

16/07/2020
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo rà soát kết quả thực hiện các mục tiêu của Đề án 404 về hỗ trợ phát triển nhóm trẻ tư thục độc lập các khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020. Hội thảo do Hội LHPNVN tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội.
Ảnh minh họa

Vượt chỉ tiêu số lượng nhóm trẻ được hỗ trợ

Thông tin tại hội thảo, bà Trần Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPNVN, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án 404 - cho biết, đề án đưa ra 4 mục tiêu khá cụ thể trong các năm từ 2014 đến 2020. Trong đó, phải thành lập được ít nhất là 500 nhóm trẻ độc lập tư thục được kiện toàn, được xây dựng và phát triển; 80% cán bộ, giáo viên bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ; 70% trẻ dưới 36 tháng tuổi được quản lý và đảm bảo chất lượng. Và mục tiêu cuối cùng là 95% các bà mẹ ở khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) được truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc trẻ.

Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương phát biểu tại hội thảo. Ảnh: D.H

Theo Phó Chủ tịch Trần Thị Hương, để thực hiện đề án này, Ban chỉ đạo đã rất kỳ công trong việc thành lập Ban chỉ đạo, ban hành các văn bản hướng dẫn, các thông tư của Bộ Tài chính, và trực tiếp đi về hàng chục tỉnh, thành phố để trực tiếp làm việc. "Chúng tôi đánh giá theo từng năm, theo cấp độ, theo những mục tiêu đề ra. Ban đầu gặp nhiều khó khăn, lúng túng. Tuy nhiên sau khi đi gần hết chặng đường, chúng ta cơ bản vượt các chỉ tiêu đề ra", Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cho biết.

Báo cáo cụ thể hơn về các nội dung của đề án, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPNVN, nhận định, tính đến tháng 6/2020, tổng số nhóm trẻ tư thục độc lập được hỗ trợ, kiện toàn phát triển là 951 nhóm thuộc 20 tỉnh, thành phố - vượt gần gấp đôi chỉ tiêu 500 nhóm như mục tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội, TƯ Hội LHPNVN, nêu kết quả của đề án 404. Ảnh: D.H

Bên cạnh đó, hầu hết các tỉnh thực hiện quản lý, giám sát nhóm trẻ theo quy định. Một số tỉnh thành bắt đầu tăng cường thực hiện giám sát dựa vào cộng đồng như Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM… Đặc biệt, Hội Phụ nữ các cấp và ngành giáo dục đã phối hợp tổ chức tập huấn cho hơn 27.000 người gồm quản lý, giáo viên, tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi cho hơn 770.000 người gồm cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại KCN, KCX.

Đặc biệt, một số địa phương đã rất tích cực trong vận động, ban hành cơ chế, nguồn lực hỗ trợ triển khai đề án, như Hải Phòng, Quảng Ngãi, TP.HCM, Bắc Ninh…

Tuy nhiên, theo bà Tuyết Mai, vẫn còn một số tỉnh, thành gặp khó khăn trong ban hành cơ chế thực hiện chỉ tiêu các nhóm trẻ cần được hỗ trợ. Việc đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên cũng gặp vướng mắc do nhiều tỉnh thành chưa gắn được với nhiệm vụ của ngành giáo dục. "Sự phối hợp triển khai đề án giữa các ngành chưa được đồng đều, toàn diện. Ngành y tế vẫn chưa vào cuộc ngay từ cấp trung ương.

"Do chủ chuyển nghề, khó thuê địa điểm, ảnh hưởng của dịch Covid-19.. nên một số nhóm trẻ tự giải thể, gây khó khăn trong đảm bảo tính bền vững của các nhóm trẻ được đề án hỗ trợ, kiện toàn. Bên cạnh đó, các nhóm trẻ độc lập tư thục tự phát ngày càng đông và thường theo mùa vụ, do đó việc quản lý, giám sát còn gặp nhiều khó khăn" – bà Mai nhận định.

Quang cảnh hội thảo sáng 15/7. Ảnh: D.H

Những việc cần làm ngay

Chia sẻ kết quả ban đầu về đánh giá đầu ra của đề án, bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non. nhìn nhận, qua khảo sát thực tế, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục. Trong đó, không đánh giá được việc đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non do không đưa vào kế hoạch.

Bên cạnh đó, mục tiêu 95% cha mẹ được truyền thông, bồi dưỡng về chăm sóc trẻ hàng năm, theo bà Trinh là "điều không tưởng". "Thời gian làm việc của họ ở KCN rất lớn, di chuyển liên tục. Chúng ta chỉ tính đến 95% là cha mẹ đã ổn định, đã được một lần bồi dưỡng truyền thông nhưng trên thực tế cho thấy số liệu biến động mạnh. Qua tìm hiểu 4 tỉnh cho thấy 100% cha mẹ có con dưới 36 tháng tuổi đều không biết đến mục tiêu này", bà Trinh cho hay.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh nêu một số tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án 404. Ảnh: D.H

Còn theo bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT, qua phối hợp triển khai đề án ở 11 địa phương thì thấy việc giám sát, thực hiện đề án vẫn còn khá chậm. "Mới đây nhất chúng tôi đi kiểm tra Long An thì tỉnh này không có động thái gì để triển khai từ phía Sở GD&ĐT. Hay khi làm việc với Hải Dương thì thấy kinh phí mới chỉ trên giấy, chưa về được đến tay", bà Hiếu nêu thực trạng.

Cũng theo bà Hiếu, công tác quản lý nhóm lớp độc lập ở địa phương mặc dù đã cải thiện tình trạng bạo hành, mất an toàn, giảm nhiều so với hồi đầu thực hiện đề án, song việc này vẫn chưa kiểm soát tốt, đặc biệt là việc cấp phép chưa đảm bảo theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, sự phối hợp liên ngành trong việc thực hiện đề án nơi này nơi khác chưa thực sự làm tốt. "Cần phân công rõ vai trò trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức đơn vị để phát huy thế mạnh, từ đó phối hợp tác động một cách tốt nhất. Các báo cáo độc lập về mặt tồn tại, hạn chế nêu ra tại đây, theo tôi là cái nhìn từ thực tế để biết còn "hổng" ở đâu, cần tiếp tục làm gì cho giai đoạn tới. Về phía Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp đề xuất nội dung hỗ trợ chính sách về cơ sở vật chất (ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng..) với các cơ sở giáo dục tại KCN, KCX; rà soát đánh giá chất lượng các cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời sẽ nỗ lực tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ giáo viên mầm non", bà Hiếu nói.

https://phunuvietnam.vn/

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video