Hợp tác vì một tương lai xanh và bền vững cho phụ nữ

29/09/2022
Trong khuôn khổ Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia - Hội nhập, hợp tác vì phát triển xanh và bền vững trong một thế giới có Covid-19” do Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với Hội LHPN Lào và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hòa bình và Phát triển tổ chức vào sáng 28/9, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của phụ nữ vì phát triển xanh và bền vững” nhằm trao đổi về những kinh nghiệm và giải pháp phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển xanh, bền vững.
Tọa đàm “Phát huy vai trò của phụ nữ vì phát triển xanh và bền vững” diễn ra sáng 28/9

Khách mời tham gia tọa đàm có: Bà Phasouk Vongvichith, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Y tế Lào; Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội; Bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững.

Các khách mời tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, bà Phasouk Vongvichith, Trợ lý Bộ trưởng, Bộ Y tế Lào đã chia sẻ về các nỗ lực của Hội LHPN Lào trong triển khai các phong trào thi đua 3 tốt (công dân tốt, phát triển tốt và xây dựng gia đình tốt); các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; các hoạt động phục hồi du lịch xanh thích ứng với trạng thái bình thường mới. Hội LHPN Lào đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện các chương trình liên quan đến vấn đề Bình đẳng giới; khai thác, sử dụng tài nguyên bền vững; tham gia các dự án trồng cây ăn quả cũng như các dự án nông nghiệp sạch hữu cơ nhằm giảm lượng rác thải nhựa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn ngay trong gia đình, bản làng.

Bên cạnh đó, phụ nữ Lào cũng tích cực phát huy, giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp, sau khi dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động lớn tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế xã hội của đất nước thì vai trò của phụ nữ Lào trong việc củng cố nâng cao đời sống ngày càng rõ rệt. Trong năm 2022, Chính phủ Lào đã có những biện pháp khôi phục nền kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống của người dân, trong đó Hội LHPN Lào cũng góp phần không nhỏ trong tổ chức triển khai các chương trình giải pháp do Chính phủ đề ra với mục đích phục hồi phát triển kinh tế, đảm bảo phát triển xanh bền vững; chủ động phát triển các mô hình du lịch ngày càng phong phú để tuyên truyền các phong tục tốt đẹp của đất nước. Qua đó, bà Phasouk Vongvichith bày tỏ mong muốn nhận được sự hợp tác của Hội phụ nữ Việt Nam và Campuchia hơn nữa để phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của môi trường đến đời sống xã hội và nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

Theo bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hội LHPN TP. Hà Nội đã có nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nhất là mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý, điều hành; kết nối hỗ trợ, quảng bá sản phẩm OCOP, làng nghề. Nhiều ý tưởng thành hiện thực, nhiều sản phẩm hướng tới phát triển xanh bền vững như: lụa tơ sen, son môi làm từ gấc, tranh từ gạo sấy... được quảng bá.  Để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội phụ nữ TP. Hà Nội đã điều hành, phối hợp quản lý tốt nguồn vốn hơn 7,6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ nghèo, yếu thế. Ngoài ra, Hội cũng triển khai các mô hình góp phần lan tỏa trách nhiệm của cả cộng đồng với mục đích bảo vệ môi trường thông qua Ngày hội tái chế, vận động sản xuất kinh doanh an toàn; các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa để nỗ lực phát triển thủ đô xanh sạch đẹp như: “Gia đình tình nguyện”, “Cộng đồng tình nguyện”, “Xây dựng Hà Nội xanh”…

Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN TP. Hà Nội chia sẻ nhiều mô hình, sáng kiến, cách làm hay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Bà Lê Kim Anh cho rằng, cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ nữ để có sự thống nhất trong tiếng nói và hành động nhằm chia sẻ những nội dung cụ thể hỗ trợ nhiều chị em phụ nữ trong đó có phụ nữ yếu thế, đặc thù được tham gia vào các hoạt động của Hội phụ nữ 3 nước. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai nhiều cuộc thi, chương trình biến các sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của phụ nữ thành hiện thực giúp chị em cải thiện kinh tế, tự tin thể hiện bản thân.

Bên cạnh việc chia sẻ tri thức, cam kết về chính trị, cải thiện khuôn khổ chính sách, bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó Viện trưởng, Viện Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cũng đưa ra một số ý kiến về việc phối hợp đa phương triển khai các khóa tập huấn, đào tạo lãnh đạo nữ; phát triển bộ tổng hợp các sáng kiến truyền cảm hứng cho phụ nữ 3 nước; hỗ trợ dạy nghề; đào tạp bồi dưỡng, kiến tạo tri thức theo hình thức online.

Những thông tin, kinh nghiệm, đặc biệt là những đề xuất, khuyến nghị mà các khách mời nêu ra một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ trong phát triển xanh và bền
vững và là gợi ý cho các sáng kiến hợp tác sắp tới ở cấp quốc gia, tiểu vùng Mekong và khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

Minh Trang

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video